Theo thông tin được báo chí đăng tải, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 06/PC45 khởi tố vụ án hình sự vụ Tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) hôm 24/1.
Theo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, hồi 13h30 ngày 24/1, tại Km 906+945 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận huyện Như Xuân (Thanh Hóa) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô 16 chỗ mang BKS 37B - 010.52, do Nguyễn Hữu Duyên (trú tại huyện Anh Sơn, Nghệ An) điều khiển với xe ô tô BKS 29H - 7506 do Lại Văn Cần (trú tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa) điều khiển chạy ngược chiều.
Vụ tai nạn làm 6 người chết tại chỗ, 3 người chết trên đường đi cấp cứu. Trong số 5 nạn nhân được đưa đi cấp cứu có một nạn nhân đã được đưa về quê Nghệ An để điều trị, 4 nạn nhân được đưa đi cấp cứu điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Đêm 26/1, nạn nhân Nguyễn Đình Kháng cũng đã tử vong, nâng số người chết trong vụ tai nạn này lên tới con số 10 người. Các nạn nhân còn lại sức khỏe tiến triển tốt.
Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc này, Công an tỉnh Thanh Hóa đang đưa ra 3 giả thiết về nguyên nhân vụ việc. Theo đó, nguyên nhân có thể do lái xe khách ngủ gật không làm chủ tốc độ nên gây tai nạn; tai nạn do sự cố kỹ thuật hoặc có người đi xe máy từ trong ngõ ra buộc lái xe phải đánh tay lái tránh, từ đó gây tai nạn.
Cũng theo thông tin từ các cơ quan chức năng, chiếc xe tải trong vụ tai nạn nói trên đã không đi kiểm định từ tháng 10/2012 và đã hết hạn sử dụng từ 1/1/2015 nhưng vẫn được đưa vào sử dụng. Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc ở Thanh Hóa chiều 24/1.
Đây là vụ tai nạn vô cùng thảm khốc xảy ra những ngày đầu năm 2015 khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Việc khởi tố vụ án là hết sức cần thiết để sớm điều tra làm rõ nguyên nhân, thế nhưng, nhiều người cũng băn khoăn về chủ thể để Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bởi trong vụ tai nạn này, cả tài xế lẫn chủ xe đều đã tử nạn.
Báo Đời sống và Pháp luật giới thiệu bài viết của tác giả Khánh Linh (ĐH Luật Hà Nội), đặt giả thiết về chủ thể đóng vai trò bị can trong trường hợp họ còn sống.
Trước hết tôi xin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc với nỗi đau và mất mát quá lớn của gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc này. Dù chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều về an toàn giao thông, thế nhưng tai nạn vẫn xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, khiến bao gia đình lâm vào cảnh ly tán.
Trong vụ việc này, tôi hoàn toàn đồng tình với quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, bởi động thái quyết liệt của cơ quan chức năng sẽ giúp nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và phần nào an ủi vong linh của những nạn nhân không may tử nạn.
Cũng cần nói thêm, trong những vụ án liên quan đến tai nạn giao thông, việc xác định lỗi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ kết quả khám nghiệm hiện trường, tài liệu thu thập được đến lời khai của các nhân chứng... Việc này đòi hỏi cơ quan chức năng phải tiến hành điều tra khách quan, toàn diện. Trong vụ tai nạn tại Thanh Hóa như nêu trên cũng vậy, việc khởi tố vụ án là cần thiết nhưng việc điều tra để xác minh bị can đòi hỏi phải tuyệt đối thận trọng.
Theo như nội dung phản ánh và lời khai của những nhân chứng, dường như lỗi trong vụ tai nạn này là do tài xế của chiếc xe 16 chỗ BKS 37B - 010.52. Do tài xế không làm chủ được tốc độ dẫn đến mất lái và đâm trực diện vào chiếc xe tải chạy ngược chiều. Như vậy, tài xế này đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999. Hành vi vi phạm này được quy định chi tiết trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008: Tốc độ, khoảng cách giữa các phương tiện; sử dụng làn đường; vượt xe...
Từ những lập luận ở trên, đặt giả thuyết nếu tài xế chưa tử vong và Cơ quan điều tra có đầy đủ chứng cứ chứng minh được lỗi do tài xế thì anh ta có thể bị khởi tố bị can về tội danh trên. Hình phạt có thể đến mười lăm năm tù giam do gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Khánh Linh/ Đời sống & Pháp luật