Sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân mắc kẹt, rất may không có thiệt hại về người, tuy nhiên nó lại gây thiệt hại lớn về vật chất. Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ căn cứ vào dấu hiệu từng vụ việc, phát hiện những vấn đề liên quan đến pháp luật rồi xem xét khởi tố vụ án.
12 công nhân gặp nạn đã được cứu thành công
Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng khiến 12 công nhân mắc kẹt ngày 16/12, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết chiều 22/12, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng kết quả điều tra ban đầu sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng và những vấn đề liên quan đến công trình này. Hiện Công an tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ sập hầm thủy điện này.
Về việc cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm giám định nguyên nhân sự cố. Bộ trưởng xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết,theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Thông tư số 10/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì sự cố sập kết cấu hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng là sự cố cấp 2 và UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân sự cố. Ủy ban UBND tỉnh có thể đề nghị Bộ quản lý công trình chuyên ngành phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám định nguyên nhân sự cố khi cần thiết (Điều 39 Nghị định 15/2013/NĐ-CP).
Tuy nhiên, xét thấy sự cố này có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công xây dựng, đang được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan khác có liên quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Video: Nạn nhân kể lại quá trình sập hầm thủy điện Đạ Dâng
Thông tin cũng liên quan đến vụ việc này, báo Pháp Luật TPHCM dẫn lời Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho rằng vụ việc này dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, nhất là tác hại rất lớn về chính trị, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân, đe dọa trực tiếp tính mạng 12 công nhân và gây thiệt hại lớn về vật chất.
Về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không, Thiếu tướng Sơn cho biết, bằng mắt thường cũng nhìn thấy có vấn đề. Ở đây, chủ đầu tư đã phát hiện các nguy cơ của công trình nhưng không có biện pháp xử lý. Trước đây hầm đã sụt lún rồi, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra, phát hiện địa chất có vấn đề, việc gia cố có vấn đề, nhiều vấn đề thực hiện chưa đúng quy định và đã đề nghị xem lại khâu gia cố để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chủ đầu tư cứ nói do thay đổi các nhà đầu tư, thi công nên sinh ra như vậy.
Theo Thiếu tướng Sơn, cơ quan điều tra sẽ kiểm tra, giám định tất cả các khâu từ khảo sát, thiết kế đến thi công, giám sát công trình. “Trên cơ sở đó, chúng tôi căn cứ vào dấu hiệu từng vụ việc, phát hiện những vấn đề liên quan đến pháp luật rồi xem xét khởi tố vụ án theo quy định pháp luật.
Khánh Duy ( tổng hợp)