Tôi gặp em trong lần chuyển viện từ tuyến huyện lên tỉnh. Cô bé chừng 15 tuổi có mái tóc đen dài và trên tay là một cuốn sách giáo khoa. Hỏi thăm hồ sơ bệnh thì bác sĩ tuyến huyện cũng lắc đầu.
Từ trước đến nay có thể nói đây là trường hợp đầu tiên mọi người chứng kiến cảnh một cô bé nhỏ nhắn, xinh gái nhưng lúc cười nói hoạt bát,lúc lại ủ rũ đọc sách và khóc một mình. Vào khoảng thời gian cách đây 5-6 năm về trước, bệnh viện tuyến huyện không có điều kiện phát hiện về chứng trầm cảm, thần kinh. Mọi cố gắng của bác sĩ dành cho em cũng chỉ là dịch truyền, thuốc ngủ tạm thời cho đến khi em được tôi tiếp nhận.
Khi em được chuyển vào bệnh viện chúng tôi, trên tay là một cuốn sách giáo khoa nhàu nát thì nhiều câu nghi vấn đã được đặt ra và giải đáp:“Có lẽ cháu nó học nhiều quá nên thế này”.
Tất cả bệnh nhân đến với bệnh viện này gần như họ gặp một cú sốc về tâm lý rất nặng, tình trạng khi vui khi buồn, lúc mê lúc tỉnh là khó tránh khỏi. Đã quen với những tình huống như vậy, tôi không lấy làm lạ cho lắm về trường hợp của em. Qua hai ngày điều trị thuốc an thần, tình trạng của em cũng không khả quan là mấy. Cuối cùng, tôi chẩn đoán em mắc chứng trầm cảm.
Theo tìm hiểu và tôi được biết, em là một học trò ngoan và học giỏi trong lớp. Biểu hiện em ôm khư khư cuốn sách cho tôi biết chắc điều đó.
Nhiều ngày sau khi điều trị theo phác đồ bệnh trầm cảm, phần tỉnh táo trong em nhiều hơn phần mê man, cuồng dại. Em hay trò chuyện với tôi về những ngày đi học vui tươi. Tôi đặt vấn đề với phụ huynh của em về việc cho em thôi học và nhập viện, như vậy sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho em.
Một lần nữa em đau
Bên cạnh giường bệnh là ba mẹ em và tôi, cùng trao đổi với em về tình trạng bệnh của em. Những cú sốc tinh thần của em gần như đẩy đến đỉnh điểm khi ba mẹ và em nói chuyện với nhau vài vấn đề ngay tại đó. Lúc này sự thậtvề nguyên nhân căn bệnh của em mới được sáng tỏ.
Em đau đớn vì ba mẹ em sắp ra tòa ly dị sau nhiều năm ly thân, với một cô bé 15 tuổi thì đó có thể là một mất mát lớn. Ở chứng bệnh trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực là cách hủy hoại con người và bệnh tật sẽ càng tấn công mạnh mẽ hơn nữa qua những cú sốc tinh thần.
Câu chuyện gia đình đầy thương cảm của em đã kéo dài suốt nhiều năm, quyết định không chung sống với nhau của ba mẹ em như một sự giải thoát đối với hai người nhưng đối với em đó là một vết thương, vết thương lớn trong tâm thức của em.
Ảnh minh họa
Cô bé thút thít với tôi: “Em không muốn ba mẹ chia tay nhau. Em muốn đi học, em muốn có một gia đình như bao gia đình khác, ba mẹ em mỗi người một nơi em sẽ thế nào đây…”. Những lời nói của em cứa vào tim tôi đau xót. Thương và nhớ nhất đối với tôi là hình ảnh em còn quá trẻ phải đối diện với những trúc trắc của người lớn, mà nặng nề nhất là căn bệnh em đang mang.
Sáu tháng đầu em nằm viện là 6 tháng trời ba mẹ thay nhau chăm sóc em, việc ra tòa tạm thời hoãn lại nhưng chuyện đã rồi thì làm sao có thể thay đổi được nói chi đây là chuyện tình cảm. Cuối cùng thì họ cũng chọn giải pháp dứt khoát, mỗi người đi mỗi hướng.
Đã nhiều lần em vào nhập viện, tìm đến cái chết chỉ vì những phút không tỉnh táo. Một lần xuất viện, em chào tôi, nụ cười em tươi như hoa hướng dương, thế mà hai tuần sau tôi gặp em trong tình trạng hết sức nguy kịch với một cánh tay băng chặt. Hỏi ra thì chỉ vì nghĩ quẩn và dại dột trước bế tắc của ba mẹ, em tự tử cắt động mạch tay.
Tình thương, thời gian liều thuốc vô hình
Phác đồ điều trị của em do tôi quản lý, thắm thoát đã 5 năm nay, em được dùng thuốc để điều trị trầm cảm. Quá trình điều trị là một khoảng thời gian cay nghiệt, nó có thể giết chết con người một lần nữa nếu không kiên nhẫn, không được hỗ trợ tinh thần tốt, đặc biệt đối với căn bệnh trầm cảm.
Cha mẹ em, sau khi ly dị, họ đã lập gia đình mới, để em một mình trong căn nhà trống trải với người giúp việc. Họ thường xuyên đến thăm em, chu cấp rất đầy đủ tiền bạc rồi lại vội vã ra đi.
Họ cuối cùng dường như quá mệt mỏi và sợ hãi với căn bệnh của em. Họ không thể đối mặt và mang em vào cuộc đời mới của họ. Và họ để em lại…
Em cứ vật vã ra vào bệnh viện và vật vã cùng bác sĩ tìm lối thoát cho mình. Tôi, ngoài việc là bác sĩ của em, còn được em xem như một người bạn tinh thần. Mỗi niềm vui, nỗi buồn của em, tôi là người được biết đầu tiên.
Em và những bệnh nhân khác của tôi, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi đau riêng nhưng tôi biết nỗi đau chung chính là những tình cảm của em, của bệnh nhân khác bị tổn thương bởi những người họ yêu thương nhất.
Trải qua nhiều cuộc đấu tranh tinh thần, đấu tranh với bệnh tật, hiện tại em đã là một thiếu nữ xinh xắn, hòa nhập cuộc sống với công việc hàng ngày là làm những chiếc hoa giấy. Một công việc nhẹ nhàng, thư giãn và tinh thần thoải mái đã cho em một cuộc đời mới. Tôi chúc em sớm vượt qua mặc cảm tinh thần do bố mẹ vô tình gây nên và sớm có một gia đình êm ấm cho bản thân.
Theo lời kể của BS. Trần Quỳnh Thy – BV Tâm thần Trung ương 2
Theo Một thế giới