(Tinmoi.vn) Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII diễn ra trong tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng.
Đại biểu Quốc hội: Trung Quốc âm mưu "vừa đánh vừa xoa, vừa la làng"
Trong phiên thảo luận về Luật Căn cước công dân ngày 19/6, đại biểu Trương Trọng (Đại biểu TP.HCM) cho rằng: "Quốc hội cần có một nghị quyết về biển Đông để tuyên bố với nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới biết được quan điểm của Quốc hội Việt Nam về những âm mưu “vừa đánh vừa xoa”, “vừa la làng” của Trung Quốc.
Cụ thể, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay, do trong chương trình Quốc hội từ nay tới khi kết thúc kỳ họp này (dự kiến kết thúc vào ngày 26-6) không còn nội dung nào để nói về Biển Đông.
Vì vậy ông Nghĩa xin được trình bày ngoài nội dung thảo luận về vấn đề mà dư luận, đồng bảo cả nước đang quan tâm, mong mỏi. Quốc hội cần có một nghị quyết về biển Đông để tuyên bố với nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giớibiết được quan điểm của Quốc hội Việt Nam về những âm mưu “vừa đánh vừa xoa”, “vừa la làng” của Trung Quốc.
“Nếu Quốc hội lần này không có tuyên bố nào về biển Đông thì nhân dân sẽ rất hoang mang, còn dư luận thế giới thì sẽ băn khoăn về việc này và đặt ra câu hỏi tại sao nghị sĩ các nước lại phải lên tiếng về các vấn đề trên biển Đông ?” - đại biểu Nghĩa bày tỏ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa tha thiết đề nghị các đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm của mình, bởi bạn bè dư luận thế giới cũng đang dõi theo những bước đi của Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến biển Đông, thậm chí còn ủng hộ Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội: Bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia
Phát biểu khai mạc Kỳ họp Quốc hội sáng 20/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, khó lường, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chúng ta đều đã biết tình hình ở Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông; bất chấp cả những thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và Nhà nước Việt – Trung. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa.
Đồng bào ta thực sự lo lắng và kiên quyết phản đối; cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông, cho ý kiến về vấn đề này với tinh thần bằng mọi biện pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, kiên trì bảo vệ, giữ vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về tình hình biển đông, tinh thần là bằng mọi biện pháp bảo vệ chủ quyền với đường lối hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc"
Về biện pháp đấu tranh pháp lý với Trung Quốc trong vụ việc Trung Quộc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Hồ sơ pháp lý chúng ta đã chuẩn bị từ lâu, nhưng để thực hiện nó như thế nào và lúc nào thực hiện thì phải cân nhắc hết sức kỹ càng. Chúng ta đều biết khi khởi kiện ra tòa án công lý hay tòa án trọng tài quốc tế, hồ sơ chứng lý là yêu cầu cầu và đủ nhưng còn các khía cạnh khác, cho nên lãnh đạo nhà nước đang lựa chọn các giải pháp cần thiết, khi thực sự cần thiết mới sử dụng biện pháp này. Nếu người bạn Trung Quốc cũng chân thành như chúng ta thì tình hình có thể khác”.
"Trung Quốc không rút giàn khoan, Việt Nam sẵn sàng khởi kiện"
Ngay sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, đoàn quốc hội rất đồng tình ủng hộ các giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: "Chúng tôi rất đồng tình, phát biểu của Thủ tướng thể hiện quan điểm, lập trường của người đứng đầu Chính phủ. Chúng ta cần nói với thế giới rằng Việt Nam yêu chuộng hoà bình, nhưng chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, chúng ta đã, đang và sẽ có các giải pháp theo đường lối hoà bình và tự vệ"
Ông Phúc khẳng định:"Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ, chứng lý để sẵn sàng làm cơ sở để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu họ không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam". Trong buổi họp báo Bộ Ngoại giao về tình hình biển Đông ngày 23/5, đại diện lãnh đạo UB Biên giới quốc gia của Việt Nam đã đưa ra những bằng chứng cụ thể, mạnh mẽ về chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa theo đúng quy định của Công ước luật Biển.
Dù Quốc hội không đưa ra Nghị Quyết về biển Đông, những đã lên án mạnh mẽ hành động sai trái của phía Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam. Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Quốc hội lên án mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII diễn ra trong tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến độc lập, chủ quyền quốc gia, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông bị đe dọa nghiêm trọng.
Quốc hội khẳng định hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Đến diễn đàn này, hòa chung nhịp đập trái tim của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các vị đại biểu Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc.
Quốc hội đã thảo luận sâu sắc, ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Quốc hội đánh giá cao những phát biểu tâm huyết thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng thống nhất ý chí, hành động, ủng hộ và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Quốc hội Việt Nam bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quốc hội, nghị sĩ quốc hội, các tổ chức, cá nhân và bạn bè trên thế giới đã và đang tiếp tục đồng tình, ủng hộ Việt Nam, lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc đình chỉ ngay những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
H.Nguyên (Tổng hợp)