(Tinmoi.vn) Sỏi thận là một bệnh khá phổ biến, ở tuổi trưởng thành, có 10% nam giới và 3% nữ giới mắc phải bệnh sỏi thận. Vậy, ăn uống thế nào để tránh mắc bệnh sỏi thận?
“Đối thủ cạnh tranh” của các sỏi calcium là citrate. Citrate có rất nhiều trong các loại trái cây citrus (như chanh, cam, quýt, bưởi...). Uống cốt chanh pha với nước sẽ rất hiệu quả cho những bệnh nhân sỏi thận. Nếu citrate được kết hợp với potassium (kali) và magnesium sẽ là một bộ ba tuyệt vời vì làm nước tiểu giảm tính axít, nhờ đó làm giảm khả năng “tụ tập” của sỏi.
Một khẩu phần ăn ít oxalate, ít sodium (natri) rất quan trọng cho những bệnh nhân bị dính sỏi thận. Đồ ăn, thức uống nhiều oxalate bao gồm bia, sô-cô-la, các loại hạt, rau bó xôi. Sự chuyển hóa vitamin C cũng tạo nên oxalate và nhiều nghiên cứu cũng cho thấy có sự liên hệ giữa vitamin C và sự hình thành sỏi thận. Vì vậy, nhiều nghiên cứu đã đề nghị rằng cá nhân nào sử dụng viên bổ sung vitamin C cần phải bổ sung vitamin B6 vì vitamin B6 có khả năng “vịn” oxalate.
Sỏi uric acid được hình thành do dùng thực phẩm có chứa nhiều protein và đường fructose. Uric acid là sản phẩm phụ của sự chuyển hóa protein, alcohol và fructose. Một số lớn bệnh nhân không đào thải được uric acid nên sẽ tạo ra những tinh thể uric acid gây bệnh gout (bệnh gút) cũng như hình thành những tinh thể acid uric ở thận gây sỏi thận. Vì vậy cần hạn chế rượu bia, những loại thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, nội tạng động vật (tim, gan, thận, óc...), những loại trái cây và rau cải có chứa fructose.
Bạn cũng có thể tự pha chế một loại nước giải khát ngăn ngừa hoặc hạn chế sỏi thận theo cách thức vô cùng đơn giản như sau: Nguyên liệu gồm 1 tách nước cốt chanh (khoảng 6 trái), 5 tách nước, 1 muỗng cà phê bột nghệ, 1 muỗng cà phê bột vỏ quế, 1 muỗng cà phê gừng xắt sợi hoặc đâm nhuyễn.
Dùng nước này chia ra uống trong ngày sẽ có tác dụng cải thiện tình trạng sỏi thận hoặc ngăn ngừa sỏi thận.
Uống nhiều nước: đây là cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả, an toàn và rẻ tiền nhất. Mùa hè khí hậu nóng, người dễ đổ mồ hôi, nước tiểu cô đặc lại, dễ tạo sỏi nên cần uống nhiều nước để nước tiểu loãng ra. Mỗi ngày nên uống khoảng từ 2,5 – 3 lít nước lọc hoặc ăn uống làm sao để có lượng nước tiểu đạt được trên 2,5 lít trong một ngày.
Hạn chế thực phẩm có nhiều chất oxalat: như bia đen, trà đen, sôcôla, đậu nành, đậu phộng, củ cải, cà rốt, táo, mận, dừa, dứa, đào, hành tây...
Ăn lạt, ăn ít thịt động vật: không nên ăn mặn, ăn nhiều thịt. Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất calcium và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra chúng còn làm giảm bài tiết chất citrat, là chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi.
Uống nhiều nước cam, chanh tươi: hai loại thức uống này có chứa nhiều citrat, là chất giúp chống lại sự tạo thành sỏi trong cơ thể.
Ăn nhiều rau tươi: chất xơ của rau sẽ giúp tiêu hoá nhanh, tránh ứ đọng trong ruột, giảm thiểu sự tái hấp thụ chất oxalat từ ruột để tạo nên sỏi niệu. Ngoài ra, chất kiềm cung cấp bởi rau tươi sẽ gia tăng sự bài tiết chất citrat chống lại sỏi thận.
Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purine: vì dễ gây ra sỏi niệu như cá khô, thịt khô, mắm, lòng bò, lòng heo...
Ăn nhiều thực phẩm có chứa chất calcium: sữa tươi chứa nhiều calcium. Mỗi ngày có thể dùng khoảng ba ly sữa tươi hoặc một số lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như bơ, phômai... Không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa calcium vì như thế sẽ gây ra mất cân bằng trong hấp thụ calcium, khiến cơ thể tái hấp thụ nhiều hơn chất oxalat từ ruột và tạo ra sỏi thận. Người ta tin rằng lượng calcium ăn vào khoảng 800 – 1.300mg mỗi ngày sẽ giúp làm giảm bài tiết chất oxalat trong nước tiểu. Tuy nhiên cần nhớ, chỉ có chất calcium chứa trong thực phẩm mới có giá trị, thuốc men có chứa calcium không giúp ích gì trong việc tránh sự tạo thành sỏi thận.
Xem thêm video trên Tin Mới Tinh tinh tấn công khách du lịch
Thoa Nguyễn (TH)