Khi chứng kiến cảnh anh em, họ hàng đang cùng nhau quây quần, chen chúc trong những căn nhà chật chội vẻn vẹn vài m2 ở khu phố cổ để sửa soạn mâm cỗ ngày lễ tết hay cúng gia tiên mới thấy hết trăm bề những bất tiện mà họ đang chịu đựng.
Trăm bề bất tiện
Sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ đến nay ngót nghét gần 60 năm, ấy thế mà khi nhắc đến việc chuẩn bị mâm cỗ ngày lễ tết hay cúng gia tiên, ông Nguyễn Văn T, ngõ Phất Lộc, Hàng Buồm, (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn không khỏi giật mình.
Cảnh chen chúc làm mâm cỗ tại 1 gia đình ngõ Phất Lộc - Hàng Buồm - Hà Nội |
Ông T kể: “Gia đình tôi là người Hà Nội gốc. Nhà cửa tuy cũng được gần 20m2 nhưng lại nằm tít sâu trong ngõ. Sống, sinh hoạt đã khó, đến khi gia đình có tang gia, giỗ chạp thì trăm bề bất tiện”.
Theo lý giải của ông T, do ông là con trai cả trong gia đình nên mỗi khi có dịp lễ, giỗ chạp, tất thảy 5 người em của ông dù đã lập gia đình và sinh sống ở nơi khác đều trở về ngôi nhà gần 20m2 này để quây quần, cùng nhau mua sắm, sửa soạn, nấu nướng, làm mâm cỗ cổ truyền cúng gia tiên, họ tộc. Chính vì vậy, ngôi nhà đã chật, nay càng chật chội hơn.
“Tôi phải phân công mỗi người mỗi việc, đảm nhận ở những vị trí khác nhau để tránh chen chúc, xô đẩy. Các cô thì chợ búa, nấu nướng. Em rể, các cháu thì phải ở nhà, xong xuôi mâm cỗ mới cho sang để thắp nhang, khấn vái được”, ông T chia sẻ.
Nhà chật, ngõ nhỏ là lối đi chung của nhiều hộ dân khác cũng được các gia đình tận dụng để nấu nướng, làm mâm cỗ. Ảnh chụp tại một gia đình ở phường Hàng Buồm - Hà Nội. |
Ông T nhớ nhất là trong một lần cả gia đình làm mâm cỗ cúng cách đây 2 năm. Lần đó, mưa rất to, nhà lại bị ủ dột nên không thể tận dụng phía ngoài ngõ để xào, chiên, rán được. Ấy thế, căn phòng bé xíu trở thành nơi để rửa thực phẩm, nấu nướng và đặt đồ cúng trông rất nóng bức, ngổn ngang và nhếch nhác.
“Lần ấy, mưa to đáng lẽ phải lạnh, thế mà mấy anh em chen chúc nhau làm mâm cỗ đến phát sốt. Nghĩ tới lần đó, bây giờ tôi vẫn chạnh lòng”, ông T nói.
Nóc tủ, nóc ti vi… thành nơi đặt cỗ cúng
Có một điều dễ nhận thấy ở nhiều gia đình đang sinh sống tại khu phố cổ đó là, họ đều tận dụng những căn gác xép rộng chỉ vẻn vẹn 70 đến 90cm làm nơi để đặt bàn thờ. Chính vì thế, những lúc có giỗ chạp, cúng kiếng đối với họ là cả một ám ảnh.
Các món trong mâm cỗ được đặt ngay trên nóc tủ lạnh. |
Nhiều gia đình, để đặt được cái bếp là chuyện hy hữu, nói gì đến chuyện có chỗ để đặt bàn thờ gia tiên rộng rãi. Những lúc như thế nóc tủ, ti vi…được tận dụng.
“Nóc tủ, ti vi hay bất cứ thứ đồ gì có thể làm nơi để đặt đồ lễ, món ăn, chúng tôi đều tận dụng chứ nhà chật thì để đâu cho lại. Nhiều lần không đủ tôi còn phải tận dụng mấy viên gạch làm chân, tấm ván làm mặt bàn để đặt cỗ. Chị không tin cứ hỏi các hộ khác, họ cũng đều làm như vậy cả”, ông T tâm sự.
Chính vì sự “chịu khổ” trong những căn nhà chật cuối ngõ ấy mà gia đình ông T cũng như nhiều gia đình khác vẫn duy trì nếp lề lối, phong tục cổ truyền xưa mà cha ông để lại cho đến tận bây giờ.
Những chỗ có thể sử dụng đều được các gia đình tận dụng. |
Chuyện đặt bàn thờ đã vất vả, chuyện quây quần nhau lại trong căn nhà vẻn vẹn vài ba mét vuông để làm mâm cỗ cũng là cả một cực hình.
Vì thế, ngày nay, nhiều gia đình ở phố cổ đã lược bỏ đi rất nhiều những tập tục ấy. Đến ngày giỗ, họ thường làm mâm xôi, con gà cùng tiền, vàng lễ cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nhà. Với những gia đình hiện đại hơn, họ tìm đến các dịch vụ làm mâm cỗ cúng theo yêu cầu để phần nào đó giản lược, khắc phục phần nào những hạn chế do nhà sâu, chật mang lại.