Những đổi mới của đề thi môn ngữ văn khiến môn này được quan tâm bậc nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Các giáo viên giàu kinh nghiệm chia sẻ một số lưu ý để thí sinh tự tin bước vào kỳ thi
Với việc đổi mới cách thức ra đề thi và rút ngắn thời gian xuống còn 120 phút, dù đã sát ngày thi nhưng cả giáo viên và thí sinh đều khá lo lắng với môn ngữ văn.
Không nên quá lo lắng
Cô Vũ Thị Bình, tổ phó tổ văn Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), cho rằng đề thi sẽ mang tính tổng quát, kiểm tra kiến thức toàn diện nên giáo viên của trường chỉ biết nhắc nhở học sinh ôn luyện tất cả bài văn, bài thơ của chương trình sách giáo khoa THPT.
Trong khi đó, rất nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng với môn thi này. “Không biết bài kiểm tra kỹ năng đọc - hiểu có thể ra ngoài sách giáo khoa có quá sức với bọn em hay không vì thời gian làm bài giảm từ 150 phút còn 120 phút” - một học sinh Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội băn khoăn.
Trước lo lắng của học sinh, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), nhận định với phần đọc hiểu, thí sinh không nên quá lo sợ, chỉ cần thể hiện được nội dung chính của văn bản là có điểm. Người ra đề sẽ không đưa những câu đánh đố. Đề sẽ ra ở mức vừa phải, chỉ cần giữ được bình tĩnh thì thí sinh sẽ làm được bài.
Về kỹ năng, cô Nguyễn Kim Anh cho rằng thí sinh phải xác định vấn đề, trả lời câu nào trúng câu nấy, có khi chỉ là một dòng. Quan niệm viết dài là có điểm hoàn toàn sai lầm. Không nên viết dẫn giải dài dòng vì sẽ làm cho người chấm bài khó nhặt điểm, thậm chí khiến thí sinh bị “lạc”. Đọc hiểu nhanh gọn, chính xác, viết ngắn là tốt nhất.
Cô Nguyễn Thị Hoàng Mai, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM, cho rằng theo tinh thần đổi mới, có thể đề sẽ chỉ cho 1 câu thay vì 2 câu để thí sinh lựa chọn. Thí sinh hãy cứ bình tĩnh vì dù đổi mới, đề cũng sẽ không ra những gì ngoài kiến thức mà các em đã được học. Để làm được đề thi, thí sinh hãy đọc kỹ văn bản, gạch dưới những từ hoặc cụm từ quan trọng. Hãy đặt ra những câu hỏi và tìm câu trả lời. Những câu hỏi cần đặt ra như: Văn bản này viết về nội dung gì? Tác giả muốn nói điều gì?...
Bộc lộ lòng yêu nước bằng lý trí
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết có thể sẽ ra 1 câu phần nghị luận văn học, 1 câu phần nghị luận xã hội. “Thí sinh khi làm nghị luận xã hội phải kết hợp nghị luận văn học để liên hệ với những nhân vật văn học mang phẩm chất ấy. Nếu làm nghị luận văn học thì cũng phải mở rộng ra nội dung nghị luận xã hội” - cô Kim Anh nhấn mạnh.
Các giáo viên cho rằng những vấn đề mang tính thời sự như tình hình biển đảo và chủ quyền của đất nước có thể sẽ xuất hiện trong đề thi dưới dạng đề văn nghị luận xã hội hoặc tích hợp giữa đề nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
Theo cô Hoàng Mai, ở dạng đề gắn liền với các vấn đề mang tính thời sự, thí sinh nên ôn kỹ các tác phẩm như Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành… Ví dụ: Từ những câu thơ trong đoạn trích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, em hãy trình bày những suy nghĩ và nhận thức của mình về trách nhiệm và ý thức của giới trẻ hiện nay trước các vấn đề của đất nước? Với dạng đề này, thí sinh hãy bắt đầu bằng việc phân tích thơ, từ đó nêu lên những suy nghĩ của mình.
Cô Nguyễn Kim Anh cũng lưu ý thí sinh xu hướng kết hợp vừa nghị luận văn học vừa nghị luận xã hội. Ví dụ: Phân tích một đoạn thơ trong bài Tây tiến (Quang Dũng) và suy nghĩ của em về lòng yêu nước trong thời nay. Trong trường hợp này, thí sinh cần hết sức tỉnh táo, phân tích văn học trước, sau đó mới nói đến cuộc đời, liên hệ thực tế.
“Theo tôi, dù đề thi có ra vấn đề biển đảo hay chỉ nói về lòng yêu nước thì học sinh cũng phải có những kiến thức về biển đảo để đưa vào. Tuy nhiên, hãy bộc lộ lòng yêu nước trong bài văn một cách lịch sự, có văn hóa, có lý trí chứ đưa vào bài thi những lời quá khích thì sẽ bị mất điểm” - cô Kim Anh khuyên.
Xem thêm video đang được theo dõi nhiều trên tinmoi.vn: Học sinh cấp 2 đánh nhau như phim chưởng