Cuộc sống ngày một phát triển, con người ta chỉ cần một cú chạm đã có thể biết hết tin tức từ ta sang Tây, thế nhưng vẫn còn những con người như ông Sơn ngày ngày cần mẫn giao những tờ báo giấy đến tay khách hàng, gìn giữ một nét văn hoá đầy thú vị của Sài Gòn.
Sài Gòn một buổi sáng thường nhật bận rộn, người xe tất tả ngược xuôi, giữa cái nắng hè tháng 5 oi bức, người đàn ông đã ngoài 60, đội chiếc mũ beret bạc màu chầm chậm từng vòng quay xe đạp, len vào từng con hẻm nhỏ, đưa tin tức "nóng hổi" đến tay mọi người.
Trong chiếc giỏ xe đã cũ, xấp báo thơm mùi giấy mới cũng lấp lánh những tia nắng vàng ươm.
Gắn bó với công việc từ năm 1975, thời mà báo giấy vẫn còn rất thịnh hành.
Hơn 40 năm qua, đều đặn mỗi ngày từ 6-7h sáng đến 11h trưa, ông Nguyễn Kim Sơn lại rong ruổi khắp các con hẻm lớn nhỏ ở quận 3, khi là giao báo cho những gia đình đã đặt trước, khi là bán dạo cho khách vãng lai ở dọc đường.
Công việc nhìn qua cứ ngỡ là nhàm chán, nhưng có theo chân người đàn ông này mới thấy đó là cả một sự yêu thích và chẳng thiếu niềm vui. Là sự yêu thích dành cho những con chữ của người đàn ông dù chẳng được học hành đến nơi đến chốn, là niềm vui từ những câu chuyện giản dị thoáng qua mỗi sáng được góp nhặt dọc đường.
Báo giấy, thứ mà ông Sơn chọn gắn bó cả cuộc đời, cũng âm thầm đứng ngoài cuộc chơi của công nghệ, giống như ông – người giao báo cùng chiếc xe đạp cũ, đứng ngoài sự vội vã thường nhật của Sài Gòn.
Năm 1954, ông Sơn theo gia đình vào Sài Gòn để sinh sống. Thời nhỏ vì mắt cận bẩm sinh nên việc học bị đứt quãng, lại thêm sức khỏe yếu nên làm việc gì cũng khó. Vậy là ông theo các chị trong nhà đi bán báo. "Từ năm 75 thì má mở sạp báo, lúc đó tui bắt đầu phụ má bán báo và đi giao báo bằng xe đạp. Làm cái nghề này mà nếu không mê thì cũng không đủ động lực để làm tới bây giờ được", ông Sơn đã nói về công việc mưu sinh nhưng cũng là niềm yêu thích của mình như thế.
Bao nhiêu năm trôi qua, thời cuộc đã nhiều lần thay đổi, những người bạn nghề của ông Sơn đã thôi không làm công việc này phần vì tuổi cao, phần vì thu nhập không còn đủ để họ xoay sở giữa cái phố thị đắt đỏ này. Thế nhưng người đàn ông này mỗi sáng vẫn đồng hành cùng chiếc xe đạp đưa tin tức đến từng nếp nhà. Là xe đạp, chứ không phải một phương tiện nào khác di chuyển nhanh chóng hơn giữa thời tiết thất thường của Sài Gòn, sáng nắng chiều mưa.
Ông Sơn chọn xe đạp phần vì trước đây mắt yếu không thể tập chạy xe gắn máy, nhưng tôi nghĩ vì nó hợp với tính cách cẩn thận, từ tốn của ông nhiều hơn. Là người Hà Nội gốc, ông Sơn mang theo sự thanh lịch và khiêm nhường đến với Sài Gòn một cách đầy tinh tế. Ông tôn trọng công việc bằng cách luôn chỉnh tề trong trang phục, quần âu áo sơ mi gọn gàng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ông kiệm lời và nhã nhặn với người xung quanh.
Đôi lần, khách hàng phàn nàn, trách móc vì tới trễ, dù vẫn biết chiếc xe đạp cọc cạch cùng đôi chân chẳng còn dẻo dai như thời trẻ, khó tránh những ngày trái gió trở trời không giao kịp giờ, nhưng ông Sơn vẫn mỉm cười, không than vãn.
"Ổng dễ nói chuyện lắm. Không bao giờ thấy cọc gì đâu". Người đàn ông vá xe ở đầu hẻm, ông chú bảo vệ, anh thanh niên bán dép trong khu chợ nhỏ,… với những người hàng xóm và "khách hàng" lâu năm này, ông Sơn là người đàn ông hiền lành, tử tế và có phần nhút nhát như thế.
