Cuốn Lịch sử Văn học Nga của NXB Giáo dục Việt Nam bị phản ánh là cẩu thả và vô trách nhiệm khi tự ý đổi họ cho cả Giáo sư, chủ biên.
Thời gian gần đây, nhiều nhà xuất bản (NXB) bị “tuýt còi” vì một số sai phạm trong việc phát hành, biên tập đã khiến độc giả ngán ngẩm trước việc quản lý nội dung, thẩm định. Thậm chí, có người còn đưa ra ý kiến rằng, cần lập một phòng biên tập riêng cho những cuốn sách chuẩn bị xuất bản để tránh lỗi trên các ấn phẩm phát hành.
Sự ồn ào của một số tác phẩm của các NXB như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Lao động - Xã hội chưa dứt thì mới đây, nhiều nhà văn hóa, các cán bộ giảng dạy và sinh viên cùng lên tiếng về cuốn sách Lịch sử Văn học Nga - NXB Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) là cẩu thả và vô trách nhiệm khi tự ý đổi họ cho cả Giáo sư, chủ biên của cuốn giáo trình này...
Nhiều lần tái bản vẫn sai
Vào đầu tháng 4/2015, nhóm phóng viên nhận được phản hồi của một số sinh viên và giảng viên đang học tập và công tác tại khoa Ngữ văn trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) và khoa Ngữ văn, trường đại học Sư phạm Hà Nội. Theo đó, nhiều giáo sư, tiến sỹ đã lên tiếng về việc NXB GDVN rất cẩu thả trong việc kiểm định sách, giáo trình của sinh viên, giảng viên và bất kính cả với người đã khuất, khi tự ý thay đổi họ của tác giả cuốn giáo trình.
Theo đó, cuốn giáo trình Lịch sử Văn học Nga đã được NXB GDVN tái bản nhiều lần nhưng lại mắc một lỗi rất cơ bản, đó là: Bìa sách để tên một đằng, ruột sách để họ một nẻo, khiến nhiều giảng viên và sinh viên cảm thấy NXB GDVN đã rất tắc trách và bất kính khi xúc phạm cả tác giả đã khuất mà không có sự điều chỉnh nào trong nhiều lần tái bản sách.
Họ tác giả giáo trình khác nhau ở bìa và trong cuốn sách tái bản lần 9.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tại một số hiệu sách của NXB GDVN thì thấy rằng, trên các kệ sách của nhiều cửa hàng có bán cuốn giáo trình mang tên Lịch sử Văn học Nga của một nhóm, gồm 6 tác giả: Nguyễn Hồng Chung, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Hải Hà, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Trường Lịch, Huy Liên. Cuốn giáo trình này được tái bản lần thứ chín, với số lượng in là 1.000 cuốn, in và nộp lưu chiểu tháng 3/2012 do công ty CP Dịch vụ xuất bản Giáo dục Hà Nội – NXB GDVN giữ quyền công bố tác phẩm. Cuốn giáo trình này gồm 879 trang với giá 130.000 đồng.
Thạc sỹ văn học Lê Thái Nam cho biết: “Với công việc là thường xuyên phải đọc giáo trình và nghiên cứu các tác phẩm nước ngoài nên cuốn giáo trình Lịch sử Văn học Nga là sách tôi hay dùng. Tuy nhiên, điều tôi thấy rất bất ngờ là trong lần tái bản thứ sáu của cuốn sách này, NXB GDVN đã “làm” cho họ tên của người chủ biên giáo trình lại bị đổi từ Đỗ Hồng Chung thành Nguyễn Hồng Chung.
Hơn nữa, tôi còn biết rằng, việc này đã được một số cán bộ giảng dạy trong các trường đại học thông báo cho NXB GDVN để sửa trong lần tái bản tiếp theo nhưng không hiểu sao, lại vẫn có hiện tượng nhầm tai hại này. Đây là sự bất kính với một vị Giáo sư đáng kính như giáo sư Chung, vì dù sao vị PGS. TS ấy cũng đã mất rồi...”.
Khâu thẩm định bị “hổng”?
