Trước sự việc cựu Chủ tịch thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên sau hơn 8 năm vẫn “kiên định với chùm chìa khóa” của biệt thự công vụ số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, nhiều ý kiến cho rằng ông Nghiên đang cố tình chây ì và dây dưa, nhất quyết không trả lại nhà.
Trao đổi với Giao thông vận tải, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phạm Sỹ Liêm cho biết, trước đây, ông Nghiên đảm nhận cương vị công tác là Chủ tịch UBND TP nên đã được bố trí ở tại biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa để thuận tiện đi lại trong việc thực hiện các nhiệm vụ công vụ. “Thế nhưng, đáng ra khi không còn đảm nhận cương vị công tác đó nữa thì ông Nghiên cũng phải trả lại nhà. Theo tôi được biết, khi được phân cho một căn biệt thự khác thay cho căn số 12 Nguyễn Chế Nghĩa thì ông Nghiên lại không đồng ý và đòi ở một chỗ khác trong khu đô thị Ciputra. Điều này là không hợp lý”, ông Liêm nói.
Cũng theo ý kiến của nguyên Thứ trưởng Liêm, nếu xét theo các quy định của pháp luật, thì cựu Chủ tịch UBND thành phố không có đặc quyền gì mà đòi hỏi như vậy. “Vì nhà công vụ là để phục vụ cho nhu cầu công vụ, nay không còn đương chức nữa thì còn giữ nhà công vụ làm gì. Đáng lý ra, TP Hà Nội phải ra quyết định hành chính hẳn hoi, chứ không thể nói mãi bằng miệng được. Theo tôi, nếu ông Nghiên không trả thì thành phố cần cưỡng chế”” – vị này nhấn mạnh.
Đồng ý kiến với ông Liêm, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND TP Hà Nội Chu Sơn Hà cho rằng, cần phải giải quyết dứt điểm theo quyết định mà UBND thành phố ban hành từ năm 2006. Theo ông Hà, tốt nhất là cơ quan chức năng và ông Nghiên cần ngồi lại với nhau để bàn hướng giải quyết sao cho vừa thấu tình, vừa đạt lý. Vì xét cho cùng, thì cựu Chủ tịch UBND thành phố cũng là người có cống hiến. “Người có cống hiến thì chắc chắn sẽ được đền đáp thỏa đáng, nhưng sự đền đáp đó cũng chỉ nằm trong một giới hạn nhất định chứ không thể vượt quá giới hạn được”, ông Chu Sơn Hà cho hay.
Sau hơn 8 năm, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vẫn nhất quyết không trả lại biệt thự cho Nhà nước
Hiện ông Nghiên đang sinh sống tại biệt thự Ciputra. Vì vậy, “không thể đợi đến khi ông Nghiên vừa lòng rồi thì mới chuyển đi khỏi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được. Làm như vậy là không đúng vì ông Nghiên không phải là người thiếu nhà. Nguyên nhân của sự việc kéo dài này là do TP chưa làm nghiêm các nghị quyết, các quy định đã có. ” - TS Nguyễn Tùng Lâm, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật TP Hà Nội cho hay.
Xem thêm Video người dân liều mình vượt sông:
Ý kiến về vụ việc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, với những vấn đề liên quan đến nhà công vụ thì đều đã được công khai. “Nhà số mấy, ở đâu, ai làm chủ đều được công khai hết. Vì vậy, tôi tin rằng Bộ Xây dựng cũng như Cục Quản lý nhà sẽ xử lý kiên quyết vấn đề này” – ông Nên khẳng định.
Được biết, ông Nghiên làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội từ năm 1994 – 2004, Khi đã rời chức Chủ tịch UBND TP, ông Nghiên có đơn xin hóa giá căn biệt thự theo Nghị định 61/CP và đã được một số cơ quan chức năng của thành phố đồng tình. Tuy nhiên, sau đó, việc hóa giá không thành do căn biệt thự này không thuộc diện được hóa giá.
Đến năm 2006, UBND TP đã có thông báo không bán biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa theo Nghị định 61, đồng thời giao Sở Tài nguyên & Môi trường bố trí nơi ở mới thay thế cho ông Nghiên. Tuy nhiên, trong suốt 8 năm qua, biệt thự này vẫn chưa thu hồi.
Vũ Đậu (Tổng hợp)