Dư luận địa phương xôn xao, ai cũng cảm thông cho anh trai làng hiền lành, chỉ vì bị đè nén dai dẳng trong thời gian dài mới ra tay… chém chuối mà bị phạt nặng đến vậy.
Bị cáo Nguyễn Phương Nghĩa (SN 1988, ngụ thôn Trại Gần, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội) vừa bị TAND huyện tuyên phạt 9 tháng tù giam và nộp hơn 7 triệu đồng vì tội phá vườn chuối 97 cây của ông nội là Nguyễn Văn Huân (84 tuổi). Không đồng ý với bản án quá nặng, Nghĩa kháng cáo xem xét giảm hình phạt. Đằng sau vụ án cháu chặt chuối, ông nội kiện cháu vào tù là một bi kịch đau lòng.
Nguyễn Phương Nghĩa |
Bênh con trai, giận lây cháu nội
Bà Nguyễn Thị Yến (SN 1955, mẹ bị cáo Nghĩa) cho biết, mọi mâu thuẫn bắt đầu xuất phát từ cuộc hôn nhân bất hạnh của mình. Năm 1975, bà lập gia đình với con trai trưởng ông Huân. Khi đó chồng bà Yến làm nghề lái xe, thường xuyên vào Nam ra Bắc. Thời gian mới cưới, hai vợ chồng sống với nhau khá hạnh phúc. Nhưng thời gian sau, do đặc thù công việc, liên tục đi xa nhà của chồng, tình cảm hai người bớt mặn nồng. Đặc biệt, theo bà Yến, chồng bà sau đó lấy vợ hai ở trong Nam, từng có thời gian đi biền biệt gần chục năm trời không về nhà.
Dù sống với nhau không hạnh phúc nhưng vợ chồng bà vẫn sinh được hai con, trước Nghĩa là một chị gái, nay đã lập gia đình. Năm 2001, mẹ chồng bà Yến qua đời. Người chồng trong Nam ra để tang mẹ. Nhân dịp này, ông ở lại quê nhà một thời gian, rồi đòi ly hôn, chia tài sản. “Tôi cương quyết không đồng ý. Ông ấy bỏ nhà đi lâu như vậy, mình tôi ở nhà nuôi con cái. Tôi đã chịu đựng đủ khổ, nay bỗng dưng ông đưa ra đề nghị ly hôn, chia tài sản. Nghĩ đến tương lai con cái, tôi không nỡ ký vào tờ ly hôn”, bà Yến nhớ lại. Sau đó người chồng tiếp tục vào Nam sinh sống, khoảng năm 2004 lại tiếp tục về nhà, đòi chia tài sản. Ba mẹ con bà Yến cương quyết không chịu. “Nếu ông ấy chịu ở lại chung sống với ba mẹ con thì chúng tôi đồng ý, còn việc chia đất cát thì không được. Tôi đoán, mục đích của ông ấy muốn chia tài sản để bán đi rồi lại vào Nam với bà hai”, bà Yến nói.
Sau khi không đạt được mục đích, theo lời mẹ con bà Yến, người chồng đã lôi kéo ông nội vào “hùa” để đòi chia nhà đất. Trong năm 2004, hai cha con đập bể nước của ba mẹ con bà Yến. Cùng ngày, hai người lên mái nhà dỡ ngói, phá cột nhà, ý định đuổi mẹ con bà Yến ra ngoài đường. Chủ nhà nhớ lại, khi đó bà đi làm ở ngoài ruộng, về đến nhà thấy bị phá tan tành. “Còn đúng một góc nhà là ngói chưa bị dỡ xuống. Đêm về, mẹ con tôi rải chiếu dưới chỗ đó nằm tránh sương gió”, bà Yến nhớ lại. Sự việc được báo cáo ra chính quyền xã. “Khi ấy chồng tôi không dám nhận phá nhà, đổ lỗi hết cho ông nội. Cả hai người bị chính quyền xã đem về trụ sở, giam hành chính gần một ngày trời”, bà Yến nói.
Sau ngày nhà cửa bị chính những người trong gia đình phá bỏ, ba mẹ con bà Yến sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Không đủ tiền mua ngói mới, ngói cũ bị vỡ gần hết, bà mua bạt về dựng tạm. Trời mưa thì nước dột, nắng thì nóng bức. Tám tháng sau, một người họ hàng sửa nhà, dỡ ngói, đổ trần. Thương gia cảnh mấy mẹ con, người này biếu không số ngói cũ cho về lợp mái nhà. Ngày lợp mái, ông nội lên cản trở, mắng chửi không cho thợ làm. Chính quyền xã can thiệp, ông nội mới thôi cản trở. Do mái nhà được lợp bằng ngói cũ nên khi trời mưa vẫn bị dột nước, mấy mẹ con phải phủ lên trên mái nhà mấy mảnh bạt. “Nay trời mưa nhỏ không sao, cứ mưa lớn là nhà bị dột. Nhưng chúng tôi chẳng dám sửa lại, vì sợ ông mắng chửi, cản trở”, bà Yến nói.
Hàng xóm cho biết, ông Huân có tám người con, năm gái, ba trai nhưng do tính cách khá lập dị nên không sống cùng ai, ở một mình tại một căn nhà cấp bốn nhỏ, cạnh vườn chuối. Đầu mùa hè năm 2007, ông lên nhà con dâu cách đó hơn 10 mét, nói vào thắp hương bàn thờ tổ tiên. Sau khi vào nhà, ông bắt con cháu dọn dẹp đồ đạc đi chỗ khác để ông ngủ. “Tôi và hai đứa con không đồng ý, nói rằng nhà có hai giường, ông thích ngủ giường nào cũng được. Nhưng ông bảo không thích sống chung, bắt chúng tôi ra khỏi nhà”, bà Yến nhớ lại. Sau đó ông tự dẹp một số đồ trong nhà ra ngoài sân, cắt một cánh cửa ra, mang vào giữa nhà kê để nằm. “Phận làm con cháu, chúng tôi can ngăn nhưng không được, cũng đành chịu. Cứ thế, ông quấy rối trong nhà khoảng một tháng thì tự đi xuống nhà cũ sinh sống”, vẫn lời bà Yến.
