Liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, ông Lê Công Lý, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết: “Đến thời điểm này vẫn chưa xác định được ông Thanh đang ở đâu".
Ông Trịnh Xuân Thanh vẫn không có mặt theo thư triệu tập
Sáng ngày 13/9, trên báo Người lao đông đưa tin, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, xác nhận ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) vẫn chưa xuất hiện tại Hậu Giang theo thư triệu tập của lãnh đạo Tỉnh ủy.
Ngoài ra, ông Trần Công Chánh cũng xác nhận ngoài bì thư của lá đơn xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh được chuyển đến từ bưu cục trong nước chứ không phải chuyển đến từ nước ngoài.
Hôm nay ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt ở Hậu Giang
Dân trí đưa tin, theo công văn triệu tập của Tỉnh ủy Hậu Giang, ngày hôm nay 13/9, ông Trịnh Xuân Thanh phải có mặt tại Hậu Giang để giải quyết những vấn đề có liên quan.
Trước đó, ngày 8/9, ông Lê Công Lý – Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, sau khi nhận được đơn xin ra khỏi Đảng của ông Trịnh Xuân Thanh, Văn phòng Tỉnh ủy đã gửi công văn triệu tập đến tận nhà riêng của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Thanh đề nghị ngày 13/9 ông Thanh phải có mặt ở Hậu Giang để giải quyết các vụ việc liên quan.
Hậu Giang cũng đã cử cán bộ ra nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh ở Hà Nội để tìm ông này nhưng không thấy. Đến chiều ngày hôm qua 12/9, Hậu Giang vẫn chưa biết ông Trịnh Xuân Thanh ở đâu, cũng như chưa nhận được phản hồi đơn triệu tập của ông Thanh.
Theo một lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang, nếu ngày hôm nay ông Thanh vẫn không có mặt tại Hậu Giang để làm việc theo công văn triệu tập thì Tỉnh ủy Hậu Giang sẽ báo cáo gửi Trung ương.
Ông Trịnh Xuân Thanh vẫn bặt vô âm tín
Thông tin trên Vietnamnet, ông Lê Công Lý - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, hiện vẫn chưa biết chính xác ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu.
“Tuần rồi chúng tôi đã cử cán bộ ra nhà riêng của anh Thanh ở Hà Nội để hỏi về tình hình sức khỏe của anh ấy, đồng thời muốn thăm hỏi gia đình nhưng không gặp được. Hiện không rõ anh Thanh đang ở đâu, còn thông tin anh ấy ở nước ngoài, Tỉnh ủy không rõ và không có cơ sở về chuyện này”, ông Lê Công Lý nói.
Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang cũng cho biết thêm, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa hồi đáp công văn triệu tập của Tỉnh ủy gửi trước đó.
Hậu Giang lên tiếng về thông tin ông Trịnh Xuân Thanh đang ở Đức
Trả lời cơ quan báo chí về thông tin trên mạng xã hội có hình ảnh chụp ông Thanh, cho rằng ông này đang ở nước ngoài, mà cụ thể là ám chỉ vị này đang ở Đức, ông Lê Công Lý - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang nói: “Hiện cũng không rõ ông Thanh đang ở đâu và thông tin cho rằng đang ở Đức thì Tỉnh ủy cũng không rõ và không có cơ sở về chuyện này”, Dân Việt dẫn lời ông Lê Công Lý cho biết
Về thời hạn trong thư triệu tập mà Tỉnh ủy Hậu Giang đưa ra là ngày 13/9 ông Thanh phải có mặt tại Hậu Giang để giải quyết các vấn đề có liên quan, ông Lý thông tin: “Đến thời điểm hiện nay ông Thanh chưa hồi đáp thư triệu tập của Tỉnh ủy, và không rõ ông này đang ở đâu, tuy nhiên thời hạn theo thư triệu tập chưa hết nên sẽ phải chờ đến ngày 13/9”.
Ông Trịnh Xuân Thanh không thuộc quyền quản lý địa phương
Trao đổi với PV báo Tiền phong online, về việc ông Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác từ Hà Nội vào Hậu Giang có làm thủ tục chuyển đổi hộ khẩu, khai báo tạm trú, tạm vắng theo quy định hay không? Đại diện Công an phường Phú Thượng, Tây Hồ cho rằng: Ông Trịnh Xuân Thanh là cán bộ T.Ư do T.Ư quản lý, chính vì thế việc đi đâu, ở đâu, làm gì, địa phương không nắm được.
Cử người ra nhà riêng nhưng không gặp
Thông trên báo Người lao động, Ngày 10/9, một lãnh đạo của Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết đã cử cán bộ của Tỉnh ủy ra tận nhà riêng ở TP Hà Nội để tìm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyện Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, cán bộ này đành quay về do không gặp được ông Thanh. Vì thế, mục đích tìm gặp để thăm hỏi sức khỏe của ông Thanh thế nào đã không thực hiện được.
Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh Internet |
Khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh khỏi Đảng: Chỉ là bước đầu
Theo tin trên báo Đất Việt, bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của QH cho biết xét về mặt Đảng thì hình thức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng là cao nhất, thể hiện sự cương quyết của Ban Bí thư.
