Đến đăng ký hiến tặng mô tạng và hiến xác cho khoa học, nhiều cặp vợ chồng cho biết, họ quyết định làm việc này vừa để cứu người và còn muốn con thấy rằng, dù sau này mình có trút hơi thở sau cùng nhưng vẫn còn sống mãi.
Tiếp nối thành công của chương trình năm ngoái với 449 người đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi qua đời, chiều tối ngày 25/11, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thế người phối hợp với Ban trị sự chùa Giác Ngộ (quận 5, TP.HCM) đã tổ chức ngày hội "Đăng ký cứu người và hiến xác cho khoa học" bằng nghi thức Phật giáo năm 2017.
Ngày hội là điểm cuối của chuỗi "Hành trình Chung tay vì sự sống" năm 2017, với mục đích lan tỏa nhưng tấm lòng nhân ái, tình yêu thương san sẻ người với người. Đồng thời, thắp thêm niềm tin về một ngày mai tươi sáng trong lòng mỗi người bệnh nhân suy mô, tạng trong cả nước hiện nay.
Rất đông người đến đăng ký hiến tạng tại chương trình.
Có những bạn trẻ là Phật tử tại chùa.
Nhưng chủ yếu là người lớn tuổi, đã có gia đình.
Đến với ngày hội, người dân sẽ được bày tỏ tâm nguyện, chia sẻ những băn khoăn, hỏi đáp những thắc mắc với những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hiến, ghép mô tạng và hiến lấy xác của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện của 17 cơ sở Y tế có chức năng ghép mô, tạng… Đáng nói, mọi người có thể đăng ký và được cấp thẻ hiến tạng ngay tại chương trình.
Thủ tục đăng ký hiến tạng gồm có điền đơn đăng ký, nộp 3 tấm ảnh 2x3 và 1 photo CMND.
Dù đến 18h mới chính thức diễn ra buổi lễ tri ân những người đăng ký hiến mô tạng từ trước nhưng ngay từ trước đó vài giờ, khá đông người dân cùng các Phật tử đã tề tựu tại chùa, đến dãy bàn ban tổ chức chuẩn bị sẵn để làm thủ tục đăng ký hiến mô tạng. Trong số này, phần đông là phụ nữ và những người đã có gia đình.
Đa số người đến đăng ký hiến mô, tạng trực tiếp tại chương trình là phụ nữ.
Một người mẹ dẫn theo con gái cũng đến đăng ký hiến mô, tạng.
Chị Đào Thu Thuỷ (51 tuổi, quê Hải Phòng) cho biết, được một đồng nghiệp giới thiệu về chương trình cách đây không lâu nhưng đã rất thích và sắp xếp thời gian đến ngay. Chị cho biết, mục đích hiến xác của mình là để sau này "con cháu đỡ vất vả trong việc lo hậu sự".
Chị Thủy đăng ký hiến xác vì không muốn làm gánh nặng cho con cái sau này.
Còn ở giữa dãy bàn, vợ chồng cô Phùng Kim Huê và chú Nguyễn Tấn Tài cũng không chút suy nghĩ khi điền hết vào danh mục các bộ phận trên cơ thể mong muốn được hiến tặng.
Những người đăng ký tham gia hiến mô, tạng cầu nguyện tại buổi Lễ.
"Tôi biết được chương trình qua một trang tôn giáo nên nói cho chồng nghe thì chồng tôi cũng lập tức đồng ý. Tôi thấy chết là hết rồi, nên cứ hiến hết thân xác để làm phúc cho con cháu. Con tôi khi nghe ý nguyện của cha mẹ cũng không cản. Tôi nói với con nếu mẹ cứu được cho ai thì con cũng cứ nghĩ mẹ còn sống, vì các bộ phận trên cơ thể mẹ vẫn còn tồn tại" – cô Huê nhẹ nhàng nói.
Không những vậy, nhiều bà mẹ trẻ cũng ẵm theo những nhóc tỳ của mình đến hiến tạng trong sự xúc động của các thành viên hỗ trợ thủ tục đăng ký. Điều này chứng tỏ xã hội đã có cái nhìn thoáng hơn rất nhiều so với những quan niệm chết phải lành lặn, yên ả như trước đây.
Đại diện BTC giải đáp thắc mắc của người đăng ký hiến tạng.
"Với mong muốn truyền thông rộng rãi, kêu gọi cộng đồng xã hội đặc biệt là người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cùng quan tâm và tìm hiểu về phong trào hiến tặng mô, tạng, chúng tôi hi vọng sẽ mang đến một khộng khi ấm áp, an lành và giao lưu coi mở giữa những người tham gia" – đại diện Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thế người chia sẻ trong lễ tri ân những ai đã đăng ký hiến mô, tạng cứu người.
Lễ tri ân những ai đã đăng ký hiến mô, tạng cứu người trong Ngày hội diễn ra trong nghi thức Phật giáo.
Ngoài buổi lễ này, vào cuối năm, bộ môn Giải phẫu trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một trong những nơi tiếp nhận hồ sơ hiến xác cũng tổ chức một lễ Tri ân những người hiến xác cho khoa học với những ai đăng ký hiến xác trong năm.
Theo aFamily/Trí Thức Trẻ