Cô Đẩu là một hình tượng mang tính văn hóa độc đáo trên màn ảnh Việt nhiều năm trở lại đây.
Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao về việc Táo quân 2018 có nội dung chế giễu, nhạo báng giới tính thứ 3 LGBT. Trong đó, các ý kiến không đồng tình tập trung quanh hình tượng Bắc Đẩu (còn gọi là cô Đẩu) do diễn viên Công Lý thủ vai.
Đa số mọi người chỉ trích hình tượng Cô Đẩu được dựng lên để giễu nhại giới tính thứ ba. Nhưng ít ai biết rằng, đó là cả một nét văn hóa độc đáo, thú vị.
Tiền thân của Cô Đẩu – nét văn hóa đại chúng độc đáo
Trong văn hóa đại chúng Âu Mỹ, người ta vẫn dùng từ Drag Queen để chỉ những "nữ hoàng chuyển giới" – tức là người đàn ông giả gái, trang điểm cầu kì, ăn mặc diêm dúa, có tính phóng đại để giải trí cho người khác, với mục đích châm biếm, đả kích. Đây chính là tiền thân của nhân vật Cô Đẩu trong Táo quân.
Ngày nay, đa số Drag Queen là những người đồng tính nam hoặc chuyển giới nhưng chưa phẫu thuật. Tất nhiên, vẫn có nhiều đấng mày râu chấp nhận hóa trang vì công việc.
Tại Mỹ, Drag Queen phát triển mạnh mẽ từ thế kỉ 19, bắt đầu bởi loạt chương trình Black Face, sau đó lấn sân sang sân khấu ca nhạc, kịch nói, nhạc kịch và phim ảnh. Thậm chí, ở một số vở nhạc kịch, kịch nói và bộ phim, Drag Queen còn ở vị trí trung tâm, thủ vai chính.
Thời kì này, Drag Queen gắn liền với văn hóa dạ hội, khiêu vũ, kết nối âm nhạc và kịch. Nó vẫn được nam giới đảm nhiệm chứ không có sự phân biệt riêng về giới tính thứ ba.
Khi Drag Queen trở nên gắn bó mật thiết với giới LGBT hơn, nó nhận phải nhiều sự kì thị. Bởi vậy, giới Drag Queen đã thay đổi cách thức hoạt động, di chuyển vào các quán bar, hộp đêm. Cùng với các màn trình diễn giải trí, nó trở thành một phần văn hóa của LGBT.
Dần dần, Drag Queen đã đi vào văn hóa đại chúng một cách sâu sắc, gắn với cách hình tượng nghệ thuật, chủ nghĩa…
Trong âm nhạc nói riêng, Drag Queen gắn liền với hình ảnh của những nghệ sĩ lớn như Diana Ross, Madonna, Cher… Các nghệ sĩ này đều là những biểu tượng văn hóa của nhạc pop đại chúng, có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng.
Madonna và các Drag Queen
Rất nhiều nghệ sĩ Mỹ như Lady Gaga, Katy Perry, Rihanna… đều tìm tới Drag Queen như một cảm hứng sáng tạo nghệ thuật.
Thậm chí, với giới thời trang, Drag Queen vẫn là nguồn cảm hứng thiết kế lớn, ảnh hưởng tới nhiều nhà thiết kế như Gianni Versace, Jean Paul Gaultier…
Ngày nay, Drag Queen là một hình ảnh quen thuộc, gắn liền với văn hóa biểu diễn đường phố và bình dân. Nó đại diện cho tiếng nói và quyền lực mềm của giới LGBT trong quá trình đấu tranh xã hội.
Drag Queen tại Mỹ đã được đưa vào sách và được các trường đại học nghiên cứu cặn kẽ.
Hình tượng Cô Đẩu – Drag Queen kinh điển tại Việt Nam
Tại Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, Drag Queen còn khá mới mẻ, nếu không muốn nói là rất ít, do sự bó buộc tư tưởng, văn hóa.
Nhân vật Cô Đẩu trong Táo quân chính là hình tượng Drag Queen điển hình và phổ biến, có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam.
