Thằng nhỏ vụt chạy, nấp vào vạt keo ven đồi. Chúng tôi cố kêu gọi gì cũng vô ích. Ba mẹ nó phải ra gọi một hồi lâu, nó quay về, len lén nhìn người lạ, rồi vụt vào bếp. Mẹ nó, chị Hoan ôm lấy con. Nó co rúm, mắt mở to kinh ngạc và sợ hãi.
“Cháu mấy tuổi hả em?”, “Dạ, sinh 2006”, “Có ra thị trấn lần nào chưa?”, “Chưa”, “Biết trường học chưa?”, “Làm chi biết”. Mẹ nó trả lời thẳng băng, ngắn gọn đúng khẩu ngữ của bà con người Xê Đăng, nhưng tuyệt đối không phải vô cảm, bất cần. Tôi đọc trong đó nước mắt đau buồn đã đông cứng.
“Duyên số, đừng hỏi nhiều”
“Nó thấy người lạ là bỏ chạy. Người ta nói ở giữa thị trấn mà có “người rừng”. Tuyên truyền, nói nhỏ nói to để thằng nhỏ được đi học, ông Nâm có nghe đâu”. Ông Hồ Văn Quảng, Bí thư Chi bộ thôn Đàn Nước, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam kể trên đường đưa tôi vào đây. Từ trung tâm huyện, đi xe máy năm phút, leo một ngọn đồi hết 15 phút là vào hố Dội, biệt lập giữa rừng, gia đình ông Hồ Văn Nâm ở đó.
Ông Nâm đón khách trong cái nhìn ngạc nhiên. Hỏi ông sinh năm nào, đáp tỉnh queo: “Không nhớ” (giấy tờ cá nhân ghi năm 1955), hỏi vợ sinh năm nào - ông cũng không nhớ nốt. May mà ông còn nhớ năm sinh của thằng nhỏ là 2006.
Chuyện ông Nâm lấy thêm vợ là cháu gọi ông bằng cậu, thiên hạ đồn ầm, dè bỉu. Tiếng là dân thị trấn, nhưng mùa mưa, không dễ dàng đến đây, bởi phải qua hai con suối. “Lúc chị Hoan sinh con, vợ ông có nói chi không?”. “Không, nói thiệt đó, không có bả chăm sóc, sao nuôi được đến chừ. Tết năm nào bả cũng lên thăm mà” - chị Hoan kể thêm.
Lại hỏi tiếp: “Ông vào Đảng năm nào?”. “Không nhớ”. Ông cho biết từng bị khai trừ Đảng lúc đứa con gái bị đau, nằm viện ở Đà Nẵng ba tháng, ông phải ra nuôi. Lý do bị khai trừ vì không sinh hoạt Đảng. “Sau đó, tôi làm tổ phó dân phố tốt quá, nên được kết nạp lại”. Lần kết nạp lại này là vào năm 2002, thẻ đảng ghi như thế chứ người viết hỏi thì câu trả lời vẫn là “không nhớ”; hỏi năm bị khai trừ lần hai, cũng vẫn “không nhớ”. “Vì sao ông bị khai trừ?”. Ông quay mặt đi chỗ khác, nhưng giọng bình thản: “Tôi sai”. “Ông nay hơn 60 tuổi, chị Hoan chưa đến 30 tuổi, trong khi vợ trước ông còn đó, ông cũng đã có cháu ngoại, sao ông lại lấy cháu mình?”. Ông quay nhìn tôi, hơi gằn giọng: “Duyên số, đừng hỏi nhiều”.
