Theo báo Pháp luật plus, Bệnh viện sản nhi Nghệ An đã phát hiện và đang điều trị cho 3 trường hợp mắc chứng bệnh Melioidosis, hay bệnh Whitmore. Các bé nhập viện trong khoảng từ tháng 7/2019 đến 9/2019.
Còn tin tức trên báo VTC News cho biết 3 bệnh nhân là Nghiêm Thanh Tuấn, 14 tuổi (trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), Hoàng Văn Cao, 10 tuổi (trú tại xã Thanh ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) và Nguyễn Công Hào, 11 tuổi (trú tại xã Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An).
3 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng chung là sốt, sưng đau tuyến mang tai, gia đình nghi bị quai bị, điều trị ở nhà không đỡ. Sau khi tiến hành cấy mủ, xét nghiệm máu, bác sĩ xác định các cháu bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Burkholderia pseudomallei, bệnh Whitmore - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Các cháu hiện đang được theo dõi và điều trị tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Melioidosis, hay bệnh Whitmore - "vi khuẩn ăn thịt người", là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas pseudomallei) gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Ngân - khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, bệnh Whitmore không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhưng rất dễ dẫn đến chết người. Người được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore cũng điều trị rất khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao tĩnh mạch kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2-4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.
Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể thiệt mạng dù đã được chẩn đoán đúng.
Vi khuẩn này tồn tại trong môi trường tự nhiên (đất, nước) gây bệnh khi có điều kiện, trong đó dễ gặp hơn ở những người thường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước. Loại vi khuẩn ăn thịt người này, chủ yếu tấn công và phát tác trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch, nên những người có nguy cơ suy giảm miễn dịch cần phải rất cẩn thận đề phòng.