Sau khi bị Công an huyện Văn Lâm (Hưng Yên) mời làm việc, một số tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT số 1 Quốc lộ 5 cho biết đã được công an hướng dẫn lời khai "có tiền lẻ thì rút ra trả như bình thường chứ không phải phản đối mức phí cao...".
Nhiều tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT QL 5 để phản đối mức phí. Ảnh: PLO |
Theo thông tin trên Pháp Luật TP.HCM, liên tiếp những ngày qua, Công an huyện Văn Lâm (Hưng Yên) đã mời một số tài xế dùng tiền lẻ qua trạm BOT số 1 Quốc lộ 5 (QL 5). Ít nhất ba tài xế sử dụng tiền lẻ để trả phí qua trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, Hưng Yên). Trong đó có 2 tài xế taxi và một phụ nữ làm nghề tự do.
Một tài xế (xin được giấu tên), cho biết trong 3 ngày qua anh đã dùng tiền lẻ để trả phí nhằm phản đối mức phí tại QL 5 quá cao. Cũng từ đây, anh chịu nhiều áp lực từ công ty, như dọa "đuổi việc". Tiếp đó, anh bất ngờ nhận được giấy triệu tập của công an huyện Văn Lâm với lý do ghi trên giấy là "để làm việc theo yêu cầu điều tra".
Theo lời tài xế này, tại trụ sở Công an huyện Văn Lâm, anh được lực lượng công an "nhắc nhở" hành động trả phí bằng tiền lẻ: "Khi công an hỏi tôi vì sao dùng tiền lẻ, tôi bảo tuyến đường này hư hỏng nhưng phí quá cao, mỗi lần chở người thân đi ăn uống, cà phê tiền phí nhiều hơn tiền xăng và tiền cà phê cộng lại.
Sau đó, công an bảo: "Giờ anh nên ghi lời khai theo hướng: Khi chở người thân đi tôi có tiền lẻ thì rút ra trả như bình thường chứ không phải phản đối mức phí cao...". Ý các anh ấy bảo tôi viết theo kiểu không phản đối giá trạm thu phí... Tôi biết điều đó, nhưng vì phải ngồi ở trụ sở hơn bốn tiếng và chịu một số áp lực nhất định nên tôi đành phải chiều theo hướng có trả tiền lẻ nhưng không phản đối mức phí để nhanh chóng về nhà", tài xế này kể lại.
Cũng theo lời tài xế này, việc mình và một số người khác trả tiền lẻ mục đích giúp cơ quan chức năng nhận ra cái sai để sửa nhằm mang lại công bằng cho người dân: "Người dân chúng tôi không thể trả phí cho một con đường mà mình chưa từng đi, làm sao lại có chuyện "không ăn bánh cũng phải trả tiền"...", anh tài xế khẳng định.
Trước đó, chiều 7/9, trao đổi với PV Dân trí, chị Phạm Mai Phương (SN 1991, trú tại Phố Nối, huyện Yên Mỹ - Hưng Yên) - nữ tài xế đầu tiên trả tiền lẻ trên QL 5 cho biết: Xuất phát từ việc chất lượng mặt đường tuyến quốc lộ 5 xấu, mức giá qua trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5, đoạn qua huyện Văn Lâm - Hưng Yên không phù hợp, nên ngày 27/8, chị Phương đã dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí này để phản đối rồi tự quay clip đưa lên mạng xã hội.
Theo lời chị Phương, đến ngày 29/8, Công an kinh tế tỉnh Hưng Yên đã đến gặp chị tại nơi làm việc để tìm hiểu động cơ, có dấu hiệu bị kích động hay xúi giục lôi kéo người khác cùng thực hiện không?
Chị Phương khẳng định không bị kích động và cũng không lôi kéo, xúi giục người khác cùng làm theo mình. Tại cuộc làm việc này, cơ quan công an cũng yêu cầu chị Phương gỡ bỏ clip đã đăng lên mạng xã hội, nhưng chị Phương đã gỡ trước đó.
Tiếp tục, đến ngày 6/9, cán bộ Công an PA83-Công an tỉnh Hưng Yên lại đến nơi chỗ làm của chị Phương để làm việc về nội dung trên. Chị Phương một lần nữa khẳng định là không bị ai kích động, không lôi kéo người khác cùng làm theo mình.
Liên quan đến việc triệu tập các tài xế trên, chia sẻ với báo chí, Đại tá Đỗ Đình Hào - Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết: "Mục đích là làm rõ việc gây ùn tắc, gây rối ở trạm thu phí, xem có tình trạng xúi giục, kích động tài xế hay không. Từ các chứng cứ, lời khai, cơ quan điều tra sẽ cân nhắc có khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng hay không".
Tại buổi làm việc, các tài xế nêu quan điểm trạm thu phí bất hợp lý, ảnh hưởng đời sống của họ nên dùng tiền lẻ để phản ứng.
Sau buổi làm việc, công an đề nghị các tài xế không tập trung ở trạm thu phí gây mất trật tự, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Hưng Yên, trong quá trình làm đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đã bỏ ra một số kinh phí để thực hiện trước, đến nay Nhà nước chưa bù lại được nên đã cho phép Vidifi thu phí ở đường 5 để bù lại kinh phí đã bỏ ra làm đường cao tốc.
Về việc một số lái xe dùng tiền mệnh giá nhỏ 200, 500 đồng (tiền lẻ) để mua vé tại trạm BOT trên quốc lộ 5 vừa qua, theo Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, trong việc này có dấu hiệu của hành vi đấu tranh tiêu cực, kích động, cố tình gây rối, mất an ninh trật tự và theo quy định của luật hình sự thì nếu cố tình gây ách tắc về giao thông từ 2 tiếng trở lên sẽ xử lý về mặt hình sự.
Đức Hòa (tổng hợp)