Thay vì hoa hồng và những buổi hẹn hò như nhiều phụ nữ khác, họ đẩy những xe hàng rong đi bán hàng từ chiều tối và về nhà khi đã 1-2 giờ sáng.
Gần 1giờ sáng ngày 8/3, đường phố vắng tanh, cơn mưa phùn bao phủ lên màn đêm một màn sương mờ ảo, lạnh buốt. Hà Nội giờ này trái ngược hẳn với hình ảnh của ngày thường: đông đúc, ồn ào, phồn hoa, náo nhiệt…
Đường vắng bóng người, thi thoảng chỉ có một vài chiếc xe máy chạy vút nhanh trên đường. Ngoài ánh sáng từ đèn đường thì ánh sáng duy nhất còn thấy vào lúc này là từ những chiếc xe bán hàng rong đậu ven đường.
Từ lâu chị Mai đã không còn biết đến hoa trong ngày 8-3.
Chị Mai (30 tuổi, quê Tế Tiêu, Mỹ Đức - Hà Nội) làm nghề bán rong cười khẩy khi được hỏi: “Mùng 8/3 sao chị không nghỉ ở nhà mà đi bán hàng đêm vất vả như vậy?”
Bàn tay thoăn thoát vừa rán xúc xích vừa nướng chiếc bánh mỳ cho khách chị trả lời: “Lâu rồi chị chẳng biết đến ngày 8-3, chứ đừng nói là được tặng quà”.
Ngày nào cũng vậy chị bán hàng từ 4h chiều cho đến 1-2 h sáng.
Chị Mai chia sẻ, anh chị lấy nhau từ năm 2007. Sau khi lập gia đình, ngoài mấy chục mét vuông đất bố mẹ chia cho để dựng nhà thì 2 vợ chồng không có ruộng vườn gì cả. Mưu sinh qua ngày bằng nghề làm thuê làm mướn. Sau khi cưới 1 năm, anh chị có đứa con đầu lòng, 3 năm sau cháu bé thứ hai ra đời. Cuộc sống ngày một khó khăn vì nhân khẩu gia đình tăng lên. Rồi các con lớn, đến tuổi đi học thì lại thêm bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Ở quê, chẳng có việc gì để kiếm đủ thu nhập để trang trải cho cả gia đình. 2 vợ chồng ngậm ngùi gửi 2 đứa nhỏ cho ông bà nội, lên Hà Nội hành nghề bán thức ăn nhanh đã 2 năm nay.
Tuy nhiên, cuộc sống mưu sinh nơi thủ đô cũng không hề suôn sẻ như anh chị tưởng tượng. Những ngày đầu, đi bán ban ngày do còn nhiều bỡ ngỡ, bị công an phường tịch thu xe đẩy khiến anh chị sợ. Vì với 2 người, chiếc xe là cả tài sản quý giá.
“Dẫu biết là việc bán hàng rong bị cấm, thế nhưng nếu không đi bán thì chẳng biết làm gì khác để có thu nhập lo cho con đi học”, chị Mai ngậm ngùi.
Để tránh công an, anh chị chuyển sang bán hàng ban đêm. Hằng ngày, cứ 4 giờ chiều, 2 vợ chồng sắp bánh mỳ, trứng, xúc xích… vào chiếc tủ kính được lau dọn sạch sẽ từ sáng. Mỗi người một đường, vợ chồng lại tạm biệt nhau để đi kiếm miếng cơm.
Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, công việc anh chị đều bắt đầu từ 4h chiều và kết thúc vào 1-2 giờ sáng.
Theo chị Mai, việc bán đêm tuy hàng bán không được nhiều như ban ngày, nhưng bù lại, đỡ được việc bị công an thu phương tiện. Tuy nhiên, không phải là không có, thi thoảng mải bán hàng chị cũng bị tịch thu và phải nộp phạt vì đỗ xe không đúng nơi quy định.
Nói về ngày 8-3, chị Mai cười: “Ngày xưa còn yêu anh cũng hay tặng quà chị, nhưng từ nhiều năm nay, chị chẳng còn biết đến ngày 8-3 là ngày gì rồi.”
“Bán xong thì chị tự đẩy xe về, anh bán cả đêm cũng mệt, ai xong việc thì tự về phòng, tắm rửa còn nghỉ ngơi lấy sức để đêm mai lại đi bán. Thời gian đâu mà hẹn hò như mọi người. Ngày này (8-3) chỉ mong bán hết hàng là vui lắm rồi”, Chị Mai nói.
