"Đúng là cũng có trường hợp biếu tặng những cây cảnh, cây đào có giá trị đến hàng trăm triệu đồng, chứ không hẳn là nhỏ...", Cục trưởng Cục Chống tham nhũng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề tặng quà tết thế nào cho đúng, trao đổi trên báo Dân trí mới đây, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) từng cho biết: “Nếu tặng nhau cành đào, cây quất theo thuần phong mỹ tục của người Việt Nam thì không sao, không vi phạm gì nhưng tặng nhau 1 tỷ bạc thì chắc chắn có động cơ rồi, cá nhân làm gì có số tiền ấy”.
Trao đổi trên báo Tiền phong, ông Đạt, nguyên tắc buộc mọi người phải tuân thủ là không được lấy ngân sách, tài sản công để mua quà tặng.
"Còn nếu là quà tặng mang tính chất tình cảm thực sự thì chỉ là cây đào, cây quất, hay lì xì vài chục nghìn đồng. Những cái đó giá trị tài sản rất nhỏ so với thu nhập của người tặng nên đó là tình cảm thực sự. Nhưng đừng có lợi dụng nét đẹp đó để rồi biếu tặng cho nhau những món quà có giá trị lớn để thực hiện động cơ cá nhân", ông Đạt cho biết thêm.
"Ví dụ như hai người không phải họ hàng hay trong cùng gia đình, đều là công nhân, viên chức, thu nhập không đáng là bao mà lại tặng quà đến mấy trăm triệu thì dứt khoát là có vấn đề. Những trường hợp này thì phải xem nguồn thu nhập từ đâu mà anh tặng quà lớn như vậy; giữa người tặng và người nhận có cơ chế xin - cho gì không, có liên quan gì đến nhau trong “quyền lực” hay không…? Chúng tôi đang rất cần nguồn thông tin về những vấn đề này để nghiên cứu và có những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả hơn", ông Đạt giải thích.
Tặng quà Tết 'cành đào, cây quất' trăm triệu có gọi là hối lộ?
Mặc dù theo ông Đạt, tặng cành đào, cây quất thì không vi phạm gì, nhưng thực tế có những cành đào, cây quất trị giá đến hàng trăm triệu đồng như thế là quà tặng đã biến tướng, tinh vi. Vậy làm sao để kiểm tra, giám sát được việc đó?
Giải thích trên báo Tiền phong về thắc mắc trên, ông Đạt cho biết: "Đúng là cũng có trường hợp lợi dụng cái này để rồi biếu tặng những cây cảnh, cây đào có giá trị đến hàng trăm triệu đồng, chứ không hẳn là nhỏ. Tuy nhiên để làm rõ đúng hay sai thì chúng ta phải xem động cơ, mục đích giữa người tặng và người nhận là gì? Cái đó mình phải nghiên cứu để rồi có quy trình xem xét cẩn trọng. Ví dụ trước đây có trường hợp phản ánh đến Cục Chống tham nhũng là có người tặng gói quà nghi giá trị rất lớn. Nhưng khi xem ra thì thấy anh em chỉ tặng nhau ít trái cây và cân đường thốt nốt, giá trị không đáng bao nhiêu".
Trước đó, liên quan đến vấn đề quà tết biếu xén nhau mỗi dịp tết đến xuân về, năm nay, trao đổi trên báo Dân trí mới đây, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích người dân phát giác việc cán bộ, công chức, viên chức tặng quà hoặc nhận quà Tết trái quy định. Nếu người dân phát hiện cán bộ nhận quà, tặng quà trái quy định thì hãy phản ánh ngay tới cơ quan chúng tôi. Nếu có kèm theo những bằng chứng nữa thì việc xác minh, xử lý của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.
Theo ông Đạt, số điện thoại đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng (080.48228) sẽ tiếp nhận và xử lý tất cả những phản ánh của người dân về việc tặng/nhận quà của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không đúng quy định cũng như phát giác các hành vi tham nhũng.
Để nắm bắt tình hình và báo cáo việc tặng quà và nhận quà tặng không đúng quy định trong dịp Tết Ất Mùi 2015, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2015 sắp tới, Cục Chống tham nhũng sẽ bố trí cán bộ túc trực thường xuyên để tiếp nhận phản ánh của người dân qua số điện thoại đường dây nóng này.
Về vấn đề tặng quà Tết như thế nào thì không bị coi là vi phạm quy định, ông Đạt giải thích trên báo Dân trí, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 64/2007/QĐ-TTg về quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, “quà tặng” được điều chỉnh tại quy chế bao gồm: Tiền Việt Nam, tiền nước ngoài, sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, séc và các giấy tờ có giá; hiện vật, hàng hóa, tài sản; dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước và các loại dịch vụ khác; quyền được mua tài sản, nhà, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng thiết bị; các ưu đãi ngoài quy định của Nhà nước; việc sử dụng tài sản, nhà, đất đai, thiết bị của người khác mà không trả hoặc trả không đầy đủ chi phí cho việc sử dụng.
“Những quy định đó có nghĩa là cấm dùng tiền ngân sách để mua quà tặng nhau. Cho dù anh dùng 1.000 đồng tiền ngân sách nhà nước để mua quà tặng cho cán bộ, công chức, viên chức cũng là vi phạm, là sai rồi. Kể cả dùng tiền cá nhân để mua quà tặng cho cán bộ trong dịp Tết nhằm đạt được mục đích nào đó, mưu lợi cá nhân, có dấu hiệu tham nhũng cũng là vi phạm nguyên tắc”- ông Đạt nói.
Tuy nhiên ông Đạt cho biết thêm: “Nếu tặng nhau cành đào, cây quất theo thuần phong mỹ tục của người Việt Nam thì không sao, không vi phạm gì nhưng tặng nhau 1 tỷ bạc thì chắc chắn có động cơ rồi, cá nhân làm gì có số tiền ấy”.
Vào dịp Tết hằng năm, Cục Chống tham nhũng đều nhận được phản ánh qua số điện thoại đường dây nóng về việc cán bộ này, cán bộ kia nhận quà Tết không đúng quy định. Tuy nhiên, các phản ánh này đều thiếu chứng cứ, cơ sở nên rất khó khăn cho cơ quan này khi tiến hành xác minh, xử lý.
Do vậy, để thuận lợi cho việc xác minh và xử lý, những thông tin phản ánh phải chính xác, nếu có chứng cứ thì nên gửi kèm theo để Cục Chống tham nhũng dễ dàng trong việc xử lý sai phạm.
Trước đó, ngày 27/01/2015, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã ký văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty 91 (gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương) đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi, nắm tình hình và báo cáo những trường hợp sử dụng tài sản công không đúng quy định, lãng phí và tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết Nguyên đán năm 2015.
Mai Nguyên