Nguồn gốc cũng như ý nghĩa của tục dựng cây nêu trong ngày Tết: Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt Nam thường dựng cây nêu và coi đây là một trong những biểu tượng thiêng liêng tránh xui xẻo và mang lại may mắn cho gia chủ.
Trong đời sống tâm linh của của người Việt, mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân thường dựng cây nêu và coi đây là một trong những biểu tượng thiêng liêng tránh xui xẻo và mang lại may mắn cho gia chủ.
Theo đó, cây nêu còn mang triết lý âm dương, bao hàm sự thống nhất cũng như tác động qua lại giữa âm và dương hay sự liên kết động và tĩnh.
Nguồn gốc của tục dựng cây nêu trong ngày Tết
Cây nêu trong ngày Tết dịp Tết Nguyên đán là một trong những nét văn hóa cổ truyền của người Việt. Ảnh: Internet |
Cây nêu hay còn có tên gọi khác là cây tre, cây trúc, bương, lồ ô có chiều dài vào khoảng 5 - 6 mét, chặt sạch lá chỉ để lại trên ngọn nhánh lá.
Trong phong tục dân gian của Việt Nam, cây nêu được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng Chạp - cũng là ngày Ông Công ông Táo.
Theo quan niệm trong đời sống tâm linh của người Việt, từ ngày này cho đến đêm giao thừa, Táo quân thường vắng mặt, ma quỷ thường nhân cơ hội này để lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà.
Trên ngọn cây có buộc nhiều thứ như túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo và những miếng kim loại lớn nhỏ... hoặc những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như chuông gió.
Khi có gió thổi, những vật dụng này chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng.
Theo tâm linh, người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu và những vật phát ra tiếng động để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng đây là nhà có chủ, không được phép quấy nhiễu.
Vào buổi tối, người ta thường treo thêm chiếc đèn lồng để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.
Ngày dựng cây nếu hay còn gọi là lên nêu, ngày 7/1, âm lịch cũng là ngày hạ nêu.
Theo người Mường, trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch, người Hmông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng âm lịch.
Ý nghĩa của cây nêu mang nét đẹp truyền thống
Cây nêu được dựng với ý nghĩa trừ tà ma quỳ, thờ phụng thần linh cũng như vong hồn của tổ tiên, trừ những điều xấu xa của năm cũ.
Theo thời gian, cùng với sự phong phú của các đồ lễ treo trên ngọn cây, cây nêu còn là cầu nối giữa vũ trụ với đất trời.
Ở các lễ hội, cây nêu cũng là tiêu điểm tập trung, cố kết tâm thức cộng đồng.
Khi cây nêu được dựng lên, tất cả các hoạt động khác đều dừng lại và tạo nên thế cân bằng tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới.
Vật liệu làm cây nêu
- Cây để dùng làm cây nêu thường là cây tre già, cao và to, thẳng, các lóng tre đều, trên ngọn tre để nguyên chùm lá tươi.- 3 dây giằng: được làm bằng dây thừng đủ độ bền để giữ cây nêu.
- Cọc: Cọc tre hoặc cọc sắt để buộc dây giằng chân cây nêu.
Cách trang trí cây nêu
Theo phong tục, dựng cây nêu cần có một số vật dụng như: - Cờ: Cờ hội vuông cỡ lớn treo bên dưới chùm lá tre.
- Lồng đèn: Trang trí trên đỉnh cây nêu để tạo màu sắc
- Lá phướn: Ngày xưa làm bằng giấy, ngày nay được làm bằng vải màu đỏ, bên trên viết các câu chữ mang ý nghĩa chúc mừng năm mới, được treo cùng vị trí với cờ hội buông xuống bên dưới.
- Dụng cụ tạo âm thanh: ngày xưa treo chuông đất, khánh sành. Nay có thể thay thế bằng chuông gió.
- Vật dụng mang ý nghĩa tín ngưỡng: Một nhành lá đa, lá dứa hay nhánh xương rồng, hoặc một giỏ nhỏ bằng tre đan, bên trong bỏ các loại vàng mã, gạo muối, trầu cau...
- Trang trí xung quanh gốc nêu
+ Bột vôi màu trắng rắc dưới đất tạo thành vòng tròn hoặc hình cánh cung quanh gốc, mũi tên hướng ra phía cổng.
+ Câu đối xuân, hình ảnh bánh trái ngày tết.
+ Ngoài ra, nếu có không gian, có thể kết hợp trang trí liễn đối, hoa - cây cảnh, cờ phướn để tạo cảnh quan cho khu vực.
Minh Di (tổng hợp)