Để sinh tồn bằng nghề làm cờ, nhà sản xuất phải theo dõi sát sao và dự đoán chính xác kết quả trận đấu, nếu không mọi thứ có thể sẽ đổ bể.
Chiết Giang, miền đông Trung Quốc - Lý Bảo Kim, 52 tuổi, đã ngồi cắt vải in liên tục 5 tiếng đồng hồ. Đã quá quen với công việc này, bà thừa sức nhận ra cờ Ai Cập có những màu gì. Tuy nhiên, bà không biết Ai Cập nằm ở đâu, cũng như 32 quốc gia sẽ tham gia World Cup 2018 trong ít ngày tới.
Dù giải bóng đá lớn nhất hành tinh, 4 năm một lần sẽ diễn ra vào 14/6 - 15/7, xưởng làm cờ Bisheng (Bisheng Flag Factory) nơi Li đang làm việc đã có 6 triệu đơn đặt hàng từ nhiều tháng trước, đó vẫn là con số bé nhỏ so với lượng người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới.
Li cũng không hề ngạc nhiên, sau 13 năm làm cờ, bà đã quá quen với áp lực kiểu này. "Tại nhà máy này, chúng tôi luôn bận rộn, mỗi năm đơn hàng đổ về ngày một nhiều hơn...", bà nói với Sixth Tone.
Xưởng cờ Bisheng có diện tích 1500m2, nằm trên tầng 6 của một tòa nhà ở thị xã Vĩnh Khang. Có khoảng 20 nhân viên làm việc liên tục bất kể ngày đêm: Gia công cờ, đóng gói và gửi chúng đi khắp thế giới. Lý Mỹ Hoa, đồng sở hữu nhà máy cho biết, các đơn hàng lớn phải chốt ít nhất 9 tháng trước. Tuy nhiên, trái bóng tròn luôn ẩn chứa sự bất ngờ khiến những người ở đây có vắt chân lên cổ cũng không ứng biến kịp.
Lý Mỹ Hoa và chồng cô lần đầu tiên bước vào kinh doanh cờ vào năm 1999, vợ chồng họ Lý nhìn thấy tiềm năng của nghề làm cờ từ dịp kỷ niệm 50 ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Họ đã tới Nghĩa Ô, cách Vĩnh Khang 90 phút lái xe - giờ là một trong những trung tâm thương mại sầm uất nhất thế giới với ngành hàng nhỏ lẻ. Xưởng cờ Bisheng ban đầu là gian hàng đổ buôn cờ.
Doanh số bán hàng bỗng tăng vọt khi Macau, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, được trao trả cho Trung Quốc vào tháng 12/1999. Tuy nhiên, ngày 11/9/2001 mới đánh dấu bước ngoặt trong kinh doanh của vợ chồng họ Lý.
Vụ khủng bố kinh hoàng 11-9 khiến đơn hàng từ Đài Loan và Hồng Kông tăng đột biến, người dân các nước tìm mua lá cờ Mỹ như một cách để bày tỏ sự tiếc thương cho các nạn nhân. Lúc đó, người ta kéo nhau đến gian hàng của vợ chồng Lý, vơ vét sạch cờ Mỹ và những thứ liên quan để sáng hôm sau bay từ Thượng Hải đến New York.
"Kể từ đó, xuất khẩu cờ tăng vọt, doanh nghiệp của chúng tôi thực sự cất cánh", chồng của Lý Mỹ Hoa cho biết.
Khởi đầu, cặp vợ chồng chủ yếu mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp, sau đó ký hợp đồng với những bà nội trợ để làm cờ. Đến năm 2007, họ thành lập nhà máy riêng. Hàng ngày, Lý Mỹ Hoa quản lý nhà máy ở Vĩnh Khang, trong khi người chồng đến Nghĩa Ô để bán hàng và tìm mua nguyên liệu. Đó dường như là hoàn cảnh chung của nhiều cặp vợ chồng có máu kinh doanh ở Chiết Giang, thậm chí có cả xe bus chuyên đưa đón các 'doanh nhân' giữa Vĩnh Khang và Nghĩa Ô.
Mọi thứ cứ thế diễn ra, chớp mắt đã là năm 2018.
Trong tiếng máy đều đặn, một công nhân nghe nhạc bằng Smartphone để giúp cô tỉnh táo trong ca làm việc kéo dài 14 tiếng. Với khối lượng công việc lớn như vậy, hầu hết công nhân nói rằng, họ chẳng có thời giờ để quan tâm đến World Cup nữa.
Một nữ công nhân đang vận hành máy cắt vải tại xưởng cờ Bisheng
Đương nhiên, bà chủ Lý Mỹ Hoa là ngoại lệ, rảnh rang hơn một chút vì không phải lao động chân tay. Dù từng thấy bóng đá khá buồn tẻ, bà học cách yêu thích bộ môn này vì sự sống còn của doanh nghiệp này phụ thuộc vào vận mệnh của mỗi đội,
"Người hâm mộ sẽ phát điên khi đội bóng của họ tiến vào vòng tiếp theo, chúng tôi sẽ phải nhận lệnh gia công khẩn cấp để gửi hàng bằng máy bay", bà Lý cho biết. "Chúng tôi phải tìm hiểu các đội bóng và dự đoán thắng thua... Nó giống như cờ bạc vậy".
Với mùa World Cup năm 2014, cặp đôi đã dự đoán chính xác chiến thắng của đội tuyển Đức. Năm nay, cặp vợ chồng trung niên đang hi vọng vào các đội mạnh như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Brazil và Argentina. Riêng bà Lý cảm thấy rất lạc quan về Nga - nước chủ nhà.
Thật vậy, cổ vũ cho đội nhà mà không có cờ để vẫy thì quả là vô lý!
Theo SixthTone
Long.J