Chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu cho biết ông đã có nhiều cải tiến, hiện tàu đã có hợp đồng xuất sang nước ngoài phục vụ du lịch.
Tổ hợp tàu ngầm mini phiên bản du lịch.
Sáng ngày 14/7/2014, chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu, cũng là hậu duệ của nhà cách mạng Phan Bội Châu - ông Phan Bội Trân đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Đất Việt. Ông cho biết tàu ngầm của ông đã có thể xuất khẩu sang nước ngoài.
“Từ phiên bản Yết Kiêu đầu tiên một người lái, tôi đã có những cải tiến thuận tiện hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng để phục vụ du lịch, hiện tại, công ty của tôi đã có hợp đồng đầu tiên với các đối tác của Malaysia.” – Ông Phan Bội Trân cho biết.
Chia sẻ về bản hợp đồng này, ông Phan Bội Trân nêu chi tiết: “So với phiên bản đầu tiên được thử nghiệm trước đây thì phiên bản xuất khẩu này được thay đổi nhiều thứ. Ví dụ như trước cửa vào phải luồn từ dưới bụng tàu, nhưng nay có thể đi từ nắp tàu xuống. Tàu cũng có kích thước lớn hơn để hai người ngồi.
Cửa kính, kính tiềm vọng của con tàu cũng được thay đổi. Khả năng lặn và hoạt động dưới nước cũng được cải tiến rất nhiều. Tàu được sơn màu vàng. Nhìn chung phiên bản này được cải tiến để có thể phục vụ du khách một cách hiệu quả nhất.”
Ông Phan Bội Trân, chủ nhân tàu ngầm mini Yết Kiêu
“Hiện tại công ty du lịch của Malaysia đã đặt mua của tôi 4 chiếc tàu 2 người ngồi, ngoài ra còn một tàu mẹ đang được sản xuất. Tàu mẹ có khả năng chứa bốn tàu ngầm mini. Nó sẽ chở 4 tàu này từ cầu cảng ra bãi san hô là địa điểm du lịch, sau đó hệ thống thang máy của tàu mẹ sẽ đưa 4 tàu con xuống nước, du khách bắt đầu điều khiển tàu đi thăm quan rặng san hô đó.
Khi kết thúc chuyến thăm quan, du khách được các tời của tàu mẹ kéo về định vị tại các vị trí cố định rồi được kéo lên tàu như trước.” – Ông Phan Bội Trân miêu tả cụ thể.
Chủ nhân của sáng chế này cho biết thêm, hiện ông đang chuẩn bị thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ với mô hình tổ hợp tàu mẹ - tàu ngầm mini du lịch này nên không thể công bố được hình ảnh của chúng.
Nỗi buồn của chủ nhân tàu ngầm Yết Kiêu
Dù chủ nhân của con tàu đã có được lợi nhuận từ sản phẩm chất xám của mình, nhưng ông Phan Bội Trân vẫn còn đó những nỗi buồn. Ông chia sẻ:
“Trước khi chào hàng tới các đối tác nước ngoài, tôi đã bắt đầu với các công ty của Việt Nam trước. Lợi thế du lịch của Việt Nam là không hề nhỏ, từ những bải biển đẹp nổi tiếng như Nha Trang, Mũi Né, Cù Lao Chàm… và các rặng san hô gần bờ, đều có thể áp dụng được. Các công ty của Việt Nam cũng rất thích thú với ý tưởng này, nhưng họ còn rất nhiều thứ phải e ngại.”
Tàu ngầm Yết Kiêu trong cuộc thử nghiệm dưới hồ bơi của học viện hải quân, hiện tại chưa thể cung cấp hình ảnh mới nhất của phiên bản du lịch được xuất khẩu.
"Tôi ví dụ, ở Malaysia, các rặng san hô của họ được quy hoạch chỉ để phục vụ du lịch và được bảo tồn rất tốt, nhưng Việt Nam không có những quy hoạch như thế, tàu ngầm bơi dưới nước sợ va phải tàu nổi đi trên mặt nước là chuyện đương nhiên.
Chưa kể Việt Nam chưa có cơ chế đăng kiểm đăng ký cho tàu ngầm mini du lịch, vì thế phát triển loại hình này còn là một điều cực kỳ khó khan ở nước ta. Chúng ta đã bỏ lỡ một lơi thế.” – Ông Trân chia sẻ.
Ông Phan Bội Trân bày tỏ: “Tôi buộc phải đưa tàu ngầm của mình bán ở nước ngoài, dù đối mặt với nguy cơ bị sao chép công nghệ rất cao, nhưng không còn cách nào khác, phải nói rằng từ chính phủ cho đến tư nhân của họ, họ nhìn nhận rất nhạy những vấn đề mang lại lợi ích kinh tế ngay lập tức.”
Theo Minh Tú (Baodatviet.vn)