"Thế hệ sinh viên Đại học Y Hà Nội những năm cuối thập kỉ 90, được thầy Tôn Thất Bách trực tiếp “truyền lửa”, nhiều anh em tốt nghiệp ra trường khao khát được trở về địa phương công tác. Tôi cũng mang theo tâm nguyện ấy về quê, nhưng rồi…"
Từ câu chuyện “sốc” lần đầu làm bệnh viện huyện
Quê tôi ở ngoại thành Hà Nội nhưng nghèo lắm, vùng đất mà người dân ví von là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Bệnh tật nhiều nhưng không phải ai cũng có điều kiện đi bệnh viện. Bởi đi viện, người ta phải bán trâu, bò, lợn, gà, bán hết tài sản. Bệnh hiểm nghèo thì còn bán cả nhà cửa.
Buổi sáng đầu tuần đến bệnh viện huyện thấy vắng hoe. Phòng cấp cứu có bệnh nhân được chẩn đoán thủng tạng rỗng, đang làm thủ tục chuyển viện, người nhà tất tả ngược xuôi lo chạy tiền để kịp đi theo xe cấp cứu. Tôi hỏi bác sĩ trưởng khoa sao lại chuyển đi, bác sĩ nói điều kiện trang thiết bị bệnh viện huyện không cho phép thực hiện những ca mổ đại phẫu, tuyến huyện chỉ được phép cắt ruột thừa.
Điều này khác hẳn với những gì tôi thấy thời sinh viên đi thực tập ở các bệnh viện lớn trong thành phố, nơi lúc nào cũng quá tải bệnh nhân với đủ các loại bệnh.
Anh bác sĩ trưởng khoa cũng học 6 năm Đại học Y như tôi, sau đó học thêm 2 năm chuyên khoa sơ bộ ngoại, thêm 3 năm chuyên khoa cấp 1, thâm niên công tác ngót nghét hai chục năm, vậy mà về huyện anh không được mổ khâu lỗ thủng dạ dày.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy sốc về nghề khi nhìn thấy bệnh nhân đớn đau, gia đình người bệnh không đủ tiền lo chi phí ra thành phố, trong khi quyết định chuyển viện của bác sĩ theo tôi là hoàn toàn không cần thiết.
Và tôi bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu ngành Y có nên tiếp tục phân tuyến điều trị?
Khi tôi đặt vấn đề xin làm việc tại bệnh viện huyện, đại diện ban giám đốc cho biết tôi chỉ có thể về làm bác sĩ xã ở tận miền núi, vì bệnh viện huyện đã đủ bác sĩ, bệnh nhân ở huyện lại không nhiều mà hơi nặng một chút đã phải chuyển tuyến trên.
Tôi có cô em họ làm y tá xã được đi học thêm vài tháng chuyển bậc y sĩ. Công việc chính của cô là tiêm phòng, phát hiện người dân có bệnh để chuyển lên huyện, chỉ giữ lại điều trị những trường hợp nhức đầu nhẹ.
Đến đây tôi thật sự bị sốc, bởi như vậy đâu cần thiết phải lãng phí một bác sĩ học 6 năm về xã làm việc.
Bệnh viện huyện không nhận, làm ở xã chữa bệnh thì ít mà giúp bà con hoạn lợn thiến gà thì nhiều. Cánh cửa về quê với tôi coi như đã khép.
Trở lại thành phố, thấy bạn bè hầu hết không xin được việc, họ đành chuyển sang làm trình dược viên. Nghe kể có anh khóa trên về quê lấy vợ, đợi việc chẳng biết làm gì, ngày 3 lần anh đo mạch, nhiệt độ, huyết áp cho vợ con, nếu thấy ấm đầu thì cho uống vài viên thuốc cảm, thấy khó ở cho uống xuyên tâm liên.
Bầu nhiệt huyết nóng hổi từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường nay nhanh chóng bị dội những gáo nước lạnh, đã có lúc tôi tính chuyện rẽ ngang sang nghề khác.
