PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, đúng là có nồi cơm điện tách được đường và nguyên lý hoạt động của nồi cơm này cũng khác hơn nồi cơm thông thường. Khi nấu cơm, người nấu phải cho nước vào gạo nhiều hơn bình thường.
Trong quá trình nấu cơm, nhờ nguyên lý gạn nước mà lượng đường có lẫn trong nước gạo sẽ được tách riêng ra khỏi cơm để chảy vào một ngăn chứa.
Nhiều người nghĩ rằng việc gạn nước lúc nấu cơm để tách đường trong gạo là tốt, giúp phòng ngừa được bệnh đái tháo đường, tim mạch, béo phì…, thực chất hiệu quả phòng bệnh theo cách này lại không đem lại tác dụng “thần kỳ” như lời quảng cáo.
Bởi PGS Nguyễn Duy Thịnh cho hay: “Lượng đường trong cơm không quá nhiều như bánh kẹo ngọt. Hơn nữa, cơm phải vào cơ thể, trải qua quá trình tiêu hóa mới chuyển hóa thành đường. Để tăng lượng đường trong máu thì phải thường xuyên ăn rất nhiều cơm.
Hơn nữa, nồi cơm tách đường khi nấu sẽ phải cho nhiều nước và gạn đi một lượng nước cơm trong quá trình nấu, đồng nghĩa với việc làm mất đi lượng lớn các chất dinh dưỡng trong cơm, nhất là vitamin B. Và nếu thường xuyên ăn cơm bị gạn, tách chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, suy nhược cơ thể”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chia sẻ, cơm gạo chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiếu cho sức khỏe con người. Nếu như lựa chọn và chế biến đúng cách cơm gạo đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nhưng quá trình nấu cơm mà vo gạo quá kỹ, nấu bằng nước lạnh, hay cho quá nhiều nước rồi lại gạn bỏ nước cơm sẽ gây mất thêm lượng lớn các chất dinh dưỡng trong gạo. Thường xuyên ăn loại cơm bị tách và loại bỏ đường trong tinh bột có nguy cơ không có năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể.
Các chuyên gia cũng cho biết, nhiều người bệnh đái tháo đường không dám ăn cơm vì cho rằng ăn cơm sẽ làm tăng đường huyết. Do đó, họ cắt bỏ hoàn toàn cơm và các thức ăn chứa tinh bột khác. Thay vào đó, người bị đái tháo đường chuyển sang ăn những thực phẩm ít tinh bột như bún, miến, cơm tách đường… Tuy nhiên, chính cách ăn uống như vậy lại khiến người bị đái tháo đường đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng và hạ đường huyết quá mức, thậm chí dẫn đến hôn mê sâu và tử vong.
Cơm gạo là nguồn cung cấp vitamin B dồi dào, rất tốt cho sức khỏe con người và giàu năng lượng. Do đó không nên bỏ cơm gạo hay tìm cách gạn bỏ đi những chất vốn dĩ rất tốt. Người bị đái tháo đường nếu muốn kiểm soát bệnh và lượng đường trong máu không nên bỏ hoàn toàn cơm, chỉ nên điều chỉnh lượng cơm, tinh bột sao cho vừa phải, không quá nhiều để vừa giữ được sức khỏe mà lượng đường huyết lại không tăng cao.
Thay vì ăn cơm trắng, người bệnh có thể đổi sang ăn gạo lứt, gạo xay sát nhẹ… sẽ giữ lại các vitamin và khoáng chất, nhất là chất xơ ở lớp ngoài hạt gạo giúp cho hấp thu chất bột đường chậm hơn, đường máu tăng ít hơn, cảm giác no kéo dài hơn, giảm táo bón… do vậy rất tốt cho người bệnh thừa cân béo phì, đái tháo đường, mỡ máu cao.
Khi vo gạo không nên xát mạnh tay để không làm mất các vitamin và chất khoáng. Nấu cơm thì nên dùng nước sôi để nấu, lớp ngoài của hạt gạo co lại, tạo lớp màng bảo vệ hạt gạo không bị nứt, vỡ, hạt cơm sẽ dẻo hơn, giữ được mùi vị và các chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, cần bổ sung nhiều rau xanh, chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày và tích cực vận động rèn luyện thể dục thể thao, đi bộ sẽ giúp phòng ngừa bệnh đái tháo đường, tim mạch, béo phì… hiệu quả.
Tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng:
Protein (chất đạm): Lượng protein nên đạt 0,8g/kg/ngày với người lớn. Nếu khẩu phần có quá nhiều đạm sẽ không tốt nhất là đối với bệnh nhân có bệnh lý thận sớm. Trong chế độ dinh dưỡng của người bị đái tháo đường tỷ lệ năng lượng do protein nên đạt 15 - 20% năng lượng khẩu phần.
Lipit (chất béo): Nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo động vật vì có nhiều axit béo bão hoà. Các chất béo đặc biệt là các chất axit béo bão hoà dễ gây xơ vữa động mạch nhưng mặt khác chất béo lại cung cấp năng lượng (bù lại phần năng lượng do gluxit cung cấp) vì vậy nên ăn các axit béo chưa bão hoà có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu mè (vừng), dầu đậu nành, dầu hướng dương... Tỷ lệ năng lượng do chất béo nên là 25% tổng số năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30%. Việc kiểm soát chất béo trong khẩu phần còn giúp cho ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Gluxit (chất bột đường): Trong bệnh tiểu đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể vì thế chế độ ăn phải hạn chế gluxit (chất bột đường). Nên sử dụng các loại gluxit phức hợp dưới dạng các hạt và khoai củ. Hết sức hạn chế các loại đường đơn và các loại thức ăn có hàm lượng đường cao (bánh, kẹo, nước ngọt...). Tỷ lệ năng lượng do gluxit cung cấp nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.