Người “mẹ” của 250 đứa trẻ cho biết, nhiều sản phụ sau khi sinh xong đã nhờ người ở giường bên cạnh trông hộ rồi lấy lý do ra ngoài, sau đó bỏ con đi luôn. Thấy tội nghiệp nên chị cố gắng làm giấy khai sinh để các bé có quyền lợi trong xã hội, lớn lên bớt thiệt thòi hơn…
"Biết đâu sau này các bé tìm được thân của mình nhờ giấy khai sinh"
Từ khi Nghị định 158/2005/ND-CP có hiệu lực vào năm 2013 về quy định các phòng - khoa BV Từ Dũ (quận 1, TP. HCM) được làm giấy khai sinh cho các trẻ bị bỏ rơi tại đây, cũng là lúc chị Lê Kim Thủy (43 tuổi, Chuyên viên phòng Hành chính - Quản trị BV Từ Dũ) bắt đầu chức vụ thiên liên đó là làm "mẹ" để lo giấy tờ cho các bé.
Gặp chúng tôi, chị Lê Kim Thuỷ phấn khởi cho biết vừa hoàn thành việc làm giấy khai sinh cho 14 em bé bị bỏ rơi tại làng trẻ em Hoà Bình (thuộc BV Từ Dũ). Như vậy, từ năm 2013 đến nay, đã có khoảng 250 bé được chị Thuỷ làm giấy khai sinh.
Theo chị Thuỷ, tâm huyết của chị khi làm công việc này là muốn giúp các bé có được quyền lợi đầy đủ trước khi về Trung tâm bảo trợ xã hội.
Chị Thuỷ hy vọng giấy khai sinh sẽ giúp các bé có được quyền lợi đầy đủ, cuộc sống sau này được tốt hơn.
"Các bé rất tội nghiệp, tôi không hiểu vì sao con cái là khúc ruột của mình nhưng một số bà mẹ lại nhẫn tâm bỏ con đi sau khi sinh. Những đứa trẻ mới sinh ra đã chịu thiệt thòi khi không có bầu sữa mẹ bên cạnh nên tôi muốn thực hiện một điều gì đó để hỗ trợ khi chúng lớn lên. Việc làm giấy khai sinh là để các bé có quyền lợi trong xã hội, khi lớn lên bước vào đời bớt thiệt thòi với các bạn cùng trang lứa", chị Thuỷ chia sẻ.
Người "mẹ" của 250 đứa trẻ cho biết thêm, phần lớn sản phụ vào bệnh viện sinh xong, nhờ người ở giường bên cạnh trông hộ rồi lấy lý do ra ngoài, sau đó bỏ con đi luôn. Sau khi không thấy mẹ ruột trở về, các bé được chuyển về Khoa sơ sinh để làm hồ sơ tiếp nhận và nuôi dưỡng trong khoảng 1 tháng. Trong thời gian này, BV Từ Dũ cũng thông báo đến chính quyền địa phương theo như thông tin hồ sơ nhập viện của người mẹ.
Tiếp đến, nếu không xác định được người thân hoặc xác nhận được nhân thân của bé nhưng gia đình không muốn nhận con thì BV sẽ gửi hồ sơ lên công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) để thông báo.
Sau một tháng nếu gia đình không có ai đến nhận bé, phường sẽ xác nhận và trả hồ sơ lại cho BV Từ Dũ rồi bắt đầu làm giấy khai sinh cho bé.
Nơi chăm sóc các bé bị bỏ rơi ở bệnh viện Từ Dũ.
Chị Thuỷ cho biết, khi làm giấy khai sinh, các bé được chị đặt tên và lấy theo họ mẹ ruột. Tuy nhiên, điều chị trăn trở và ái ngại nhất là các bé bị bỏ rơi nên giấy khai sinh cũng khuyết thông tin cha mẹ. Theo đó, trong giấy khai sinh của bé chỉ có ghi họ tên của bé và người trực tiếp làm giấy khai sinh.
"Sau thời điểm chính quyền địa phương thông báo trả hồ sơ về BV, tôi sẽ làm công văn gửi lên Sở LĐ-TB và XH TP. HCM để xin ý kiến chỉ đạo. Khi Sở quết định cho BV gửi bé về Trung tâm bảo trợ xã hội để tiếp tục nuôi dưỡng. Trong thời gian này tôi là người trực tiếp lên phường để đăng ký khai sinh cho bé bị bỏ rơi", chị Thuỷ chia sẻ về quá trình làm giấy khai sinh cho các bé bị bỏ rơi.
Theo chị Thuỷ, hiện luật mới về hộ tịch áp dụng năm 2016, đi kèm với giấy khai sinh, các em sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân thay cho giấy chứng minh nhân dân. Chính vì vậy, nếu trong trường hợp các bé không có giấy khai sinh sẽ không được mua bảo hiểm và không được hợp thức hóa công dân Việt Nam. Không làm giấy khai sinh thì các bé cũng sau này lớn lên cũng sẽ không được đi học tử tế.
