(Tinmoi.vn) Theo trang web Cục Hải sự Trung Quốc ngày 17/6, nước này sẽ tiếp tục tung giàn khoan thứ 2 ra biển Đông từ ngày 18-20/6.
Giàn khoan thứ 2 này có tên Nam Hải số 9, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi của Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC), được cho là đưa ra khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo ifeng.com, trang thông tin của Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông) ngày 18/6.
Tuy nhiên, trang này cũng chưa cho biết thêm thông tin về giàn khoan thứ 2 nói trên.
Giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc đang hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa Việt Nam
Trong buổi tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì chiều 17/6 tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay tới nhân dân Việt Nam, quan hệ song phương cũng như tình hình khu vực.
Tổng Bí thư khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi. Ông đề nghị khẩn trương trao đổi để có các giải pháp sớm ổn định tình hình, tạo tiền đề cho các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ lợi ích hai nước, trên cơ sở các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tiếp tục nói rằng Trung Quốc hết sức coi trọng và luôn mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, ổn định lâu dài với Việt Nam; mong muốn hai bên tiếp tục bàn bạc để giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề trên biển. Ông Dương nhất trí cần tiếp tục duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, cùng nỗ lực giữ gìn quan hệ Việt - Trung phát triển.
Tuy nhiên, trái ngược với những gì ông Dương tuyên bố, Trung Quốc vẫn quyết không từ bỏ dã tâm với Biển Đông. Một Hải Dương 981 là chưa đủ, tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ngày càng lộ rõ và giàn khoan thứ hai này là một minh chứng.
Đầu tháng 6/2014, báo mạng Hải Dương Trung Quốc (ocean.china.com.cn) từng đưa tin Trung Quốc đang ồ ạt đóng giàn khoan với ít nhất 3 giàn khoan lớn Hải Dương - 982, 943 và 944 với tổng trị giá lên tới 6,65 tỉ tệ (khoảng 1 tỉ USD), như một công cụ đắc lực phục vụ cho tham vọng bá quyền trên biển Đông.
Hải Dương-982 sẽ được thiết kế là một giàn khoan nước sâu nửa chìm nửa nổi thế hệ mới, đáp ứng được mọi điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất trên biển Đông. Với tuổi thọ dự tính 25 năm, giàn khoan Hải Dương-982 được thiết kế phù hợp hoạt động ở độ sâu tới 1.500 m ở mọi vùng biển trên thế giới, khoan sâu tối đa tới 9.144 m, mang hệ thống định vị động lực DP3, và dự tính sẽ được bàn giao vào tháng 8.2016.
Giàn khoan Hải Dương-943 sẽ được thiết kế là giàn khoan tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa là 122 m, và có thể khoan sâu tối đa tới 10.668 m.
Giàn khoan Hải Dương-944 cũng sẽ được thiết kế là giàn khoan tự nâng, chủ yếu hoạt động ở các khu vực đất mềm, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa là 122 m, có thể khoan sâu tối đa tới 9.144 m. Hai giàn khoan Hải Dương-943 và Hải Dương-944 dự kiến sẽ lần lượt được hoàn thiện vào tháng 9 và tháng 10.2015.
Như vậy ngoài 3 giàn khoan mới chính thức được công bố, có khả năng Trung Quốc đã âm thầm đóng tiếp không ít các giàn khoan khác. Việc đóng các giàn khoan này được liệt là 1 trong “10 chương trình trọng điểm” của Trung Quốc và chính lãnh đạo Tập Cận Bình có lần đã tới tận nơi để kiểm tra động viên.
Theo nhiều chuyên gia, việc TQ hạ đặt giàn khoan tại vùng biển Việt Nam, không chỉ có mục tiêu thăm dò dầu khí, mà có thể còn đặt mốc chủ quyền của TQ dưới đáy biển, để sau này có thêm “bằng chứng”. Sau Hải Dương 981, việc đặt thêm một giàn khoan trên Biển Đông cũng giống như các cường quốc đã cắm cờ trên Mặt trăng hay cắm cờ dưới đáy Bắc Băng Dương, một kế hoạch cực kỳ thâm độc của Bắc Kinh trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Yên Yên