Vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hằng năm là thời điểm dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) hoành hành và mang lại hậu quả khôn lường.
Theo chu kỳ 3-5 năm/lần, các chuyên gia dự đoán năm 2014 sẽ là năm cao điểm của sốt xuất huyết. Trong 4 tháng đầu năm, theo thống kê của trung tâm Y Tế Dự Phòng, các bệnh viện trên toàn thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 2.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết.
Thời tiết nóng bức và mưa nhiều vào mùa hè ở nước ta là điều kiện cực kì lý tưởng để mầm bệnh sinh sôi. Thời gian này lại vô tình rơi vào dịp các trẻ nhỏ ở nhà “xả xì trét” sau một năm học mệt nhoài và căng thẳng. Các hoạt động ngoài trời như dã ngoại, du lịch,… được xem là rất phù hợp để phát triển kĩ năng nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ bị muỗi đốt ở các bé
“Trước khi để cháu tham gia hoạt động hướng đạo sinh ở công viên, tôi đều căn dặn con mình luôn hết sức chú ý khi ngồi gần khu vực bụi rậm và bãi cỏ. Tuy nhiên vì mải chơi không chú ý nên về nhà tay cháu vẫn nổi rất nhiều mẩn đỏ do muỗi đốt” - chị Thanh Hương, Quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết. Theo chị, dù đã cố gắng phòng tránh cho con nhưng cũng xảy ra những trường hợp bất khả kháng như việc cho cháu tham gia các hoạt động ngoài trời như thế
Còn với trường hợp của chị Phương Dung (Q. Đống Đa, Hà Nội) thì nặng nề hơn. Sau chuyến du lịch nhân kỳ nghĩ lễ kéo dài đầu tháng 5 vừa qua, về nhà bé nhà chị sốt cao liên tục hai ngày. “Đi bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ báo rằng bé bị sốt xuất huyết” – chị kể. “Mặc dầu mình luôn chú ý thoa thuốc chống muỗi cho con đều đặn, nhưng quả thực có những nguy cơ nằm ngoài tầm tay mà một người mẹ có lúc không thể nào kiểm soát được!”.
Phòng chống SXH, bảo vệ sức khoẻ cả nhà
Để phòng tránh SXH, khi cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, bố mẹ cần dặn dò kỹ các bé tránh xa các khu vực có nhiều bụi rậm, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi… Còn tại gia đình, phá tan môi trường sinh sống của muỗI là nguyên tắc đầu tiên các mẹ phải luôn ghi nhớ. Dọn dẹp nhà cửa cho thông thoáng, phát quang những bụi rậm xung quanh, thả cá bảy màu vào các chum vại được xem là những phương thức có hiệu quả nhất. Ở thành thị, các chị em đa phần rất chủ quan khi nghĩ rằng trong khu vực trung tâm thì nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp hơn vùng nông thôn. Tuy nhiên, theo báo cáo của bộ Y tế năm 2013, thủ đô Hà Nội đứng đầu miền Bắc về số ca mắc dịch sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam, hầu hết các trường hợp SXH (70%) xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi
Bệnh sốt xuất huyết tấn công nhiều nhất đối tượng vào trẻ em trong khoảng từ 3 đến 10 tuổi. Nên thời gian này các mẹ phải lưu ý bảo vệ chính bản thân con em mình tránh khỏi muỗi đốt. Dễ nhất là cho bé mặc quần áo dài tay, hạn chế mặc sẫm màu khi ra ngoài vì màu tối rất thu hút côn trùng, đặc biệt là muỗi. Các bé phải nên ngủ màn kể cả ban ngày. Các dung dịch, kem bôi ngoài da cũng rất hữu hiệu trong việc tránh muỗi nhưng các mẹ phải lưu ý cách sử dụng để chúng không làm tổn thương làn da non nớt của trẻ. Vệ sinh nhà cửa, phun thuốc trừ muỗi ít nhất 2 lần mỗi tuần để tiêu diệt mầm gây bệnh SXH.