Các bé bị dị tật bẩm sinh bị bỏ rơi đang được chăm sóc tại làng trẻ em Hoà Bình.
Người "mẹ" của hang trăm đứa trẻ tâm sự với hy vọng: "Biết đâu sau này các bé sẽ tìm được người thân của mình nhờ giấy khai sinh. Chính vì vậy, khi em bé nào bị bỏ rơi ở bệnh viện tôi cũng luôn cố gắng để thực hiện quyền lợi cho các bé bằng được. Tôi hy vọng các em vào trung tâm bảo trợ xã hội cũng sẽ được quyền về bảo hiểm, đi học như bình thường như bao bạn bè khác sau khi được làm giấy khai sinh".
Lấy họ tên mình đặt cho bé bị bỏ rơi
Chia sẻ về những kỷ niệm trong gần 5 năm "chắp cánh" đầu đời cho những bé bị bỏ rơi, chị Thuỷ nghẹn ngào với những tâm sự mà có lẽ chị không bao giờ quên được. Vui buồn có đủ, khó khăn cũng không ít, thậm chí có những trường hợp hy hữu khiến chị "dở khóc dở cười".
Chị Thuỷ chia sẻ có trường hợp được xem là sự trùng hợp đáng yêu mà chị không bao giờ quên về chuyện đặt tên cho các bé bị bỏ rơi.
Nở nụ cười hiền, chị Thủy kể: "Năm 2014, có một bé gái "bụ bẫm" sau khi được sinh ra ở bệnh viện nhưng mẹ bỏ đi khiến ai cũng thương xót. Khi kiểm tra lại thời gian sinh bé này thì bác sĩ Khoa sơ sinh mới phát hiện bé sinh ngày 21/8/2014. Ngày sinh của bé này lại trùng hợp với ngày sinh của tôi và mẹ em bé cũng mang họ Lê, trùng với họ của tôi luôn. Chính vì sự trùng hợp giống như giữa chúng tôi có duyên với nhau vậy nên tên khai sinh của bé cũng được lấy từ tên của tôi là Lê Kim Thuỷ".
Những đứa trẻ đều được chị Thuỷ làm giấy khai sinh.
Quyết đinh lấy họ tên của người làm khai sinh đặt cho bé gái này cũng được Phòng hành chính – Quản trị của BV Từ Dữ thông qua. Hiện tại bé này đã được 3 tuổi và đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình. Chị Thuỷ hy vọng, bé gái cùng họ tên với chị sẽ thành công trên đường đời khi lớn lên và chị cũng mong hai người sẽ gặp lại nhau để kể cho bé nghe về chuyện họ tên giống nhau.
Một trường hợp khác mà chị Thuỷ rất nhờ đó là vào năm 2014 có trường hợp một người mẹ hơn 20 tuổi đã bỏ con đi biệt tăm sinh khi sinh. Thời gian sau, người mẹ này quay lại nhận con nhưng không có tiền trả viện phí vì hoàn cảnh rất khó khăn. Người mẹ này chia sẻ cũng do hoàn cảnh éo le quá nên trước đó mới bỏ con đi sau khi sinh ở bệnh viện.
"Sau đó người mẹ trẻ này xin trả góp viện phí vào hàng tháng. Thấy thế chúng tôi rất thương vì đây là lần đầu các chuyên viên bệnh viện gặp phải trường hợp này. Lúc này tôi đã làm đơn trình bày hoàn cảnh xin miễn tiền viện phí và được ban giám đốc bệnh viện chấp nhận nên mừng cho hai mẹ con họ", chị Thủy chia sẻ.
Các bé được chăm sóc tại bệnh viện 1 tháng trước khi đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, trong quá trình làm hồ sơ cho từng bé không hề đơn giản, mất nhiều thời gian mới có được giấy khai sinh trên tay.
Theo lời kể của chị, có trường hợp sau khi sinh, người mẹ bỏ đi biệt tích đến khi vừa đứa bé vào Trung tâm bảo trợ xã hội thì quay lại xin nhận con. Lúc này chị Thuỷ vừa vui mừng vì mẹ ruột của bé đã quay về nhận con, nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì mất nhiều thời gian trong việc rút hồ sơ để bàn giao cho gia đình.
"Năm đó (2015) có một người mẹ trẻ vào BV sinh con rồi bỏ đi, để lại bé trai rất kháu khỉnh. Sau đó tôi cũng đi làm giấy khai sinh đầy đủ cho bế này. Tuy nhiên khoảng 1 tháng sau thì người mẹ trẻ ấy đã quay lại nhận con khi vừa có quyết định đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội. Lúc này tôi phải quay lại từng cơ quan chức năng xin rút hồ sơ để ban giao bé lại cho người thân", chị Thuỷ nhớ lại.
Chị cũng tâm tư, mong rằng trong thời gian tới cha mẹ khi sinh con phải có trách nhiệm dù ở hoàn cảnh nào đi nữa.