Trải nghiệm cuộc sống trong vũ trụ hẳn là một điều thú vị. Tuy nhiên sống lâu trong môi trường không trọng lực sẽ dẫn đến những thay đổi ở cơ thể con người như xương sống sẽ dài ra, chân nhỏ lại và gương mặt sẽ tròn trịa hơn nhiều so với khi ở mặt đất.
Cột sống sẽ bị kéo dài ra.
Chiều cao của các phi hành gia có thể tăng tới 3% khi ở trên vũ trụ. Điều này được giải thích rằng là ở trong môi trường trọng lực rất yếu các địa đệm giữa các đốt sống sẽ ở trạng thái nghỉ và giãn ra. Chiều cao sẽ trở lại như bình thường khi họ trở về trái đất sau vài tháng.
Cơ bắp sẽ bị nhão.
Trong môi trường không trọng lực, phi hành gia sẽ không cần cơ bắp hỗ trợ hoạt động. Do đó, cơ bắp của họ gần như ngay lập tức bị co lại và loại bỏ các phần mô thừa không cần đến. Để khắc phục điều này, các chuyên gia trên ISS buộc phải tập thể dục hai giờ mỗi ngày bằng máy tập đặc biệt để có thể duy trì khối lượng cơ bắp.
Phù mặt
Cơ thể con người chiếm phần lớn là chất lỏng. Dưới tác động của trọng lực khi ở trên mặt đất, hầu hết các chất lfỏng này được kéo xuống phía hai chân. Ở môi trường không trọng lực, chất lỏng di chuyển tự do khắp cơ thể, khiến khuôn mặt phi hành gia trông đầy đặn hơn, trong khi hai chân thì nhỏ hơn hẳn bình thường. Hiện tượng này sẽ biến mất sau vài tuần.
Loãng xương
Phi hành gia có thể bị loãng xương với tốc độ 1% mỗi tháng, khiến xương giòn và dễ gãy khi trở về Trái Đất. Để khắc phục, họ bắt buộc phải tập thể dục và có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Các phi hành gia phải có chế độ tập luyện và dinh dưỡng phù hợp - Ảnh: Internet.
Vấn đề thị lực
Năm 2013, 27 phi hành gia từng làm việc 108 ngày trên ISS được kiểm tra mắt. Kết quả mà NASA công bố sau đó cho thấy rất nhiều người có những thay đổi bất thường. 9 người bị sưng các dây thần kinh thị giác, 6 người có phần nhãn cầu phía sau bị dẹt phẳng. Tuy nhiên, không ai trong số họ gặp vấn đề nghiêm trọng.
Suy giảm hệ miễn dịch
Theo kết quả của một nghiên cứu công bố năm ngoái, sống trong không gian có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch "Các yếu tố như bức xạ, vi khuẩn, stress, tình trạng không trọng lực, khó ngủ và bị cô lập đều ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch", tình trạng này kéo dài, nó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, mẫn cảm hoặc các vấn đề về tự miễn với các phi hành gia.
Khó ngủ
Các phi hành gia phải treo mình lên túi ngủ mỗi đêm và tình trạng không trọng lực khiến họ rất khó làm quen với tư thế ngủ mới.
Thời gian ngủ hàng ngày của phi hành gia trung bình là 6 giờ/ ngày, dù theo lịch trình thì họ cần phải được ngủ 8,5 giờ.
Các phi hành gia ngủ trong các túi ngủ treo lơ lửng - Ảnh: Internet.
Mất khả năng định vị phương hướng
Nhà du hành có thể mất khả năng định vị trên dưới khi ở ngoài không gian, do hệ thống tiền đình không thể xác định đâu là trần và đâu là sàn nhà trong môi trường không trọng lực. Cơ thể sau đó sẽ dần điều chỉnh về bình thường.
Suy giảm chức năng các giác quan
Áp suất thay đổi trong không gian khiến chất lỏng cơ thể di chuyển tự do, làm phù mặt đồng thời gây nghẹt mũi. Ở ISS, họ chỉ có thể khắc phục phần nào bằng cách cho thật nhiều hương liệu và gia vị vào món ăn.
Thử thách tâm lý
Tất cả phi hành gia đều phải kiểm tra tâm lý trước khi được đào tạo về chuyên môn. Mặc dù vậy, cảm giác bị cô lập và giam cầm là một thách thức lớn. Cùng với chứng mất ngủ, tình trạng không trọng lực và suy giảm các giác quan, bạn có thể hình dung những tổn thương về tâm lý của một chuyến công tác không gian dài ngày. Rất nhiều phi hành gia mô tả đó là công việc khó khăn nhất mà họ từng làm.
Chế độ dinh dưỡng
Vì không được tiếp xúc với ánh nắng Mặt Trời, nhà du hành rất dễ bị thiếu vitamin D và chất chống oxy hóa (do mức độ oxi hóa ngoài không gian cao hơn nhiều lần). Chuyển hóa sắt bị ảnh hưởng, nồng độ sắt trong máu ở mức cao do lượng hồng cầu giảm. Thông thường, nồng độ sắt trở lại bình thường sau một vài tháng quay về Trái Đất.
Phơi nhiễm bức xạ vũ trụ
Khí quyển Trái Đất che chắn khoảng 99% các bức xạ vũ trụ có hại, nhưng phi hành gia không nhận được sự bảo vệ này. Bức xạ vũ trụ có thể phá hỏng DNA, gây ung thư, đục thủy tinh thể và một số bệnh khác. Nguy cơ do bức xạ tăng khoảng 30 lần. Họ thường phải đeo một thiết bị theo dõi lượng bức xạ để biết khi nào không thể tiếp tục làm việc ngoài không gian được nữa.
Nha Trang ( Tổng hợp)