Trong một diễn biến khác, để có những thông tin nhiều chiều, nhóm phóng viên chúng tôi đã đến Thư viện Quốc gia để tìm hiểu về cuốn sách Lịch sử Văn học Nga được in và nộp lưu chiểu ở đây. Khi cầm trong tay cuốn giáo trình mang tên Lịch sử Văn học Nga với mã số: VV97.02143 được NXB GDVN tái bản lần 1 vào tháng 6/1997 thì chúng tôi thấy rằng, cuốn sách này khi được NXB GDVN tái bản có sự đồng nhất về bìa sách và những trang sau, không có sự “lệch chuẩn” về họ tên của người chủ biên và các tác giả khác. Như vậy, nhiều độc giả thắc mắc rằng, việc “bé cái nhầm” về họ người chủ biên giáo trình từ lần tái bản nào và đạo đức người làm sách ở đâu mà để xảy ra lùm xùm đáng trách này?
Nhà văn Hoàng Lê cho biết: “Tôi thấy chuyện này thật nực cười. Giáo trình cho sinh viên mà cũng “hồn Trương Ba, da hàng thịt” được sao? Tôi có biết là nhóm tác giả 6 người rất tâm huyết với giáo trình khoa học này, họ hầu hết cao tuổi rồi, có người đã không còn như PGS Đỗ Hồng Chung hay GS Hoàng Ngọc Hiến. Vì thế tôi nghĩ, làm sách một cách cẩn thận là sự tôn kính người lớn tuổi. Bìa cuốn sách cũng giống như title của một bài báo, là cái mà độc giả nhìn vào đầu tiên. Tôi nghĩ, khâu biên tập, thẩm định của NXB GDVN đang “hổng” nên mới xảy ra tình trạng như vậy, nếu biết rồi mà không sửa thì quá tệ...”.
Nhà lý luận phê bình Văn Giá (Chủ nhiệm khoa Viết văn – đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: “NXB GDVN biết mình sai mà không sửa, thậm chí tái bản nhiều lần là chưa được. Giáo trình Lịch sử Văn học Nga này rất quan trọng, vì nó là sách dành cho các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy và sinh viên sách này gần như là sách pháp quy trong trường đại học.
Tôi cho rằng, chuyện in ấn có thể có sai sót, nhưng nếu đã sai ở bìa, nhất thiết phải thay bìa, sai bên trong nội dung như câu hay lỗi morat trong quá trình biên tập, nhất thiết phải có đính chính. Điều đáng buồn ở đây là NXB GDVN sai quá lâu, nhiều lần tái bản rồi mà vẫn không khắc phục, cho dù chưa có ý kiến chính thức thì người làm công tác biên tập ở NXB GDVN cũng đủ vững chuyên môn để kịp thời nhận ra cái sai đó để sửa...”.
Nhà phê bình văn học Văn Giá, Chủ nhiệm khoa Viết Văn, đại học Văn hóa Hà Nội.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên lạc với đại diện nhà NXBGD. Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Giám đốc NXB GDVN cho biết: “Cuốn Lịch sử Văn học Nga đã được NXB GDVN xuất bản từ năm 2003. Đây là công trình của nhóm 6 tác giả: Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Hải Hà, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Trường Lịch, Huy Liên. Trong những lần in trước đây, tên những tác giả nêu trên đều được in đúng. Đến bản in năm 2012, trong quá trình biên tập tái bản và làm lại bìa sách, tên tác giả Đỗ Hồng Chung đã bị ghi nhầm.
Tuy nhiên, cùng trong bản in đó, trên trang đầu tiên của cuốn sách (bìa giả) tên của tác giả Đỗ Hồng Chung vẫn được ghi đúng. Ngay sau khi sách in xong, NXB GDVN đã phát hiện ra sơ suất này, đã kiểm điểm biên tập viên và tiến hành sửa chữa bản thảo. Từ năm đó tới nay NXB GDVN vẫn chưa có dịp in tái bản cuốn này. Sắp tới, khi tái bản, tên tác giả Đỗ Hồng Chung trên bìa sẽ được in đúng”.
Đạo đức của người làm sách ở đâu?
Nhà phê bình văn học Lương Xuân An cho biết: “Làm nhầm họ tác giả cuốn sách cũng như việc mình bị một người thân quen gọi tên sai vậy, người ta sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Đúng là có làm thì có sai nhưng cuốn sách quan trọng như vậy, qua nhiều khâu như biên tập text, sửa bông, sửa bản thảo, thiết kế bìa… mà không nhận ra cái sai ngay bìa sách thì tôi thấy thật đáng trách. Đạo đức của người làm sách ở đâu mà lại cho ra một cuốn giáo trình cẩu thả như vậy?”.
Lạc Thành