Trong tiếng thở dài, chị Mai giãi bày: “Mỗi ngày, thu nhập của chị trung bình từ 100-150 nghìn đồng khi đã trừ mọi chi phí. Nếu không ốm đau, đi bán được cả 30 ngày trong tháng, 2 vợ chồng ‘ki cóp’ thì cũng đủ cho 2 đứa nhỏ ăn học. Dù không nhiều, nhưng ít ra còn hơn làm ruộng ở quê.”
Gần 10 năm lặn lội mưu sinh ở Hà Nội, bà già bán ngô đã quên mất ngày 8-3 là ngày của mình.
Cũng giống như chị Mai, bà già bán ngô (bà cười và nói tên như vậy với PV) làm nghề bán đồ ăn đêm đã gần 10 năm nay dọc trục đường Cầu Giấy – Xuân Thủy. Bà dứt khoát không tiết lộ tên vì sợ xấu hổ, vì cho rằng cái nghề mình “tủi phận”. Hơn 1giờ đêm, chỉ còn bà trên con đường vắng, trong nồi còn 2 bắp ngô và vài cái bánh mỳ chưa bán hết. Bà nói: “Với bà 8-3 từ lâu đã chẳng còn ý nghĩa. Ấm cái bụng thì mới nghĩ đến quà 8-3 hay ở nhà nghỉ ngơi. Nghề bà chẳng cho bản thân nghỉ được ngày nào. Trừ khi đôi chân không thể đẩy được chiếc xe này đi nữa.”
Chiếc xe đạp cà tàng dựng vệ đường, cái nón rách vành, 1 áo mưa mỏng tang (loại mặc 1 lần) cùng với 1 que sắt. Cô Lý hì hụi khều khều những túi rác trên đường Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tôi xin cô chụp một tấm hình nhưng cô không đồng ý. Trong ánh đèn vàng của những ngọn cao áp hắt xuống, tôi vẫn cảm nhận được một gương mặt xương xương, khắc khổ sau lớp khẩu trang. Đôi mắt đượm buồn của cô Lý đã toát lên điều đó. Nói về ngày 8-3, cô nói giọng chua cay “ăn còn chẳng đủ thì hoa hồng cái gì hả cháu.”
Tại một ngã 3 trên đường Xuân Thủy, chị Lan (35 tuổi, quê Hà Tây cũ) vội vã bán cho vị khách chiếc bánh mỳ ba tê để dọn hàng ra về. Chị chia sẻ, nhà chị có 5 người con, trong khi cả gia đình có vẻn vẹn 2 xào ruộng. Làm nông không đủ ăn nên chị lên Hà Nội bán hàng rong để mưu sinh.
Ngày 8-3, chị Lan chỉ có mong ước, cơ quan chức năng kẻ một cái ô cố định trên vỉa hè cho những người như chị có thể bán hàng mà không lo bị phạt.
“Nếu có một công việc ổn định chắc chắn chị chẳng bao giờ đi bán hàng rong thế này. Em xem có vất vả không. Lẽ ra ngày này được chồng tặng bó hoa và giờ này được ở nhà ôm chồng ôm con ngủ thì mình phải đứng đây kiếm từng đồng sống qua ngày. Bán hàng thế này cũng đâu sung sướng gì, suốt ngày lo công an bắt, lo bị phạt. Nhưng không bán thì biết làm gì, lấy gì đút vào mồm, lấy gì nuôi con ăn học. Bám vào 2 xào ruộng thì gia đình chết đói”, chị Lan nói.
Ước mơ của những người phụ nữ bán hàng rong trong ngày 8-3 hết sức giản dị, họ chỉ mong cơ quan chức năng cho họ một khu vực, vị trí cố định nào đó để họ có thể bán hàng mà không lo bị phạt.
Càng về đêm, mưa càng nặng hạt, chị Lan cũng thu dọn đồ đạc vào thùng chiếc xe đẩy để đi về.
Chiếc xe lăn đi theo từng bước chân nặng nề của chị. Những bước chân ấy như mang bao nỗi niềm, bị đè nặng bởi “cơm – áo - gạo – tiền”.
3 giờ sáng, đường vắng tanh, mình chị với chiếc xe lặng lẽ khuất dần xa phía góc đường.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu*
Dưới đây là những hình ảnh PV ghi lại:
Sau 12 giờ đêm, đường phố vắng tanh.
Nhiều năm nay, chị Mai không còn biết đến quà 8-3.
Đức Thuận