Các căn hộ tập thể Bách Khoa chỉ được phân cho cán bộ, công chức nên đối với dân nghèo, dân lao động và ngay cả tầng lớp tiểu thương thì việc được sở hữu một căn hộ tập thể kiểu mẫu vẫn chỉ là niềm mơ ước.
Nếu như ở vào thập niên 60, các khu nhà tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ được xem là kiểu căn hộ “siêu sang” đầu tiên của Hà Nội thời kỳ sau giải phóng thì đến những năm 70, nhà tập thể Bách Khoa được xem là dạng căn hộ cao cấp kế tiếp được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở “chất lượng cao” của người dân Thủ đô.
Do là công trình theo sau hai công trình kiểu mẫu trước đó nên kiến trúc của tập thể Bách Khoa đã kế thừa và có nhiều cải tiến so với kiến trúc khu Kim Liên, Nguyễn Công Trứ. Đó là kiểu nhà cao tầng dãy dài kiên cố với diện tích căn hộ từ 20 đến 30m2, vẫn là hệ thống hạ tầng hoàn thiện được xây dựng cùng khu với nhà tập thể như cửa hàng lương thực, cửa hàng bách hóa, trường học, chợ, Ủy ban…để người dân tiện sinh hoạt, điều mới nhất ở tập thể Bách Khoa là kiến trúc phòng ở.
Qua thời gian, chung cư Bách Khoa đã bị xuống cấp trầm trọng và kiến trúc ban đầu cũng bị phá vỡ do người dân cơi nới để
mở rộng diện tích
Khác với khu Kim Liên hay Nguyễn Công Trứ là khu vực sinh hoạt chung của khoảng 4-5 gia đình sẽ bao gồm nhà vệ sinh, bếp và được bố trí trong cùng một không gian thì ở khu Bách Khoa, bếp và khu vệ sinh đã được tách riêng. Kiểu kiến trúc này giúp các hộ dân sinh hoạt tiện hơn và không gian sinh hoạt cũng vệ sinh hơn.
Cũng giống như các khu tập thể khác, các căn hộ cao cấp của tập thể Bách Khoa ngày ấy cũng chỉ dành cho một số cán bộ, công chức thuộc diện được phân nhà. Còn đối với dân nghèo, dân lao động và ngay cả tầng lớp tiểu thương thì việc được sở hữu một căn hộ tập thể kiểu mẫu vẫn chỉ là niềm mơ ước.
Trải qua mấy chục năm, các căn hộ “trong mơ” ngày nào giờ đã bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn trong sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đe dọa tính đến những người đang sử dụng. Do đã cũ, tường của các ngôi nhà đã bị nứt, móng sụt lún, hệ thống điện nước không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt… Hơn nữa, người dân ở mỗi căn hộ thường xuyên cơi nới diện tích sử dụng khiến những ngôi nhà đã già nua càng phải gồng mình gánh thêm những chiếc “chuồng cọp”, gây nguy hiểm cho người dân trong khu.
Và nếu như trước đây, trong các khu nhà tập thể luôn có những khoảng sân để sinh hoạt chung và trẻ em vui chơi thì nay, những khoảng sân này đã bị biến thành nơi để xe, thậm chí thành các khu chợ sầm uất.
Theo Đức Thuận - Vũ Đậu (Người đưa tin)