(Tinmoi.vn) Liên quan đến vụ xô xát xảy ra ở Nhà máy Samsung Thái Nguyên, cơ quan công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án. Qua đó, ít nhất 4 tội danh có thể sẽ được khởi tố trong vụ án này.
Với việc xảy ra một vụ xô xát đông người tại nhà máy Samsung Thái Nguyên khiến 11 nhân viên bảo vệ, 2 chiến sỹ công an bị thương, 22 chiếc xe máy, 3 container làm lán trại bị đập phá và đốt cháy, nhiều khả năng vụ án này có thể được khởi tố với 4 tội danh khác nhau.
Luật sư Giang Văn Quyết – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết “Qua việc theo dõi thông tin về vụ án qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi cho rằng đối với vụ án trên có ít nhất 4 tội danh sẽ bị khởi tộ trong vụ xô xát này”
Luật sư Quyết lý giải “việc tạo ra vụ xô xát đông người, gây mất trật tự an ninh có dấu hiệu của hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Cụ thể người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Phạm tội trong trường hợp có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; có tổ chức; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Tội danh thứ hai mà người có hành vi vi phạm có thể bị khởi tố đó là tội danh chống người thi hành công vụ. Bởi lẽ, trong vụ án này có tới 2 công an đã bị đánh bị thương trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Việc tấn công người thi hành công vụ bị thương thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm hình sự theo quy định tại 257 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Bộ luật hình sự nêu rõ người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.Phạm tội trong trường hợp có tổ chức, hoặc xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Nhóm công nhân đốt cháy 3 container và hơn 20 xe máy của bảo vệ khu tổ hợp
Trong vụ án này, có tới 13 người bị thương phải đưa đi bệnh viện, hiện chưa rõ thương tích, thương tật như thế nào. Tuy nhiên, nếu sau khi giám định và điều tra nếu có căn cứ cho thấy việc gây thương tích này có đủ dấu hiệu của hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra có thể khởi tố tội danh theo Điều 104 Bộ luật hình sự.
Khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp đặc biệt “mà pháp luật quy định” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Ngoài ra, vụ án xô xát người ở Samsung Thái Nguyên, còn có dấu hiệu của hành vi hủy hoại tài sản. Số tài sản thiệt hại không hề nhỏ với 22 chiếu xe máy, 3 container làm lán trại bị đập phá và đốt cháy. Tổng trị giá tài sản bị thiệt hại nhiều khả năng lên đến trên 100 triệu đồng.
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Hành vi phạm tội có tổ chức hoặc dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Gây hậu quả nghiêm trọng; Để che giấu tội phạm khác; Vì lý do công vụ của người bị hại; Tái phạm nguy hiểm; Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Như vậy với hàng loạt các hành vi khác nhau, xâm phạm những khách thể khác nhau, cơ quan điều tra có thể cùng một lúc truy tố 4 tội danh như đã nói ở trên khi xét thấy có đủ căn cứ, dấu hiệu tội phạm.
Trước đó, 7h sáng 9/1, sau khi công nhân và bảo vệ công trình xây dựng nhà máy Samsung ở Phổ Yên xô xát, hàng trăm công nhân và người dân gần đó kéo đến đập phá và đốt cháy khu nhà ở của bảo vệ, làm bằng vỏ thùng container, đặt tại cổng nhà máy. Vụ xô xát khiến 13 người bị thương. 22 chiếc xe máy, 3 container làm lán trại bị đập phá và đốt cháy.
Nguyên nhân vụ việc do một công nhân nhiều tuổi mang theo cặp lồng cơm trưa nhưng bị bảo vệ ở cổng nhà máy giằng vứt xuống đất. Một công nhân khác không đi qua lối cửa chính đã bị bốn bảo vệ dùng dùi cui điện đánh ngất tại chỗ. "Khi công nhân đề nghị bảo vệ đưa người bị ngất đi cấp cứu thì những người này không đồng ý. Quá bức xúc nên mọi người cùng nhau đuổi đánh, cầm đá ném", một nhân chứng kể.
Video quang cảnh hiện trường sau vụ xô xát tại Thái Nguyên
Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng 1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách; b) Có tổ chức; c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; d) Xúi giục người khác gây rối; đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; e) Tái phạm nguy hiểm. Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |
Nhật Quang
Tinmoi/ Seatimes