Thủ khoa có bố sống ở ống cống kiếm tiền nuôi con giờ đã là sinh viên với thành tích học tập xuất sắc, chàng trai không thi nhưng đỗ thẳng vào Học viện quân Y giờ đã trưởng thành hơn trong môi trường quân ngũ và luôn đứng vị trí cao nhất lớp về thành tích học tập, còn chàng thủ khoa ĐH Ngoại thương đạt 30/30 điểm đã trở thành nhân viên cho một công ty lớn nước ngoài.
Thủ khoa ĐH Y có bố sống ở ống cống kiếm tiền nuôi con
Thủ khoa có bố sống ở ống cống kiếm tiền nuôi con là câu chuyện nổi bật nhất trong mùa thi ĐH 2013.
Thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến và cha Nguyễn Hữu Định những ngày đầu nhập học |
Nguyễn Hữu Tiến, nhân vật của câu chuyện cách đây 2 năm đã kết thúc năm học đầu tiên tại ĐH Y Hà Nội với điểm tổng kết trên 8,0 điểm.
Một ngày học bận rộn nhất của Tiến bắt đầu từ 6h sáng đến 22h đêm, bao gồm việc học trên lớp và ôn tập tại thư viện.
Cùng bước chân vào giảng đường ĐH năm 2013 là người em song sinh Nguyễn Hữu Tiền. Tiền hiện đang theo học tại ĐH Bách khoa Hà Nội và Aptech.
Mỗi sáng, hai anh em ăn lưng bát cơm nguội cùng muối vừng trước khi đến trường. Bữa trưa tại trường của hai anh em là suất cơm trị giá 15.000 đồng, sau đó nhịn đến 21-22h về nhà ăn cùng bố mẹ.
Đến nay, không ngày nào Tiến bỏ lỡ cơ hội học tối trên thư viện. Còn Tiền thường lên lớp ca 2 tại Aptech đều với bụng rỗng.
Ngoài việc học khá bận rộn, hai anh em Tiến, Tiền đều đi dạy gia sư, từ online đến trực tiếp. .. Chia sẻ về ước mơ phía trước, Tiến mong muốn sớm có việc làm thêm trong thời gian học để có cơ hội học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Còn Tiền cố gắng ổn định sớm sau khi kết thúc ngành lập trình để tiếp tục học hết Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Thủ khoa không thi vẫn đỗ Học viện Quân y
Năm 2012, Lê Đức Duẩn đỗ đầu Đại học Dược Hà Nội với 29 điểm. Sau khi báo chí thông tin về chàng thủ khoa nghèo quê Phú Xuyên (Hà Nội), Đài truyền hình Việt Nam cũng về tận quê để làm phóng sự về nam sinh này.
Lê Đức Duẩn và mẹ tại Học Viện Quân Y |
Dù thi cao điểm nhất Đại học Dược, nhưng khi ấy chàng trai học giỏi có nguy cơ không thể đến giảng đường, vì nhà quá nghèo. Trước tình hình đó, Bộ trưởng Quốc phòng đã quyết định đặc cách cho Lê Đức Duẩn vào thẳng Học viện Quân y (Hà Nội).
Bước vào trường quân y, chàng thủ khoa nặng 39 kg trải qua 6 tháng rèn luyện trong quân ngũ. Duẩn kể, mỗi tuần 3 lần, cậu và đồng đội phải mang ba lô chứa quân tư trang, cùng súng, xẻng..., hành quân 10 km đường rừng để rèn luyện.
Những giờ học bơi giữa trời nắng nóng, bắn súng trên thao trường, những chuyến dã ngoại, huấn luyện dài ngày..., khiến các học viên ngày một thêm rắn rỏi.
Kết thúc 6 tháng huấn luyện, Duẩn vùi đầu vào sách vở với khối lượng kiến thức khổng lồ, khi theo ngành Bác sĩ đa khoa.
Tuy chương trình khá nặng nhưng chàng thủ khoa năm nào vẫn phát huy được tinh thần học tập tốt. Cậu thường xuyên là sinh viên khá, giỏi và luôn nằm trong top 10 của lớp. Chàng trai hy vọng, kết thúc 6 năm học, sẽ được giữ lại trường để tiếp tục học Bác sĩ chuyên khoa, để sau đó thỏa giấc mơ chữa bệnh cho người nghèo.
Chàng thủ khoa ĐH Ngoại thương đạt 30/30 điểm
Năm 2008, Lê Sơn Phong ở xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đỗ thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương với số điểm tuyệt đối 30/30. Sáu năm sau, cậu học trò nghèo ngày nào đã tốt nghiệp Trường ĐH Auckland chuyên ngành tài chính kế toán và làm việc cho một công ty môi giới ngoại tệ tại New Zealand.
Lê Sơn Phong trong ngày nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Auckland |
Điều kiện gia đình chẳng mấy khá giả nên ngoài giờ học, Phong phải kiếm đủ mọi việc làm thêm.
“Học bổng 322 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cấp hồi đó chỉ cho em tiền sinh hoạt phí và 15.000 USD tiền học phí/năm, trong khi có quy định bạn nào chọn trường với mức học phí vượt quá số đó thì phải bù phần chênh lệch. Thật ra, quy định này ổn cho các anh chị học tiến sĩ hoặc các bạn học ở những trường liên kết với Bộ GD-ĐT. Một phần vì thích, phần do ương bướng nên em chọn Trường ĐH Auckland không liên kết với Bộ GD-ĐT. Vì vậy, em phải bù phần chênh lệch vào bằng cách tiết kiệm tiền sinh hoạt phí và đi làm thêm” - Phong nói.
Trong 2 năm đầu học tại New Zealand, Phong tìm kiếm những công việc chân tay như làm nông trại, làm vườn hay rửa bát. Sang năm thứ ba, bắt đầu có một chút kiến thức chuyên ngành nên em chọn công việc phù hợp hơn như trợ lý kế toán. Kỳ cuối, Phong làm 2 việc một lúc, vừa để tích lũy kinh nghiệm vừa có tiền bù khoản học phí còn thiếu.
Sau khi ra trường, Phong ở lại New Zealand làm việc cho một công ty môi giới ngoại tệ.
Lê Vy (tổng hợp)