Hơn nữa, các vai giả gái trước đây đều mang tính "hề" là chủ yếu, gây cười nhưng ít giá trị phản ánh.
Chỉ tới khi Cô Đẩu (Công Lý) bước lên sân khấu Táo quân, khán giả mới được chứng kiến hình ảnh Drag Queen đích thực, với quyền lực thứ thiệt.
Chưa bao giờ một Drag Queen lại có quyền lực lớn như cô Đẩu. Trên thiên đình, cô chỉ dưới Ngọc Hoàng và ngang Nam Tào, còn lại trên tất cả các Táo. Bởi vậy, cô có quyền đứng ra phán xét cái xấu của xã hội, từ bộ máy chính quyền tới dân chúng, không chừa một ai.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp, cô còn thay Ngọc Hoàng phán xử tội trạng của Táo.
Dù quyền lực, vai trò ngang nhau, nhưng Cô Đẩu dường như nổi bật hơn hẳn Nam Tào vì cách thể hiện có phần kịch tính, phô diễn hơn. Cô nói ở tông giọng cao hơn và dùng ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn. Bởi vậy, khán giả có cảm giác Cô Đẩu có tiếng nói hơn Nam Tào.
Nhờ có Cô Đẩu, Táo quân trở nên hài hước, hấp dẫn hơn rất nhiều, nhưng vẫn đầy đủ tính chất tổng kết, giáo dục. Đó là hình tượng gai góc, độc đáo, đa màu sắc và cuốn hút nhất Táo quân.
Hình tượng này thực sự đã trở thành nét văn hóa đại chúng của người Việt, gắn với Tết, với không khí đoàn viên. Nó giống như, ngày Tết có bánh chưng, kẹo mứt, quất đào thì cũng có Táo quân và Cô Đẩu.
Có văn hóa ẩm thực, văn hóa du xuân thì cũng phải có văn hóa nghe nhìn ngày xuân, và Cô Đẩu chính là một phần trong đó.
Nhìn rộng hơn, Cô Đẩu thể hiện quyền lực và vai trò của giới LGBT trong sự phát triển văn hóa Việt, chứ không phải kì thị.
Đừng khắt khe với Cô Đẩu
Nếu theo dõi, khán giả sẽ thấy, trong những năm đầu tiên, Cô Đẩu chưa "lộ" hẳn. Mọi người vẫn gọi cô là Anh Đẩu. Nhưng càng về sau, cô càng "lộ" hơn, đanh đá, chanh chua, yểu điệu, ăn mặc cầu kì, diêm dúa và được gọi hẳn thành Cô Đẩu.
Quá trình chuyển mình này đánh dấu nhận thức của nhà sản xuất Táo quân về một hình tượng mới. Họ muốn nâng Cô Đẩu lên thành nhân vật điển hình, thu hút mọi ánh nhìn của khán giả.
Điều này cho thấy, nhà sản xuất Táo quân rất nghiêm túc với hình ảnh Cô Đẩu. Dù là giả gái với tính giễu nhại, nhưng họ vẫn phải làm sao để khán giả chấp nhận, chứ không tự theo ý mình. Chính vì thế, cứ mỗi năm Cô Đẩu lại một khác đi.
Ở điểm này, khán giả có thể thông cảm cho nhà sản xuất Táo quân. Không ai có thể chuẩn mực suốt một chương trình hài dài suốt vài tiếng đồng hồ.
Trong chừng mực nhất định, nó vẫn chỉ là những chi tiết thêm thắt để gây cười, chứ không mang chủ đích bôi xấu. Nếu người xem thưởng thức với trạng thái vô tư, thoải mái thì sẽ không thấy có vấn đề gì.
Nếu cái gì cũng chuẩn mực, nghiêm túc thì không còn là hài kịch. Đến đại văn hào Molie của Pháp cũng còn giễu nhại cơ thể nhân vật trong các vở hài kịch của mình, thì chúng ta cũng không nên quá khắt khe với Táo quân.