(Tinmoi.vn) Từ ngày 18/6, Trung Quốc lại ngang ngược đưa thêm giàn khoan loại nửa chìm nửa nổi có tên "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải 9) ra biển Đông. Vậy, thế nào là giàn khoan nửa chìm nửa nổi ?.
Video: Cận cảnh thiết kế giàn khoan nửa nổi nửa chìm
Thông tin trên website Cục Hải sự Trung Quốc cho biết giàn khoan Nam Hải 9, sẽ di chuyển từ tọa độ 17 độ 38 vĩ Bắc, 110 độ 12,3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông trong thời gian từ ngày 18 đến 20/6.
Giàn khoan Nam Hải 9, di chuyển với tốc độ 4 hải lý/giờ.
Giàn khoan dầu Nam Hải 9 của Trung Quốc đang đưa ra biển Đông. Ảnh: Chinanews. |
Giàn khoan này là loại nửa chìm nửa nổi, thuộc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Trang Ifeng đưa tin, giàn khoan được cho là di chuyển khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.
Vậy, thế nào là giàn khoan nửa chìm nửa nổi?.
Kỹ sư Đỗ Thái Bình Hội KHKT Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME). |
Theo kỹ sư Đỗ Thái Bình Hội KHKT Biển TP HCM, Thành viên Hội Đóng tàu Mỹ (SNAME): Giàn khoan nửa chìm nửa nổi, còn gọi là Giàn khoan bán tiềm thủy là một công trình nổi trên biển chuyên dụng để khoan thăm dò và khai thác dầu khí, có dạng bè mảng nửa chìm nửa nổi nên có khả năng tự ổn định tốt trong môi trường biển và đại dương. Giàn khoan này được sử dụng trong các môi trường biển đặc biệt như các giàn khoan xa bờ, tàu an toàn, giàn khai thác dầu và cẩu hạng nặng.
Có nhiều kiểu công trình biển để thăm dò khai thác dầu ngoài khơi. |
Để thăm dò và khai thác dầu mỏ, người ta dùng nhiều công trình ngoài khơi (offshore unit) khác nhau như giàn cố định (fixed platform); tháp ưng thuận (compliant tower); giàn chân căng (tension-leg platform); giàn spar (spar platform); giàn nửa chìm (semi-submersible rig); giàn chân chống/giàn tự nâng (Jack up-drilling rig )...
Giàn nửa chỉm thích hợp khai thác vùng nước sâu. |
Sở dĩ, gọi là giàn nửa chìm vì nó nửa chìm nửa nổi trên mặt nước. Phần chìm dưới nước bao gồm những chiếc pông tông tức phao tạo lực nổi để đỡ phần thượng tầng bên trên. Thượng tầng lại tựa lên pông tông bằng các cột chống.Trên thượng tầng là nhiều tầng boong khác nhau ,bố trí các thiết bị để khoan thăm dò hay khai thác (giàn Đại Hùng 01 của Việt Nam là giàn khai thác), tầng sinh hoạt, tầng điều khiển, điều khiển hàng hải... và nổi bật là tháp giá khoan derrick vươn lên cao.
Sơ đồ giàn khoan nửa chìm nửa nổi. |
Pông tông không chỉ tạo sức nổi mà trong nó chứa nhiều trang thiết bị, trong đó có thiết bị động lực để làm cho các chân vịt lái (thruster) hoạt động. Chân vịt lái này rất quan trọng, nó giúp cho giàn khoan đứng nguyên tại vị trí đã định bằng phương pháp định vị động học DP (dynamic positioning). Bởi vậy, giàn nửa chìm là công cụ không thể thiếu được trong việc chinh phục độ sâu khi khai thác dầu khí.
Khi khoan trong môi trường nước sâu hơn khoảng 120 m các hệ thống vận hành thường được lắp đặt trên một công trình nổi, vì các kết cấu cố định thì không khả thi.
Giàn khoan bán tiềm thủy đạt được những tiêu chí đấy do khả năng nổi của nó dựa trên các phao dằn chìm dưới mặt biển để tránh tác động của sóng. Kết cấu thượng tầng (phần nổi bên trên) có thể được điều chỉnh cao hơn mặt nước biển do khả năng ổn định của nó như đã được thiết kế, và do đó phần nổi được giữ ổn định khỏi tác động của sóng. Các cấu trúc cột liên kết các phao và phần nổi.
Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đưa và hoạt động trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng thuộc loại giàn nửa nổi nửa chìm. |
Với một cấu trúc đồ sộ nằm ở một độ sâu cho trước dưới mực nước biển, giàn khoan bán tiềm thủy ít chịu tác động của áp lực sóng hơn tàu bình thường. Với một vùng mặt nước nhỏ, giàn khoan bán tiềm thủy nhạy cảm đối với các thay đổi về tải trọng, và do đó phải cẩn thận chọn chiều của lực để duy trì độ ổn định. Không giống như tàu ngầm, trong khi vận hành bình thường, giàn khoan nửa nổi nửa chìm không bao giờ chìm hoàn toàn trong nước.
Khi khi khai thác mỏ dầu xa bờ, giàn khoan bán tiềm thủy được sử dụng với chức năng khoan và khai thác.
Đức Thuận