"Nói là giải quyết cho ông Nghiên nhưng kỳ thực là con ông Nghiên vậy còn con tôi và con các bộ trưởng, thứ trưởng khác thế nào?" TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Liên quan đến vụ việc của ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Chủ tịch thành phố Hà Nội, trong buổi tiếp xúc cử tri sáng 9/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết sẽ giải quyết chế độ Chính sách nhà, đất với ông Nghiên như các bộ trưởng khác trước kia.
“Trước đây đồng chí Nghiên là ủy viên trung ương, chủ tịch TP Hà Nội. Lương và hàm tương đương bộ trưởng. Từ trước tới nay đồng chí Nghiên chưa được mua nhà nào của Nhà nước, còn việc có biệt thự ở chỗ này chỗ kia là do mua do bán bằng tiền cá nhân, vì vậy TP có trách nhiệm giải quyết chế độ chính sách nhà, đất với đồng chí theo đúng mức mà đồng chí được hưởng, không hơn, không kém.
Các bộ trưởng khác trước kia được mua suất đất bao nhiêu mét và tự bỏ tiền ra xây nhà ra sao thì bây giờ TP thực hiện đúng như thế”, ông Nghị khẳng định.
Câu trả lời của Bí thư thành uỷ Hà Nội khiến dư luận thắc mắc “có chế độ, chính sách cấp nhà đất của các bộ trưởng? chính sách đó như thế nào?”. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề này.
-Ông có bình luận gì về phát biểu trên của Bí thư thành uỷ Hà Nội về “chuyện giải quyết quyền lợi về nhà ở với ông Hoàng Văn Nghiên”?
-Trước tiên tôi hoan nghênh ông Nghiên đã lắng nghe ý kiến dư luận và trả căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Còn việc sau khi trả , đối xử với ông ấy thế nào thì đó là theo lời của ông Nghị chứ theo văn bản chính thức của thành phố thì chỉ nói thu hồi nhà chứ không nói đến xử lý sau đó.
Về cơ chế, chính sách phân (bán) nhà cho các bộ trưởng, thứ trưởng lúc tôi đương chức thì không có, tôi cũng không biết bộ trưởng, thứ trưởng nào như vậy. Chỉ có một số trường hợp là các lão thành cách mạng, vào sinh ra tử thì được nhà nước cấp nhà cho ở khi chuyển địa bàn công tác.
-Ông có thể nêu một số văn bản của Nhà nước hoặc một số trường hợp cụ thể liên quan đến vấn đề này?
-Trước kia nhà ở được coi như là 1 bộ phận của tiền lương. Nhưng, chính lúc tôi làm thứ trưởng bộ Xây dựng, Bộ có đề xuất với Chính phủ là xóa bỏ bao cấp nhà ở, Chính phủ chấp nhận và đã ra nghị định số 61, đưa tiền nhà vào tiền lương và bán nhà cho những người đang ở thuê từ đó trở về trước.
Thực hiện nghị đinh 61 (91), các địa phương bán nhà cho những người được nhà nước cho thuê trước đó và chấm dứt việc phân phối nhà cho công nhân viên chức nhà nước, mọi người phải tự lo nhà ở. Các bộ trưởng thì cũng tùy bộ. Các ông ở xa về thì cũng phải cho ông thuê ở nhà nào đó của nhà nước còn lại thì cũng tự lo.
Tôi không biết ông Nghị nói thế là căn cứ vào văn bản nào nhưng theo tôi biết là nhiều bộ trưởng lúc đương chức phải tự lo nhà ở cho mình như: ông Nguyễn Hồng Quân (nguyên bộ trưởng bộ Xây dựng). Ông Đồng Sỹ Nguyên (nguyên bộ trưởng Bộ Xây dựng) từ chiến trường về cũng làm gì có nhà cửa, lúc đó bộ Xây dựng cũng kiếm một cái nhà của bộ trưởng cũ đi rồi thì ông ấy đến ở. Ông Lê Ất Hợi, nguyên chủ tịch Hà Nội cũng chả có biệt thự nào cả. Ông Nguyễn Mạnh Kiểm, Bộ trưởng bộ Xây dựng bây giờ vẫn ở trong chung cư chứ có biệt thự nào đâu. Vậy ở đâu nảy ra chuyện bộ trưởng thì phải có nhà ở, tôi không rõ lắm với quy định đấy.
Có thể bán nhà cho bộ trưởng nhưng chế độ đó thì có thể không phổ biến rộng rãi, tôi không thấy có văn bản nào về lĩnh vực nhà ở nói đến. Cái này, báo chí phải hỏi lại bộ Xây dựng hoặc văn phòng chính phủ chứ tôi thì không biết chế độ nào như vậy, thời tôi làm Thứ trưởng, Bộ Xây dựng không có.
Ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên chủ tịch thành phố Hà Nội và căn biệt thự tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa
-Vậy trong trường hợp cụ thể của ông Hoàng Văn Nghiên, theo Ông, nếu Hà Nội xử lý như lời ông Nghị nói có hợp lý không?
-Đâu phải có chế độ nhất định phải bán hoặc phải mua mà là theo yêu cầu. Tôi biết nhiều đồng chí cách mạng lão thành cả đời chỉ lang thang làm cách mạng, không nhà không cửa, ông ấy ở đâu là do cách mạng phân phối ở đó. Lúc đó cũng chẳng ai nói là công vụ hay gì cả. Nhà công vụ mới được nói đến trong luật nhà ở năm 2005 nhưng cũng không có quy định cụ thể, không biết bây giờ cũng chưa biết bộ Xây dựng đã có chưa.
Với trường hợp một đời làm cách mạng, vào sinh ra tử thì rất hoan nghênh nhà nước có những chính sách ưu tiên nhưng còn thế hệ từ sau cách mạng tháng 8 đến nay thì cứ theo chế độ chung chứ sao lại có quyền đòi hỏi nọ kia.
Với trường hợp của ông Nghiên, ông ấy có thiếu nhà không? Theo thông tin báo chí phản ánh, ông Nghiên ở trong một căn nhà sang trọng ở Ciputra, căn biệt thự ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa là con ông ấy ở. Thế chuyện giải quyết ở đây là không phải là giải quyết nhà cho ông Nghiên mà là con ông Nghiên vì con ông ấy đang sống ở 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Nói là giải quyết cho ông Nghiên nhưng kỳ thực là con ông Nghiên vậy còn con tôi và con các bộ trưởng, thứ trưởng khác thế nào? Đấy là câu hỏi thôi chứ tôi cũng không rõ là đúng hay sai.
Thế cho nên nếu theo như ông Nghị nói thì dư luận xã hội còn đặt nhiều câu hỏi chứ chưa phải là chấm dứt.
H.Minh