Thương mẹ, giận ông, trai làng vác dao chặt chuối “trả đũa”
Bà Yến kể, đầu năm 2013, con trai bà lấy vợ. Trước ngày hôn lễ tổ chức, ông nội dọa sẽ lên “phá đám” lễ cưới. “Sợ quá, tôi phải ra báo chính quyền địa phương. Đại diện chính quyền vào vận động, một số người trong dòng họ đến khuyên can ông mới thôi. Nhưng ông cấm một số người họ hàng thân thích đến chúc mừng con trai tôi”, lời bà Yến.
Nghĩa làm nghề sợ sơn, vợ là công nhân trong một công ty dệt may. Thu nhập chẳng là bao, nhưng theo nhận xét của hàng xóm, đôi vợ chồng trẻ sống rất hạnh phúc.
Biến cố xảy ra vào ngày 3/8/2013. Chiều hôm đó mưa bão, Nghĩa đi dự liên hoan với bạn bè, về chếnh choáng men rượu. Mới bước vào cửa nhà thì thấy mẹ và vợ, người cầm chậu, người cầm xô hứng nước mưa dột từ mái nhà. Thấy con trai về, bà Yến bảo Nghĩa trèo lên nóc nhà, sửa lại ngói, chỗ nước mưa dột nhiều. Bị trơn, trong người lại đang có rượu, không tỉnh táo, Nghĩa trượt chân ngã. Nước mưa từ trên nóc nhà tung tóe bắn vào người mẹ, vợ, chăn màn trên giường mới cưới cũng bị ướt. Nhìn cảnh nhà nheo nhóc, ướt sũng, Nghĩa ấm ức vào trong buồng lấy dao ra vườn trước sân chặt đứt 97 cây chuối. Tiện tay, Nghĩa cầm một viên gạch, đáp xuống mái nhà ông nội, làm hai tấm lợp bị hỏng. “Khi đó người em có rượu, nhìn cảnh mẹ và vợ bị ướt, em thương quá. Em chỉ nghĩ được rằng, cả nhà chịu cảnh cơ cực ấy là do ông nội cản trở, không cho mẹ con em sửa chữa nhà. Em nhẫn nhịn ông bấy lâu nay, lúc ấy em không nhịn được nên bộc phát cầm dao ra chém chuối. Giờ nghĩ lại, em thấy mình đã sai”, Nghĩa bộc bạch.
Ông nội báo chính quyền địa phương đến lập biên bản, làm đơn đòi bỏ tù đứa cháu, đòi bồi thường 15 triệu đồng. Ngày 29/11/2013, tòa mở phiên sơ thẩm, xử Nghĩa tội Hủy hoại tài sản, tuyên 9 tháng tù giam, buộc bồi thường 7 triệu đồng do chặt 97 cây chuối, 100 nghìn đồng do phá hai tấm lợp mái nhà.
Nghĩa bồi thường tiền cho ông nội, nhưng làm đơn kháng cáo vì không đồng ý với mức phạt tù. Ngày 11/3 vừa qua, TAND TP.Hà Nội mở phiên phúc thẩm nhưng bị hoãn lại do ông Huân vắng mặt. “Gia đình chúng tôi rất lo lắng, ăn ngủ không yên. Tòa sơ thẩm tuyên phạt con trai tôi nặng như vậy thì oan uổng quá. Chúng tôi đã đền bù dân sự xong, tưởng như vậy là thôi, con tôi cũng biết lỗi rồi”, bà Yến than thở.
Tìm hiểu tại địa phương, đa số người dân không đồng tình với bản án của tòa sơ thẩm. Hàng xóm nhận xét, trước vụ án, Nghĩa là người sống hiền lành, có trách nhiệm với gia đình, làm ăn lương thiện, chưa để mất lòng ai. “Chẳng qua lúc tức giận nó hành động dại dột vậy thôi. Mà nó chỉ chặt chuối, chứ có đánh ai gây thương tích đâu. Tiền phá hoại tài sản thì đã đền bù rồi. Tôi mong pháp luật xem xét các tình tiết, giảm nhẹ án cho thằng Nghĩa”, một hàng xóm nói.
Theo quan sát, căn nhà của Nghĩa nằm trong vườn chuối, có một khoảng sân rộng. Nhà ông nội ở cách đó hơn 10m, sát vườn chuối. Tổng diện tích cả vườn và nhà khoảng 400m2, thuộc quyền sử dụng bà Yến, được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ năm 2007. Như vậy, 97 cây chuối mà Nghĩa chặt phá nằm trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng của mẹ mình. “Dù là đất gia đình tôi, nhưng xưa nay chuối trồng trên đất vẫn là của ông nội quản lí, sử dụng”, bà Yến cho biết. Khi phóng viên đến tìm hiểu thông tin, ông Huân đang ngồi trong vườn chuối, dùng dao đập đất dính ở những viên gạch cũ. Ông cho biết sẽ không thôi kiện cáo nếu mẹ con bà Yến không trả đất cho ông. Sau đó ông không trả lời bất cứ câu hỏi nào khác có liên quan. |
Nguồn: Pháp Luật và Thời Đại