Quả lựu đạn đã khai hoả giữa thời bình trong lúc Canh cố vùng vẫy muốn thoát thân. Anh Chiến bị thương rất nặng. Phà Văn Canh cũng đã bị bắt và chịu tội chết sau đó.
Kẻ trốn trại giắt lựu đạn ngày mùng 3 Tết
Cho đến bây giờ Công an tỉnh Hà Giang không ai có thể quên Anh hùng liệt sỹ Công an Phạm Đình Chiến. Anh đã không tiếc tuổi xuân, ngã xuống trên miền quê ngút ngàn đá Hà Giang, để lại sau lưng mình người vợ đôi mươi và đứa con chưa một lần biết mặt cha.
Qua lời kể của đồng đội chúng tôi được biết anh Chiến là người ít nói và sống ngay thẳng. Quê anh ở mãi vùng Đông Trai (huyện Sơn Dương - tỉnh Tuyên Quang). Anh vào ngành công an lặng lẽ như một sự sắp đặt của trời đất. Có người về tuyển, sức khoẻ đáp ứng được, thế là anh vào ngành và làm việc tại phòng hình sự của công an tỉnh.
25 tuổi, anh bắt đầu yêu thầm một cô nữ sinh khoa Văn của một trường cao đẳng sư phạm. Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hận, vợ anh ngậm ngùi kể, hai người đến với nhau bằng tình yêu lạ lắm. Những lần anh đến gặp chị chẳng tán tỉnh hay nói năng gì. Rồi anh mượn đâu được chiếc xe đạp cũ và rủ chị về quê. Gần đến nhà anh mới nói: "Anh đưa em về ra mắt gia đình anh!". Mới đầu chị giật mình, sau lại cảm động vì tấm chân tình của anh. Thế là yêu và cưới nhau. Một năm sau lễ cưới, cháu Phạm Đơn Thương chào đời.
Lúc này, địa bàn tỉnh Hà Giang, đặc biệt là vùng Phú Linh, Linh Hồ, người dân sống trong nơm nớp lo sợ vì có tội phạm nguy hiểm Phà Văn Canh vừa trốn trại trở về tác oai tác quái. Canh bị kết tội tử hình vì định mưu sát và gây thương vong cho 40 người đang xem phim ở một nhà dân. Hai tay hai súng AK cùng 3 quả lựu đạn đã rút chốt buộc dây lạt luôn ém trong người, hắn thoắt ẩn thoắt hiện không tài nào mà lần được.
Hôm ấy mùng 3 Tết âm năm 1992, cháu Thương mới được ít tháng tuổi và anh Chiến vẫn còn trong thời gian được cơ quan cho nghỉ phép. Nghe tin mật báo, đêm ấy, tay Canh sẽ xuống núi, đây là một cơ hội để cho các chiến sĩ công an tóm gọn đối tượng.
Nhận tin, anh Chiến đã nói dối vợ là đi thăm và Chúc Tết bạn rồi xung phong vào một mũi truy kích. Mũi của anh Chiến đã đương đầu với tội phạm này. Khi ấy, quả lựu đạn đã khai hoả giữa thời bình trong lúc Canh cố vùng vẫy muốn thoát thân. Anh Chiến bị thương rất nặng. Phà Văn Canh cũng đã bị bắt và chịu tội chết sau đó.
Những cuộc đấu trí nảy lửa giữa các chiến sỹ công an và trùm ma túy |
Hi sinh khi chưa có nụ hôn đầu đời
Quốc lộ 6 dài thượt, chạy nối các tỉnh biên giới Tây Bắc: Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu vốn được mệnh danh là “cung đường ma túy”. Vì lợi nhuận chết người của nó nên trên cung đường này, qua các địa danh như Thôm Mòm, Na Ư... luôn có các băng nhóm buôn bán ma túy xuất hiện, ngày càng nhiều, táo tợn và nguy hiểm. Chúng sẵn sàng xả súng vào bất cứ người nào chúng cho là “ngáng đường” vận chuyển hàng. Vì vậy, công an các tỉnh trên đã không ít người phải đổ máu, ngã xuống cho cuộc sống bình yên nơi đây.
Phạm Văn Cường, chiến sĩ cảnh sát nhân dân đội Phòng chống ma túy, Công an tỉnh Điện Biên là người như vậy. Anh ra đi khi còn trẻ, vào những ngày cuối năm 2006. Khi đó, anh chưa từng yêu, chưa từng có một người bạn gái và chưa từng trao một nụ hôn đầu đời cho một cô gái nào.
Tốt nghiệp trường Cảnh sát nhân dân I, với mong muốn được cống hiến cho ngành cộng với tính ưa mạo hiểm, anh đã tình nguyện xung phong lên Điện Biên công tác. Với dáng người nhỏ, cộng với sự nhanh nhẹn, phát hiện và xử lý tình huống nhanh, anh là cánh tay đắc lực của đội Phòng chống tội phạm ma tuý. Trong hàng chục vụ phá án ma tuý của anh cùng đồng đội, người ta nhớ nhất là vụ nhập vai và truy bắt băng nhóm buôn bán ma tuý của Lý A Va. Đây là chuyên án thực hiện cuối cùng của anh với đồng đội.
Sau khi bắt được hai tên Và Trù Tú, Và A Sang vận chuyển 2 bánh heroin từ cửa khẩu Tây Trang về. Qua đấu tranh, cả hai tên đều ngoan cố không khai ra đồng bọn. Xác định đây là chuyên án lớn, Công an tỉnh Điện Biên ra kế hoạch “đánh” tiếp, Cường đã được phân vào cuộc. Cải trang, làm quen, sau 45 ngày Cường đã tiếp xúc và cung cấp cho công an tỉnh những nguồn tin quý. Để “khoá án”, đêm ấy, trên đỉnh đèo Tây Trang, dưới sự hỗ trợ của đồng đội, Cường đã một mình vào trận để câu nhử đối tượng. Thế nhưng với bản chất ranh ma, trong một tích tắc, bọn Và A Say, Lý A Va đã phát hiện ra Cường là công an. Không suy tính, chúng quay súng vào anh nhả đạn. Cường đã ngã xuống. Sau đó toàn bộ băng nhóm cũng bị công an tóm gọn.
Người dân Điện Biên còn nhớ như in đám tang của anh với cả nghìn người đưa tiễn. Và trong hành trang của anh để lại, người ta không tìm nổi một bức thư tình. Anh chưa yêu, chưa có nụ hôn đầu đời và đã ngã xuống cho một cuộc sống bình yên.
Chuyện về những lần đánh án của những người “lính ma túy”, công an... có lẽ sẽ chẳng bao giờ kể hết được. Có tìm hiểu mới biết những vất vả mà các anh phải trải qua cũng như những chiến công các anh giành được cho sự bình yên của xã hội ý nghĩa đến nhường nào. Lẽ thường là vậy, đằng sau những chiến công luôn là những hy sinh mất mát. Dẫu vậy, dù có khó khăn phía trước, dẫu gian nguy luôn chực chờ, thế nhưng các anh – những cán bộ chiến sĩ, công an, vẫn luôn mưu trí, quả cảm, quyết tâm chặt đứt các “vòi bạch tuộc” gieo rắc “cái chết trắng”, đe dọa An Nguy cho xã hội.
Hành quân vào lúc đón xuân |
QUỲNH BÙI/ Đời sống & Pháp luật