“Vợ mới đẻ, em kháo nước và nhờ mình mua chút hoa quả ăn cho lại sức. Lúc ấy trong túi lại không có nghìn nào, mình nói dối là đi mua rồi phóng xe như bay về hái nhãn ở nhà mang lên cho vợ. Lúc ấy mình cảm thấy bản thân vô cùng bất lực” – ông bố 9x cho hay.
[mecloud]zGB2ToDQmn[/mecloud]
Đến căn phòng trọ nằm sâu trong con ngõ nhỏ đường Đỗ Đức Dục (Nam Từ Liêm – Hà Nội), chúng tôi tìm đến nơi tá túc của ông bố 9x Phùng Hải Ninh (Sinh năm 1990, quê Lương Tài, Bắc Ninh), tân cử nhân thất nghiệp cầm tấm bảng đứng giữa đường xin việc để mua sữa cho con như chúng tôi đã phản ánh.
Ninh rong ruổi trên chiếc xe đạp tìm kiếm cơ hội xin việc |
Ninh tiếp chúng tôi với đôi mắt đượm buồn cùng tâm trạng mệt mỏi sau một ngày “đứng đường xin việc”. Anh chia sẻ:
“Đây là nỗ lực duy nhất mình có thể làm để có được một công việc, qua đó lo cho cuộc sống hai mẹ con đang ở quê. Thực sự mình đang cảm thấy rất bế tắc, mình sẵn sàng đánh đối tất cả chỉ để có tiền mua sữa cho con”.
Năm 2009, cậu học trò nghèo chân ướt chân ráo lên Hà Nội tham dự kỳ thi Đại học, Ninh đỗ trường trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (hệ Cao đẳng). Vì gia đình khó khăn, mình bố Ninh phải chạy vạy lo cho 4 anh em ăn học. Ngày nhập học, Ninh đem chiếc xe là bạn đồng hành những năm cấp 3 của mình vượt hơn 60km để lên Hà Nội làm thủ tục nhập trường. Chiếc xe đó cũng trở thành bạn đồng hành của chàng tân sinh viên suốt những năm tháng ăn học ở Thủ đô.
Ông bố 9x đang ở trong những ngày tháng khó khăn nhất cuộc đời. |
Cũng vì gia đình khó khăn, Ninh làm đủ thứ việc để đỡ đần cha mẹ trong những năm tháng đèn sách. Anh bưng bê, làm nhân viên nhà hàng, rửa bát thuê… Công việc vất vả nhưng đồng lương không đáng là bao so với những khoản chi tiêu đắt đỏ, Ninh vẫn cố gắng làm thêm để đỡ bố mẹ đồng nào hay đống ấy.
Kết thúc 3 năm học Cao đẳng, Ninh quyết định liên thông trường Đại học Điện lực, với suy nghĩ đã có tấm bằng Cao đẳng, Ninh sẽ xin việc làm những ngày trong tuần và dành tiền học vào liên thông vào cuối tuần. Thế những, thực tế lại không như những gì anh tưởng tượng. Ninh rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ khắp thành phố Hà Nội đi xin việc nhưng không được, nơi thì yêu cầu kinh nghiệm, nơi yêu cầu trình độ tiếng anh, nơi lại bắt có tấm bằng đại học.
Ninh đang nghĩ đến giải pháp làm công nhân để trang trải cuộc sống. |
Hụt hẫng vì không xin được việc, nhưng Ninh vẫn không bỏ cuộc, anh chọn giải pháp bưng bê, nhân viên nhà hàng để lấy tiền học Đại học.
Quãng thời gian học liên thông, Ninh quen và có tình cảm với cô vợ hiện tại. Bản thân anh cũng chưa muốn lập gia đình, tuy nhiên được cha mẹ động viện, anh đã quyết định lấy vợ khi đang học năm 2 đại học.
“Cuộc sống gia đình không đơn giản như mình nghĩ, nhiều vấn đề phải lo, nhiều chuyển phải để ý tới. Bản thân mình lại không chưa có công ăn việc làm ổn định nên mọi chuyện khó khăn hơn rất nhiều”. – Ninh tâm sự.
Chia sẻ về kỷ niệm buồn sau hơn 1 năm lập gia đình, Ninh tâm sự: “Ngày đưa vợ đi đẻ, trong túi mình không có một đồng nào, tất cả tiền viện phí đều do bố mẹ mình chu cấp. Con gái vừa chào đời, niềm hạnh phúc như vỡ òa với mình, nhưng đây cũng là lúc trong lòng cảm thấy tủi thân nhất. Vợ mới đẻ nhờ mình mua chút hoa quả ăn cho lại sức. Lúc ấy trong túi lại không có nghìn nào, mình nói dối là đi mua rồi phóng xe như bay về hái nhãn ở nhà cho vợ ăn. Lúc ấy mình cảm thấy bản thân vô cùng bất lực”.
“Mình đang sống trong những ngày tháng bế tắc nhất cuộc đời, ở quê đang có cả gia đình chờ mình chăm sóc. Cứ nghĩ đến việc không thể làm tròn trách nhiệm của người bố lại khiến mình đau đớn”
“Nhiều bạn bè của mình tốt nghiệp từ các trường đại học có uy tín nhưng đều phải vật lộn tìm việc để trang trải cuộc sống. Ai cũng được khuyến khích rằng hãy kiếm tấm bằng đại học loại giỏi đi, mọi thứ sẽ ổn. Nhưng thực tế thì không hề như thế. Các bạn mình nhiều người đã phải làm công nhân để duy trì cuộc sống, bản thân mình cũng đã từng có ý nghĩ này. Nếu lâm vào bước đường cùng, có lẽ mình cũng phải chọn con đường làm công nhân để giải quyết gánh nặng gia đình, bỏ lỡ bao nhiêu năm đèn sách,” - Ninh ngậm ngùi chia sẻ.
Xuân Tùng – Hải Đăng/ Đời sống & Pháp luật