“Những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh thì Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận đầy đủ và rõ ràng rồi. Việc xin ra khỏi Đảng chỉ được xem xét khi Đảng viên chưa đến mức khai trừ. Còn với vi phạm của ông Thanh đến mức nhận quyết định khai trừ thì không ai xét đến đơn ra khỏi Đảng cả.
Về phía Đảng tôi thấy đó là mức cao nhất. Nhưng sau khi Đảng xử lý rồi thì chính quyền sẽ tiếp tục xem xét. Nếu có dấu hiệu hình sự thì họ khởi tố vụ án, còn nếu sai phạm hành chính thì họ xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức. Việc này phải chờ các cơ quan chức năng làm việc”, bà Thu Ba nhấn mạnh.
Làm rõ ai 'nâng đỡ' ông Trịnh Xuân Thanh
Trả lời báo Tiền phong online, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói: “Cần phải làm rõ sự liên quan của các tổ chức, cá nhân khi đã không kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm mà còn điều động, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang vào các vị trí cao hơn”.
Trước câu hỏi của PV về việc để xảy ra thua lỗ nghiêm trọng nhưng ông Trịnh Xuân Thanh không những không bị xử lý trách nhiệm mà còn liên tiếp thăng tiến, được bổ nhiệm đến chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Nếu không có sự nâng đỡ thì liệu rằng ông Thanh có leo cao đến được như thế không.
Ông Vũ Quốc Hùng cho biết: "Đây cũng là vấn đề mà tôi muốn các cơ quan, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Sai phạm rõ ràng như thế nhưng tại sao các tổ chức, đơn vị không nhắc nhở, xử lý ông Trịnh Xuân Thanh mà lại còn sử dụng, bố trí, điều chuyển ông này lên chức vụ cao hơn, khiến sai phạm ngày càng lớn hơn. Đáng nhẽ, khi phát hiện PVC thua lỗ, sai phạm thì phải chấn chỉnh ngay từ đầu, sai phạm đâu có lớn đến như bây giờ. Vì thế cần phải làm rõ sự liên quan của các tổ chức, cá nhân khi đã không kịp thời ngăn chặn mà còn suy tôn, cổ vũ, sử dụng ông Trịnh Xuân Thanh ở các vị trí cao hơn.
Vụ việc này cũng cần phải làm rõ có lợi ích nhóm không, hay chỉ là vô trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Tất cả các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra, tạo điều kiện cho ông Trịnh Xuân Thanh thăng tiến phải kiểm điểm làm rõ. Phải chăng vì được “bảo vệ” nên ông Trịnh Xuân Thanh nhờn luật để rồi khi làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thì lại ngông nghênh gắn biển xanh vào xe tư đi lại?".
Ông Trịnh Xuân Thanh: Từ Phó Chủ tịch tỉnh đến khi bị khai trừ Đảng
Thông tin trên Infonet, ông Trịnh Xuân Thanh được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và tiếp tục được giới thiệu tái ứng cử chức Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại cuộc bầu cử QH khóa 14 diễn ra vào tháng 5/2016, ông Trịnh Xuân Thanh cũng trúng cử ĐBQH với số phiếu bầu cao.
Nhưng “sự nghiệp làm quan” của ông bắt đầu có ngã rẽ sau khi một tờ báo đăng bài viết “Xe tư nhân gắn biển xanh và “di sản” của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang”.
Sau khi có bài viết trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc điều tra, làm rõ. Ngay lập tức, sự chỉ đạo kịp thời này của Tổng Bí thư đã nhận được sự ủng hộ tích cực của dư luận.
Thời điểm đó, giải thích cho hành vi lắp biển số sai quy định của mình, ông Trịnh Xuân Thanh cho biết, chiếc xe Lexus là của em bà con bên vợ tên Nguyễn Đặng Toàn. Khi ông vào Hậu Giang công tác, vì không có xe nên mượn chiếc ô tô Lexus 570 của Toàn và chủ xe này cũng đồng ý làm tài xế riêng.
Ngày 15/6, sau một thời gian điều tra, Ban Tổ chức trung ương yêu cầu Hậu Giang tạm dừng bầu cử chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Sau đó một ngày (16/6), ông Thanh có đơn xin vắng mặt tại phiên họp đầu tiên HĐND tỉnh khóa mới và nộp đơn xin không tái cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Gần một tháng sau, chiều 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về kỳ họp thứ IV và thứ V. Theo đó, tại 2 kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
Từ sai phạm trong việc sử dụng biển số xe công không đúng, sau khi vào cuộc kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu ra hàng loạt sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh.
Sau đó, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp bất thường bỏ phiếu kín không công nhận tư cách ĐBQH với ông Trịnh Xuân Thanh.
Đầu tháng 8/2016, ông Trịnh Xuân Thanh có đơn xin thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang nghỉ phép 1 tháng để trị bệnh gout. Tuy nhiên đến nay, theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, đã hết thời gian nghỉ phép (vào ngày 3/9) nhưng ông Thanh vẫn chưa trở lại Hậu Giang công tác.
Ngày 8/9, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem xét thi hành kỷ luật ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011-2016.
K. Duy (tổng hợp)