Theo luật sư, người tung tin đồn bắt cóc trẻ em ảnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dư luận có thể bị xử lý hình sự
Gần đây dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em nhỏ vô cùng hoang mang, lo lắng khi trên mạng liên tục xuất hiện thông tin về các vụ bắt cóc trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhiều ý kiến cho rằng, những kẻ tung tin đồn dù chỉ vì mục đích câu like cũng phải bị xử lý nghiêm, đủ tính răn đe.
Trao đổi với phóng viên luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cũng nhận định: Thông tin sai sự thật có thể gây hoang mang dư luận và để lại tâm lý lo lắng cho các bậc phụ huynh trong trường hợp xuất hiện tin đồn bắt cóc trẻ em.
"Với sức lan tỏa nhanh chóng của mạng xã hội thì những tin đồn thất thiệt rất dễ gây ra những hệ lụy ghê gớm cho xã hội.
Người dân sau khi xem xong nội dung clip bắt cóc trẻ em hoặc các câu chuyện được xuyên tạc, vu khống như trên sẽ trở nên vô cùng lo lắng và luôn cảnh giác với người lạ, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của trẻ em, gây mất ổn định trật tự xã hội”, ông Cường nói.
Về việc xử lý đối tượng có hành vi tung thông tin sai sự thật, luật sư Đặng Văn cho biết, trong điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định về các hành vi bị cấm trong đó có hành vi:“ Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”.
"Hành vi đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật về các vụ việc bắt cóc trẻ em ở địa bàn Hà Nội lên các trang mạng xã hội của một số đối tượng trên là hành vi bị nghiêm cấm. Người nào thực hiện hành vi đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ, mục đích mà có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự", luật sư Cường áp khoản d, điều 5 của nghị định trên vào hành vi tung tin đồn bắt cóc.
Ngoài ra, theo luật sư Cường, trongđiều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 khi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
"Việc tung tin thất thiệt lên mạng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự.
Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này)", luật sư Cường phân tích.
Trước tình hình hiện nay, luật sư cũng khuyên người dân cũng cần cảnh giác với những tin đồn thiếu cơ sở. Mỗi người dân cần tích cực cộng tác, phối hợp với cơ quan chức năng, lên án những hành vi cố tình lan truyền thông tin thất thiệt gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và trật tự xã hội.
Xoay quanh vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn Phòng luật sư Giang Thanh nói: “Việc cung cấp thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin, khiến cho người tiếp nhận thông tin hoang mang, lo lắng dẫn đến trật tự xã hội không được đảm bảo.
Có thể thấy rằng tình trạng đưa tin thất thiệt lên Facebook, lên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Nhiều khi người đưa thông tin ban đầu không hình dung được những hậu quả pháp lý nặng nề mà họ phải gánh chịu nên cứ làm bừa chỉ với mục đích phù phiếm là câu like, câu view. Đến khi bị cơ quan chức năng truy tìm, xử lý thì lúc đó họ mới hối hận, nhưng đã quá muộn".
Thu Trang