Nghề Y yêu cầu cán bộ phải không ngừng học hỏi, rèn luyện tâm - tài |
May mắn cũng mỉm cười với tôi khi xin được vào làm ở Bệnh viện Xanh Pôn. Ban đầu làm không lương như nhiều anh chị khác, sau tôi được kí hợp đồng và thi vào biên chế.
Xanh Pôn là bệnh viện lớn của thành phố Hà Nội. Số lượng bệnh nhân luôn quá tải tới hơn 300%, nhưng chỉ tiêu biên chế lại có hạn vì căn cứ theo số giường điều trị mà bệnh viện được giao. Vì thế mà hầu hết bác sĩ xin vào đây phải xếp hàng bằng cách làm không lương ít thì 3 – 4 năm, nhiều thì 7 – 8 năm, chờ có người về hưu mới được kí hợp đồng thế chân.
Thấy tôi xin vào Xanh Pôn làm việc, một anh bạn cùng thời đại học mỉa mai tôi. Theo anh, bác sĩ với bàn tay khối óc của tuổi trẻ thì làm đâu cũng khẳng định được mình, càng đến nơi khó khăn càng có điều kiện giúp đỡ được nhiều cho bà con, sao cứ phải rúc về thành phố cho tổ ô nhiễm!
Nói là làm, cầm tấm bằng đại học loại giỏi trong tay, anh khoác ba lô lên thẳng miền ngược công tác. Gần 5 năm làm bác sĩ ngoại khoa ở bệnh viện huyện, ngày thường thỉnh thoảng anh được mổ một ca viêm ruột thừa, ca mổ phức tạp nhất với anh là cắt cụt chân vì bệnh nhân tai nạn chân đứt lìa nhưng nhất quyết không chịu lên tuyến trên.
Gặp lại anh bạn ở thành phố sau 5 năm, tôi nhận thấy kiến thức y khoa của anh đã rơi rụng mất một nửa so với thời sinh viên. Bản thân anh lạc hậu hơn so với bạn bè cùng lứa cả chục năm. Từ đó trở đi anh miệt mài học đủ loại chuyên khoa, học để có cơ hội xin được việc làm ở bệnh viện tỉnh và anh cũng phải mất 5 năm nữa mới thực hiện được việc này.
Những người nhiệt huyết xung phong đi vùng sâu vùng xa như anh bạn thời sinh viên càng ngày càng thưa dần, rồi đến ngay cả bác sĩ ở địa phương cũng tính chuyện ra đi.
Phân tuyến điều trị có làm rơi rớt tài năng, kiến thức cán bộ ngành Y?
Một lần tôi hỏi anh giám đốc một bệnh viện huyện là tại sao không cho bác sĩ đi học chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, hay thạc sĩ? Anh trả lời là học xong về họ có được làm những cái đã học đâu, quy định phân tuyến không cho họ làm, nên chưa học họ còn ở lại viện chứ học rồi họ chán mà bỏ đi. Theo anh thì cách tốt nhất để giữ chân người tài và tâm huyết với nghề là không cho họ đi học gì cả!
Cô bạn thân của tôi làm bác sĩ ở một bệnh viện huyện miền núi nghèo nhất nhì đất nước. Cô rất yêu nghề, thề sống chết gắn bó với nghề. Rồi một ngày cô đi học chuyên khoa cấp 1, trình độ chuyên môn giỏi, bằng cấp cao nên cô được cả cán bộ lẫn bà con hết lòng tin yêu.
Khổ nỗi bệnh nhân nặng không thuộc tuyến của cô nên phải chuyển đi hết, còn thưa thớt những bệnh nhân nhẹ, vì thế mà lãnh đạo huyện không thể để cô lãng phí tài năng, đành cử cô xuống bản hướng dẫn bà con “trồng cây gì nuôi con gì”, kiêm thêm công việc phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm. Làm việc ở bản được một thời gian, nhớ chuyên môn không chịu nổi cô đành về một thành phố dưới xuôi kiếm việc làm cho khuây khỏa.
