(Tinmoi.vn) Những phát ngôn theo kiểu trịch thượng, dối trá, bóp méo sự thật, “vừa ăn cướp vừa la làng” đã được Trung Quốc thường xuyên sử dụng trong thời gian qua.
Sự lộng ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức một buổi họp báo quốc tế để cập nhật về tình hình vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời tái khẳng định chủ quyền lịch sử của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa.
“Các minh chứng lịch sử và pháp lý cho thấy Việt Nam có chủ quyền tuyệt đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa", ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia khẳng định.
Sau đó, khi được hỏi về phản ứng trước những động thái khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, trong một cuộc họp báo được tổ chức ngày 26/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc – Tần Cương – đã trắng trợn phủ nhận và phát biểu trước báo giới rằng: “Khi biết Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Sáu tuần trước về sự việc, tôi cảm thấy vô cùng nực cười”.
“Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ không thể chối cãi của người Trung Quốc”, ông này xuyên tạc.
Chưa dừng lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lộng ngôn lên án Việt Nam “bóp méo lịch sử, bác bỏ sự thật, tự mâu thuẫn mình và phản bội ngôn từ của chính mình” và cho rằng: “Vị thế quốc tế của nước này rất thấp”.
Tần Cương - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - vừa có nhiều phát ngôn bóp méo sự thật, vu khống Việt Nam.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều phát ngôn có tính chất xuyên tạc, dối trá, vu khống từ nguồn phát ngôn chính thức của phía Trung Quốc trong thời gian qua. Không khó để nhận thấy và vạch rõ sự gian dối và vô lý của các luận điểm mà phía Trung Quốc phát ngôn.
Ông Tần Cương nói rằng Việt Nam “bất nhất” khi “bóp méo lịch sử, bác bỏ sự thật, tự mâu thuẫn mình”. Nhưng sự thật là, Việt Nam luôn kiên định, nhất quán quan điểm về chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo hợp pháp của mình. Không chỉ dừng ở lời nói, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều bằng chứng lịch sử, bằng chứng pháp lý rõ ràng, thuyết phục và không thể chối về chủ quyền của mình, đặc biệt là với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vấn đề chủ quyền của Việt Nam được ghi nhận, bảo vệ bởi luật pháp quốc tế và nhiều văn bản có giá trị pháp lý, được đông đảo các nước trên thế giới công nhận và ủng hộ.
Trong khi đó, qua các hành động và lời nói của mình, có thể thấy chính Trung Quốc mới là những người bất nhất. Dù Trung Quốc luôn lớn tiếng về việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác, nhưng hãy nhìn vào cách Trung Quốc liên tục có hành động “khiêu khích, gây hấn, làm căng thẳng tình hình” với các nước láng giềng như Việt Nam, Nhật Bản, Philippines…
“Đường lưỡi bò”, “đường chín đoạn” do Trung Quốc tự bịa ra để đòi chủ quyền đối với khoảng 90% Biển Đông, đến tận những khu vực sát bờ biển của các quốc gia láng giềng. Đây là điều không thể chấp nhận được, không chỉ đối với các nước có tranh chấp như Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan, mà còn với cả cộng đồng quốc tế.
Vị thế và uy tín của Trung Quốc suy giảm trên trường quốc tế
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng cho rằng “vị thế quốc tế của Việt Nam rất thấp”. Nhưng hãy nhìn vào phản ứng, hành động của cộng đồng quốc tế đối với các vụ việc căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua để thấy được vị thế, vị trí của mỗi nước trên trường quốc tế.
Vừa qua, Trung Quốc đã ngang ngược đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam, kèm theo đó là hàng trăm tàu và máy bay các loại, trong đó có cả tàu quân sự, để bảo vệ giàn khoan và hung hăng tấn công nhằm cản trở các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.
Hành động leo thang, gây căng thẳng chưa từng có này của Trung Quốc trên Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Hàng loạt quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Singapore… và các tổ chức lớn như Liên minh châu Âu EU, ASEAN… đã đồng loạt lên án, phản đối Trung Quốc. Nhiều nước tỏ rõ sự e ngại, không còn tin tưởng vào Trung Quốc.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thống nhất về nội dung một bản nghị quyết của Thượng viện về việc ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xử lý hòa bình các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ trong khu vực, trong đó phê phán các hành động làm thay đổi nguyên trạng, gây căng thẳng của Trung Quốc.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, bằng nhiều hình thức, đã thể hiện mạnh mẽ sự ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chính nghĩa để bảo vệ chủ quyền của mình, đồng thời đánh giá cao những hành động hợp lý, bình tĩnh, phù hợp luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã và đang tiến hành trước sự ngang ngược của Trung Quốc.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, vị thế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Trong khi đó, ngược lại, vị thế và uy tín của Trung Quốc đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng trong mắt các quốc gia trên thế giới.
