Trước khi đi ngủ anh H. có dùng than củi đốt ở phòng ngủ cho ấm. Đến sáng hôm sau khi mọi người vào phòng thấy nạn nhân đã hôn mê.
Theo VTV, sự việc xảy ra vào ngày 20/12, nạn nhân là một người đàn ông tên H. 42 tuổi. Người đàn ông này đã đốt than củi để sưởi ấm từ 10h đêm và đóng kín cửa phòng đi ngủ. Đến sáng hôm sau, khi người nhà gọi cửa, không thấy trả lời, nên đã phá cửa xông vào, đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Người nhà vội vàng đưa anh H. đến bệnh viện địa phương, nhưng do tình trạng quá nặng nên đã được chuyển thẳng lên Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cấp cứu.
BS Nguyên đang thăm khám cho một bệnh nhân bị ngộ độc khí than. |
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu tổn thương thần kinh,… Sau đó bệnh nhân được các bác sĩ cho thở máy và điều trị theo phương pháp giải độc ngộ độc khí. Sau 1 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân rất nặng, vẫn hôn mê và các bác sĩ sẽ cố gắng làm mọi thứ để bệnh nhân bị tổn thương não ít nhất có thể.
Sau 1 ngày điều trị, BS Nguyên cho biết tình trạng của bệnh nhân rất nặng, vẫn hôn mê và các bác sĩ sẽ cố gắng làm mọi thứ để bệnh nhân bị tổn thương não ít nhất có thể.
“Bệnh nhân bị đốt than trong phòng kín nên bị ngộ độc khí CO rất nặng và đã có hôn mê. Tiên lượng những trường hợp này có tổn thương não lâu dài, nhưng ở mức độ như thế nào thì không thể nói trước được, điều đó còn tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh”, BS Nguyên cho hay.
PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định tuyệt đối không sử dụng hình thức đốt cháy để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas.
Đốt than trong phòng kín vô cùng nguy hiểm. Ảnh minh họa |
“Khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi khí CO độc hại hoặc khí CO2 sẽ ngày càng tăng. Đến một giai đoạn nào đó, phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu khí oxy sẽ hình thành khí CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”, PGS.TS Trần Hồng Côn nói.
Theo TS.BS Đỗ Quốc Huy, bản thân khí CO không màu, không mùi vị đặc biệt nên rất khó phát hiện. Chất khí độc hại này khi hít phải sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy mà máu cung cấp cho cơ thể, làm chúng ta đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn. Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh.
Đốt than sưởi ấm, dù có mở hé một cửa sổ để thông gió cũng vẫn nguy hiểm vì hít phải khí CO sẽ ngấm độc từ từ, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính thì tốc độ và mức độ nhiễm độc tăng rất cao.
Trang Vũ (tổng hợp)