Có phải duyên số không? “Em không biết” - giọng chị Hoan như nuốt than, suốt thời gian nói chuyện, mắt chị lúc cụp xuống, lúc xa xăm. Chị kể, quê ở Trà Linh, ông Nâm cũng quê trên đó, mẹ ông và bà ngoại chị là hai chị em ruột. Khi đi học trường nội trú dưới này, chị ở trọ nhà ông, thường đi làm rẫy giúp. Năm 2002, đến lớp 9, nghỉ học, năm 2005, khi xuống lại trường rút giấy tờ để về xin đi học nghề, chị ở lại giúp ông làm rẫy một thời gian, không ngờ bi kịch xảy ra. “Ổng có nói yêu thương chi đâu, em nói thiệt em không biết chi hết. Em và ổng hay đi làm cùng, có lần ổng nói không muốn em đi xa, em không biết ổng để ý em, em kêu ổng là cậu nên có yêu đương chi đâu, ai ngờ… Lúc có bầu với ổng, em đang có người yêu là bộ đội. Nhiều người nói em không ai thèm ưng nên ưng ông già, nhưng họ đâu biết… Bồng con mà đi thì em biết đi đâu, số phận em vậy rồi. Em có con năm em 21 tuổi, thằng con em đã được tám tuổi rồi đó. Đẻ được 17 tháng, em bồng con đi bộ về, từ 7g sáng đến 21g mới đến nhà bố mẹ em, mệt quá, mấy lần em ngã bên đường. Bố mẹ buồn, không nói lời nào. Ở được ba năm thì xuống đây ở với ổng”.
Chị Hoan muốn con được đến trường, nhưng ông Nâm không muốn |
Bao giờ đứa bé được đến trường?
“Sao chị không đưa con đi học?”. “Em không biết chỗ nào làm giấy tờ, học chỗ nào, ở dưới này em không biết đi đâu cả, mà ổng dị (mắc cỡ), không dám đi gặp người ta. Năm 2010, em đi làm giấy tờ cho con, nhưng ổng không muốn con đi học. Mấy năm qua, không đêm nào em ngủ trọn giấc, buồn lắm. Đời em coi như đã hết, chỉ mong muốn cho con được đi học, tám tuổi rồi mà chưa biết trường lớp, chưa từng tới chỗ đông người, em không biết phải làm sao đây”.
“Sao ông không cho nó đi học?”. Ông Nâm trả lời thản nhiên: “Chờ lớn chút nữa”. “Nhỏ với ai nữa mà lớn, không lẽ ông suốt ngày bắt nó chăn năm con bò đang nhốt trong chuồng kia à?”. “Ừ, thì để coi, mà đi đâu cũng... ở nước Việt Nam thôi! Tôi nghe nói là sắp tới hội cựu chiến binh (CCB) sẽ lên vận động tôi, vì tôi trước đây là bộ đội mà”. Nói vậy nhưng khi tôi hỏi tiếp: “Họ vận động thì ông cho đi học không? Cháu còn nhỏ, đây ra đó phải lội suối, đường đi hiểm trở, ông nên dắt nó đi học”, ông Nâm chỉ “ừ, à…” cho qua chuyện rồi nói sang chuyện khác: “Anh ở lại, tôi làm thịt con chó nhậu chơi”. Chị Hoan nói với tôi: “Bó tay với ổng”.
Ông Nguyễn Văn Lý, Chủ tịch thị trấn cho biết: “Tôi đã yêu cầu hội CCB làm công tác tư tưởng cho ổng, nhưng con bé mới bốn tuổi, chưa đến tuổi đi học, sắp tới sẽ vận động vợ ông Nâm là bà H. cho nó xuống ở nhà bả để đi học”. Không rõ ông chủ tịch rành rõi vấn đề đến đâu, mà nói sai giới tính lẫn năm sinh của thằng bé!
Bà Nguyễn Thị M.H., vợ ông, nguyên là cán bộ bệnh viện huyện, đã nghỉ hưu, trả lời tôi giọng buồn bã: “Tôi tha thứ cho ổng, không nói nặng câu nào, lúc con Hoan đẻ, tôi giúp rất nhiều, thằng bé đau ốm, tôi bồng qua bệnh viện chăm sóc. Tôi nói hai người đi đâu thì đi, để nó đây tôi nuôi ăn học, nhưng họ không chịu, chứ nếu để ở với tôi, giờ nó đã học lớp 2 rồi”.
Chừng đó năm ở rừng đã khiến thằng bé thành “người rừng” trong mắt mọi người. Liệu cánh cửa lớp học có vĩnh viễn đóng sập, chôn vùi cả giấc mơ cho con được đi học của mẹ em?