Trung Quốc “liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam"
Cũng liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc nói phía họ chỉ có tàu chính phủ và tàu dân sự tại khu vực giàn khoan, còn Việt Nam có tàu quân sự, và các tàu Trung Quốc là “nạn nhân” của các tàu Việt Nam. Nhưng tại các cuộc họp báo do họ tổ chức, khi được báo chí yêu cầu bằng chứng, họ đã không đáp ứng được.
Trong khi đó, báo chí Việt Nam đã đưa ra rất nhiều hình ảnh, kể cả video clip chứng minh điều ngược lại, rằng Trung Quốc đã điều cả tàu quân sự tới khu vực giàn khoan, các tàu của Trung Quốc đã hung hăng, chủ động đâm va, phun vòi rồng, gây thiệt hại cho các tàu của Việt Nam như thế nào.
Hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, hung hăng đâm va, phun vòi rồng làm hỏng tàu, làm bị thương cán bộ chấp pháp Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn liên tục phát ngôn như thể họ là nạn nhân.
Thậm chí, với những kiến thức sơ đẳng cũng có thể dễ dàng nhận ra những điều vô lý trong các thông tin bịa đặt mà phía Trung Quốc đưa ra. Ví dụ như, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc 157 lần. Trên thực tế, Việt Nam có 30 tàu chấp pháp đang làm nhiệm vụ ở khu vực giàn khoan trái phép. Nếu tính theo con số Trung Quốc đưa ra, mỗi tàu Việt Nam thực hiện trung bình hơn 5 cú đâm húc tàu Trung Quốc, đây là điều không thể xảy ra bởi nếu làm vậy, các tàu của Việt Nam đã hỏng hết.
Trong một diễn biến khác, ngày 25/5 vừa qua, các cơ quan tố tụng của Việt Nam đã tiến hành xét xử hai trong số các bị cáo liên quan đến vụ gây rối ở Bình Dương. Hai bị cáo này đã bị kết án một và ba năm tù – khung hình phạt nghiêm khắc nhất về các tội “trộm cắp tài sản”, “cố ý làm hư hỏng tài sản” và “gây rối trật tự công cộng”.
Nói về các phiên tòa này, ông Tần Cương cho rằng “như vậy là chưa đủ, yêu cầu Việt Nam trừng trị nghiêm khắc hơn” và bồi thường cho các doanh nghiệp và cá nhân chịu thiệt hại, đồng thời bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp và công dân Trung Quốc tại Việt Nam.
Có lẽ ông Tần Cương đã cố tình lờ đi một sự thực là, khi các vụ gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh xảy ra, các lực lượng chức năng Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát tình hình, ổn định trật tự. Ngay sau đó, nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã xuống tận nơi để thăm hỏi, động viên người lao động và các doanh nghiệp.
Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam đã và đang làm hết sức mình để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho các nhà đầu tư nước ngoài; giúp đỡ, hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục tối đa thiệt hại, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc. Rất nhiều người dân tỉnh Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia chữa trị cho những người Trung Quốc bị thương trong các vụ gây rối. Tình hình đã nhanh chóng ổn định trở lại, an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được bảo đảm, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
Những kẻ kích động, gây rối trong các vụ việc ở Bình Dương, Hà Tĩnh đã bị cơ quan chức năng bắt giữ, đã và sẽ tiếp tục bị xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.
Trung Quốc nên dừng việc cố tình vu khống Việt Nam sau một số vụ việc đáng tiếc về an ninh trật tự vừa qua nhằm cố tình muốn tạo dựng hình ảnh một Việt Nam bất ổn, “hung hăng” và thiếu trách nhiệm với các nhà đầu tư, bởi các nhà đầu tư sẽ đánh giá chính xác về môi trường đầu tư của Việt Nam, về thiện chí của Việt Nam. Bức tranh xuyên tạc, phóng đại về Việt Nam do những người thiếu thiện chí cố vẽ ra không thể lừa bịp được ai.
Qua một vài dẫn chứng kể trên, có thể thấy, Trung Quốc đã “vu khống và đổ lỗi” cho Việt Nam như thế nào. Những phát ngôn theo kiểu trịch thượng, dối trá, “vừa ăn cướp vừa la làng” đã được Trung Quốc thường xuyên sử dụng một cách có hệ thống trong thời gian qua.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: Trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền và thềm lục địa Việt Nam, bất chấp thiện chí hòa bình, đối thoại của Việt Nam, Trung Quốc đã không chỉ ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, mà còn “liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói”.
Duy Minh