"Trước đây báo giấy này còn thịnh, bán cũng vui. Tuy là giờ hơi khó khăn xíu mà làm quen rồi thì cũng sống được. Miễn sao có cái nghề lương thiện để mình gắn bó được đến giờ". Ở cái thời mà chỉ cần một cú chạm là bao nhiêu tin tức cũng hiện ra ngồn ngộn trước mắt, thì những con người chọn "kiếm cơm" bằng những điều có phần hoài cổ như chú Sơn hẳn cũng ít nhiều lao đao vì cuộc xâm chiếm của công nghệ số.
Cả quãng đường dài, tôi vẫn thắc mắc về ổ bánh mì đã nguội cùng ly cafe sữa đã tan gần hết đá vì cái nắng đổ lửa Sài Gòn nhưng ông Sơn chẳng hề đụng tới. Phải chăng người đàn ông này yêu công việc đến mức quên ăn quên uống?
À không đâu, là vì ông "để dành" về ăn cùng vợ mình đấy. Vợ ông – bà Dương Thị Thu, tuổi cũng ngoài 50. Bà Thu cười bảo: "Quen nhau qua mai mối, rồi thương nhau".
Vậy đó, ông bà chẳng yêu nhau lãng mạn, chẳng hẹn hò tình tứ như bao đôi trai gái thời nay nhưng nghĩa vợ chồng vẫn son sắc như ngày gặp gỡ.
Không có con cái nên những ngày tuổi xế chiều ông Sơn muốn dành thời gian để chăm sóc vợ nhiều hơn.
Những năm gần đây ông chỉ đi giao báo gần con hẻm 306 Nguyễn Thị Minh Khai – nơi có sạp báo nhỏ của bà Thu, để khi thì chạy về nhà lấy cho vợ bình nước, khi lại tạt qua lấy thêm vài tờ báo rồi nói chuyện cho bà đỡ buồn hay ăn sáng cùng nhau như thế.
Cứ vậy, đôi vợ chồng già đã đồng hành cùng nhau ngấp nghé cũng 20 năm có lẻ giữa cái đất Sài Thành.
Sạp báo nhỏ của họ chỉ bán đến 1-2h trưa là nghỉ, bởi giờ đó có lẽ ai nấy cũng đã cập nhật hết tin tức trong ngày rồi. Nhớ lại những ngày xưa cũ cách đây cả vài chục năm, ở cái thời "hoàng kim" của báo giấy, khi mà người ta sẵn sàng xếp cả một hàng dài chỉ để chờ mua được tờ báo, có hôm sạp bán đến tận 6-7h tối mới nghỉ.
"Tin nóng, tin tài tử điện ảnh… cứ ra là có người mua cả 5, 6 tờ một lần, chẳng cần bài nhiều chữ, cứ có ảnh là họ mua thôi. Nghĩ ngày xưa thế mà vui, còn giờ thì…", cô Thu bỏ ngỏ khi nhìn xấp báo trên sạp vẫn còn quá nửa, mà trời đã gần trưa.
"Ngồi 1 chỗ thì ế quá nên phải bán dạo thêm, dọc đường ai vẫy mua thì bán". Nghĩ thế nên mỗi ngày giao báo xong, chú Sơn lại tranh thủ đạp vài vòng qua mấy con đường lớn, để "thêm được đồng nào hay đồng đó". Thu nhập một ngày dao động khoảng 100.000 – 200.000, nhà chỉ có 2 vợ chồng, sống giản dị nên với cô chú như vậy cũng được coi là tạm đủ ở thành phố đắt đỏ này.
Những người "sống vội" ở cái đất này thường hay nhắc nhau: "Sống chậm lại. Nghĩ khác đi. Yêu thương nhiều hơn". Người đàn ông có nụ cười thật hiền này, chẳng phải đã có được cái an yên đấy rồi đó sao!
Ở một mặt nào đó của cuộc sống, thì chú Sơn đã là một người đàn ông may mắn.
May mắn bởi không mất quá nhiều thời gian loay hoay tìm kiếm niềm yêu thích và khiến nó trở thành một phần trong cuộc sống của mình, một công việc bình thường nhưng không chán chường, một gia đình giản dị, tuyệt nhiên miễn nhiễm với cái xô bồ và ồn ã của phố thị.
Hà My - Toàn Nguyễn