Vượt qua hoàn cảnh khó khăn và những thiếu thốn về cơ sở vật chất những học sinh này đã nỗ lực không ngừng và dành thành tích ấn tượng khi đỗ thủ khoa của các trường đại học.
Nữ sinh nghèo người dân tộc Chu Ru đậu thủ khoa
Đó là em Ma Hiêng, nữ sinh người dân tộc Chu Ru, nhà ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Ma Hiêng vừa đậu thủ khoa khối C Trường ĐH Đà Lạt với tổng 23 điểm, trong đó, Ngữ văn đạt 7,25 điểm, Lịch sử 7,0 điểm và Địa lý 8,75 điểm.
Em Ma Hiêng, nữ sinh người dân tộc Chu Ru đỗ thủ khoa khối C Trường ĐH Đà Lạt. Ảnh: Dân trí |
Được biết, dù điều kiện kinh tế gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ hiếu học và có thành tích học tập rất giỏi nên Ma Hiêng được mẹ và các anh chị động viên học tiếp để mai sau còn làm cán bộ, có cái nghề. Không có tiền để dự thi nhiều trường, Ma Hiêng chỉ đăng ký dự thi duy nhất vào Trường ĐH Đà Lạt.
Với tổng điểm 3 môn khối C là 23 điểm, Ma Hiêng chỉ thấp hơn thủ khoa khối A năm nay của Trường ĐH Đà Lạt nửa điểm. Kết quả 3 môn thi của Ma Hiêng đã làm cho bà con nhân dân cả xã Tà Năng của em sung sướng, vinh dự và rất đỗi tự hào.
Ban giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Lâm Đồng nơi Ma Hiêng học 3 năm THPT cũng rất tự hào về cô học trò nhỏ này. Được biết, Ma Hiêng học giỏi các môn khoa học xã hội, nhất là môn Văn và Lịch sử. Liên tục trong những năm học tại trường, Ma Hiêng trở thành điểm sáng tiêu biểu về tinh thần hiếu học và vượt khó vươn lên để trở thành HS giỏi toàn trường, đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia và tham gia tích cực công tác Đoàn thanh niên trong nhà trường.
Chàng trai dân tộc thiểu số thủ khoa HV Hàng không
Hoàng Hiệp, chàng trai dân tộc Tày là một trong 7 thủ khoa xuất thân từ trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk. Hiệp cũng đỗ vào khối A1 của ĐH Ngoại thương TP.HCM với 25,5 điểm.
Em Hoàng HIệp và cô giáo chủ nhiệm lớp 12. Ảnh: Zing.vn |
Có gốc là học sinh dân tộc Tày, thi đỗ vào trường chuyên tại thành phố Đắk Lắk, Hiệp luôn thấy tự hào về gốc gác của mình. Là chàng trai dân tộc thiểu số, Hiệp nhắn nhủ: “Dù là dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số thì cũng nên luôn tự hào về gốc gác của mình, giữ gìn được bản sắc văn hoá và tiếng nói quý báu của dân tộc”.
Nhà cách trường 12 km, Hiệp đi học bằng bằng xe buýt, không ngại mưa nắng. Buổi sáng, Hiệp phải dậy sớm trước 5 giờ để đứng ngoài đường đón xe.
Vượt qua những khó khăn, Hiệp có thành tích học tập rất đáng nể, ngay từ lớp 5 em đã giành giải nhất học sinh giỏi môn Toán của huyện Krong Ana. Mặc dù học lớp chuyên toán, nhưng Hiệp học rất giỏi tiếng Anh. Hai năm học liên tục ở lớp 11 và 12, em đều đạt giải Nhì học sinh giỏi tiếng Anh của tỉnh, đạt giải Nhất Học sinh giỏi tiếng Anh trên Internet.
Chàng trai niềm núi đỗ đầu Học viện Quân y
Lã Duy Khánh quê Yên Thế (Bắc Giang) đỗ đầu chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Học viện Quân y với 28,25 điểm, nếu cộng điểm ưu tiên là 31,75. Khánh chọn quân y vì muốn trở thành bác sĩ, một phần vì gia đình nghèo. Ngày còn phổ thông, em thường đạp chiếc xe cọc cạch gần chục km đến trường. "Bố mẹ vay nợ cho mấy chị em đi học, thầy cô, bạn bè giúp đỡ em suốt mấy năm. Cuộc sống nơi huyện miền núi chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng không phải dễ dàng gì", chàng trai dân tộc Nùng tâm sự
Cái khó, cái nghèo thôi thúc Khánh vươn lên. Liên tục 12 năm, em là học sinh giỏi, đi thi tỉnh giành giải nhất môn Toán, giải nhì môn Vật lý. Giờ Khánh làm quen với kỷ luật trong quân ngũ bằng 6 tháng rèn luyện trên trường Sĩ quan Lục quân 1. Ngoài chế độ rèn luyện nghiêm khắc với những giờ hành quân dã ngoại, học viên còn không được dùng điện thoại. "Nhiều khi em rất nhớ nhà. Với em, bố luôn là người có ảnh hưởng nhất. Bố chỉ là nông dân nghèo nhưng sống thuần hậu, luôn dạy con phải biết vươn lên. Gia đình là động lực cho em phấn đấu", Khánh cho hay.
Lê Vy (tổng hợp)