Người dân xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình đang vô cùng bức xúc về việc gần 500 con em học sinh của mình có nguy cơ phải vào chợ ngồi học vì dự án giải tỏa trường để làm đường giao thông.
Theo thông tin từ người dân xã Thái Phương, (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), để hoàn thành dự án đường cao tốc Thái Bình – Hà Nam đi qua địa phận xã, ban quản lý dự án đã đưa Trường tiểu học Thái Phương vào diện quy hoạch để giải phóng mặt bằng.
Sau gần 5 năm thực hiện, khi đến giai đoạn giải tỏa trường để làm đường, ngôi trường mới của các em vẫn chưa được khởi công xây dựng.
Dự án đường cao tốc Hà Nam - Thái Bình |
Con đường thi công chạy qua ngôi trường Tiểu học Thái Phương |
Các em học sinh vui chơi trước cổng trường Tiểu học Thái Phương |
Để đảm bảo cho việc giải tỏa, ban quản lý dự án đã có phương án chuyển tất cả gần 500 em học sinh vào tầng 3 của một khu chợ để học.
Việc con em mình phải rời trường cũ trong khi chưa có trường mới khiến nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc. Chị Trần Thị Nga, một người dân sống gần trường cho biết: “Người ta có kế hoạch giải tỏa 5 năm rồi nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa xây dựng được trường học mới cho các cháu. Bắt các cháu vào chợ ngồi học là không thể chấp nhận được”.
Chị Trần Thị Nga (ngoài cùng bên trái) chia sẻ với PV |
Khi thấy phóng viên báo Người Đưa Tin tới tìm hiểu sự việc, rất nhiều bà con trong xã đã kéo tới để phản ánh nỗi bức xúc của mình.
“Người dân chúng tôi chỉ mong muốn báo chí phản ánh đúng sự việc, giúp cho con em chúng tôi có trường để học. Chúng tôi không phản đối việc làm đường, thậm chí còn rất ủng hộ xây dựng. Khi UBND xã Thái Phương có lệnh thu hồi đất để xây trường, người dân đã đồng tình ủng hộ và bỏ ra hơn 20 nghìn mét vuông đất. Thậm chí, chúng tôi còn sẵn sàng đóng góp thêm tiền để xây trường mới nhưng chính quyền đâu có ngó ngàng tới”, ông Nguyễn Duy Khuê – một phụ huynh có con em học trong trường Tiểu học Thái Phương chia sẻ với Phóng viên như vậy.
Cụ Phạm Văn Mịch bức xúc với việc các cháu nhỏ sẽ phải học ở trong chợ |
“Chợ là nơi ồn ào, nơi buôn bán của hàng tôm, hàng cá. Trên tầng 3 lại nhỏ hẹp và nóng bức. Về mọi mặt là không phù hợp cho việc học tập của các cháu”, cụ Phạm Văn Mịch chia sẻ.
Trong khi trụ sở UBND xã đang được xây mới thì gần 500 em học sinh đang có nguy cơ phải vào trong chợ để ngồi học. |
Trao đổi với phóng viên, cô Lê Thị Phương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thái Phương cho biết: Về vấn đề cơ sở vật chất của trường học khi phải chuyển xuống "Trung tâm thương mại" thì trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Các thầy cô giáo chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn không thể can thiệp sâu được.
"Là một cô giáo, tôi bao giờ cũng muốn thuận lợi cho học sinh và các giáo viên trong trường. Phụ huynh họ kiến nghị xây trường rồi mới cho học sinh chuyển sang cũng là lý do chính đáng. Nếu được như vậy thì quá tốt. Trước mắt, chúng tôi cũng vận động phụ huynh để họ thông cảm”, cô Phương chia sẻ thêm.
Trước những bức xúc của người dân, ông Bùi Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: “Người dân không ủng hộ và đồng tình nên chúng tôi đang rất đau đầu về việc này. Đây là dự án giao thông Quốc gia nên UBND xã chỉ đóng vai trò thống kê đền bù và vận động người dân là chính. Xã Thái Phương vẫn đang chờ chỉ đạo từ phía UBND huyện Hưng Hà. Còn bây giờ chưa có quyết định cụ thể nên chúng tôi không thể trả lời gì thêm”.
Bản đồ quy hoạch dự án đường cao tốc Thái Bình- Hà Nam đã có cách đây gần 5 năm |
Cũng theo thông tin mà PV có được, tuyến đường kể trên dài 26,2km chạy qua ba huyện Hưng Hà (20,2Km), Đông Hưng (1,2Km), Quỳnh Phụ (4.8Km) do UBND tỉnh Thái Bình quản lý và giao cho UBND các huyện thực hiện công tác GPMB. Dự án này do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh (Công ty Phương Anh) là đơn vị thi công.
Dự án trên được khởi công từ đầu năm 2011 đến nay. Trong khi, huyện Đông Hưng và Quỳnh Phụ đã giải phóng mặt bằng xong thì huyện Hưng Hà vẫn còn 440 mét vuông ở các điểm: Trường Tiểu học Thái Phương, Trạm y tế xã Thái Phương và Cụm công nghiệp Đồng Tu.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Kim Thược – Công Luân