Một cô bạn khác làm cán bộ ở một huyện miền núi tâm sự câu chuyện dở khóc dở cười với tôi thế này:
“Bà con quê em khổ lắm anh ạ, mỗi lần bệnh tật phải bán hết tài sản để lên tuyến trên điều trị. Chẳng ai chịu về quê em làm việc, cả huyện chỉ có mỗi một bác sĩ biết mổ. Những hôm bác sĩ ốm hay đi công tác là cả huyện như ngồi trên đống lửa. Chị em sắp đến tháng đẻ phải đến bệnh viện hỏi trước xem bác sĩ đi công tác hôm nào, nếu không may trở dạ đúng hôm đó thì gia đình còn biết mà đi đẻ nhờ ở huyện khác phòng khi phải mổ. Mà đi đẻ nhờ thì trái tuyến, trái tuyến thì phải mất tiền, đường sá lại xa xôi, huyện gần nhất cũng 40 cây, có người phải đi cả trăm cây mới có chỗ đẻ nhờ”.
Bản tính bác sĩ là ham học, có người như mắc chứng nghiện học. Những năm phổ thông cắm đầu cắm cổ học cho thật giỏi để thi đỗ trường y, học quên cả đất trời, quên tất cả mọi người xung quanh.
Vào đại học, sinh viên y nào cũng phải học ngày học đêm, bất kể thứ bảy chủ nhật, không phải kì thi thì học đến 2 – 3 giờ sáng. Đúng đợt thi thì uống nước trà đặc để học xuyên đêm cho đến sáng.
Sẽ không quá khi nói rằng giỏi nhất là sinh viên y mà ngu nhất cũng là sinh viên y. Ra trường đi làm, nếu có cơ hội là lại đi học tiếp, học liên tục. Càng sinh viên ở quê càng chăm học, bác sĩ tuyến dưới chăm học và học giỏi hơn hẳn bác sĩ tuyến trên. Chỉ tiếc là về quê họ lại lại nhanh chóng tụt hậu vì không được làm theo đúng khả năng bởi quy định phân tuyến điều trị.
Tháng trước có hơn chục bác sĩ tuyến huyện xin tự góp tiền mời chúng tôi dạy cho kĩ thuật chọc đám rối thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn của siêu âm để gây tê - một kĩ thuật cao mà hầu như chưa có bệnh viện nào triển khai thường quy. Thầy không thu tiền học phí, các bác sĩ ham học hỏi nên nhanh chóng làm chủ kĩ thuật. Biết họ về quê không được làm sẽ nhanh chóng quên nên tôi dặn họ thỉnh thoảng bỏ tiền mua… đùi gà mang đến bệnh viện chọc để rèn luyện kĩ thuật.
Suốt 15 năm làm nghề y, tôi đi tìm câu trả lời xem tại sao ngành Y nước mình cứ mãi kéo dài việc phân tuyến điều trị để kéo thụt lùi sự phát triển của ngành, làm cho bác sĩ tuyến dưới chán nản, bệnh viện tuyến dưới vắng bệnh nhân trong khi tuyến trên lại quá tải “ngập mặt”, người dân thì phải chịu thiệt thòi vô kể?
Nhìn những nước phát triển, ở mọi bệnh viện nhỏ, hay bệnh viện miền núi, họ đều có những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này lĩnh vực khác. Bác sĩ sinh ra ở Thủ đô nhưng họ sẵn sàng tìm về các bệnh viện miền quê công tác mà không cần phải nhà nước vận động. Bệnh nhân của họ luôn tin tưởng bác sĩ mà không phải tự chạy đi tìm cơ sở y tế để cứu mình.
Và tôi cứ ước, đến ngày nào đó ngành Y tế nước mình cũng làm được như ở các nước ấy! Muốn vậy thì ngay bây giờ phải vạch ra lộ trình cụ thể để xóa bỏ việc phân tuyến điều trị.
Đó là quan điểm của cá nhân tôi về một vấn đề lớn thông qua bài viết nhỏ này.
Bác sĩ Trần Văn Phúc
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội)
Xem thêm Video trên Tin Mới Tộc người quanh năm chỉ mặc bikini