Khi bị CSGT yêu dừng xe để xử lý vi phạm, thay vì chấp hành hiệu lệnh, các tài xế liên tục lạng lách, đánh võng hòng hất người chiến sỹ CSGT lên nóc capo, thậm chí tông trực diện vào họ.
Tài xế hất cảnh sát lên nắp capo, kéo lê 100m trên đường
Trước đó, thông tin về một chiến sỹ CSGT bị tài xế "xe điên" hất lên nắp capo, kéo lê 100m trên đường đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Theo đó, trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ cảnh sát trật tự (CSTT) - Công an thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh phát hiện xe ô tô mang BKS 38A – 05711 dừng đỗ trái quy định tại đường Phan Đình Phùng (đoạn trước siêu thị Coop Mart, TP Hà Tĩnh) đã yêu cầu lái xe xuống xuất trình giấy tờ để kiểm tra. Tuy nhiên, tài xế này đã ngồi lì trong xe sau đó khóa cửa xe rồi bỏ vào siêu thị Coop Mart.
Khoảng 5 phút sau, đối tượng này quay trở lại rồi bất ngờ điều khiển xe bỏ chạy. Mặc cho phía trước đầu xe đang có 2 chiến sỹ cảnh sát, tài xế này vẫn nổ máy lao thẳng vào lực lượng CSTT, hất một chiến sĩ cảnh sát lên nắp capo rồi bỏ chạy.
|
Chiếc xe ô tô bị bắt giữ sau khi hất tung 1 chiến sỹ CSTT rồi bỏ chạy. Ảnh: báo VTC News |
Khi chiếc xe kéo lê cảnh sát bỏ chạy được khoảng 100m thì bị quần chúng nhân dân chặn lại. Rất may cảnh sát này không bị thương. Sự việc đã khiến rất nhiều người đi đường vô cùng bức xúc và hoảng loạn.
Sau khi bị chặn giữ, tài xế này vẫn cố thủ trong xe không chịu ra ngoài. Mãi sau tài xế này mới chịu ra khỏi xe và làm việc với cơ quan công an. Danh tính tài xế sau đó được xác định là Nguyễn Tuấn Hảo (SN 1972, trú Phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh).
Hàng loạt vụ CSGT bị đe dọa tính mạng
Tháng 12/2008, đang chờ khách trên đường Tây Hồ, bị 2 cảnh sát 113 yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài xế Tùng của một hãng taxi đã nhấn ga, hất cảnh sát lên nóc capo.
Sáng 2/4/2009, đang trực tại nút giao thông Nguyễn Thái Học (Hà Nội) phát hiện một ôtô vượt đèn đỏ, thiếu úy Trần Khánh Hùng, Đội CSGT số 3 ra đứng đầu xe chặn lại. Ngay lập tức tài xế điều khiển xe lao thẳng, hất cảnh sát này lên nóc capo.
Sáng 21/6/2009, tại ngã tư Bùi Thị Xuân - Trần Nhân Tông (Hà Nội), bị yêu cầu xuất trình giấy tờ vì phạm luật, tài xế một hãng taxi bất ngờ lao thẳng, hất một cảnh sát 113 lên capo. Sau màn lạng lách, vượt đèn đỏ dài 5 km, tài xế mới giảm ga để cảnh sát này nhảy xuống.
|
Chiếc xe hất gọn chiến sĩ công an lên nắp capô. Ảnh: báo VnExpress |
Ngày 20/1/2010 khi kiểm tra một xe taxi đỗ sai quy định trên phố Láng Hạ (Hà Nội), trung úy Nguyễn Việt Anh, Đội CSGT số 3 đã bị tài xế taxi hãng CP Hà Nội đẩy lùi đi trên đường 100 m. Cách đây gần 3 năm, trung úy Việt Anh cũng từng bị một tài xế taxi hất lên capo.
Một chiếc xe chống đối lực lượng CSGT. Ảnh: báo Nông nghiệp Việt Nam |
Ngày 30/6/2011, phát hiện xe một xe taxi vượt đèn đỏ. Thiếu úy tên Long ra hiệu lệnh, yêu cầu tài xế dừng xe. Lái xe taxi sau đó đã dừng lại cho khách xuống, rồi bất ngờ Nguyễn Đức Long (tài xế) nhấn ga bỏ chạy và lao thẳng xe về phía trước khiến chiến sĩ CSGT bị hất lên nắp capô.
|
Phần kính bị rạn vỡ. Ảnh: báo Vietnamnet |
Tuy nhiên, nữ tài xế điều khiển chiếc taxi trên còn cho xe đâm thẳng và hất tung một chiến sĩ công an lên nóc capo. Cú đâm trực diện khiến chiến sĩ này lăn mạnh va vào phần kính trước của xe. Phần kính chắn gió phía trước của chiếc xe ô tô đã bị hư hỏng nặng.
Ngày 31/1/2013, công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm nhiệm vụ ở khu vực gần chùa Hà phát hiện một chiếc taxi đi vào đường cấm đã ra hiệu dừng lại để kiểm tra. Tài xế không chấp hành, phóng bỏ chạy ra phố Trần Đăng Ninh và hất thượng úy Nguyễn Ngọc Dũng lên nóc capô. Bị lực lượng chức năng và người dân truy đuổi, tài xế phóng về hướng đường Nguyễn Phong Sắc với tốc độ cao. Đến đầu làng quốc tế Thăng Long, chiếc taxi tông vào một xe máy và một xe đạp khiến hai phương tiện này văng lên vỉa hè. Một phụ nữ bị đâm khiến bất tỉnh.
|
Chiếc taxi tại hiện trường. Ảnh: báo Vnexpress |
Bỏ chạy tiếp khoảng 50 mét, tài xế đã bị chặn lại. Trước khi dừng xe, anh ta còn đâm vào đuôi xe Dream khiến một cụ bà ngã xuống đường.
Lãnh đạo công an phường Dịch Vọng cho biết lái xe taxi là Đỗ Xuân Nam (33 tuổi) đang bị tạm giữ.
Ngày 3/3/2015, tổ tuần tra, xử lý vi phạm giao thông đường bộ Công an TP Vĩnh Yên đang làm nhiệm vụ trên tuyến đường Mê Linh (phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên) phát hiện xe ôtô BKS: 88A- 036.33, do một người phụ nữ điều khiển có dấu hiệu vi phạm tốc độ nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Tuy nhiên, nữ tài xế này tỏ vẻ bất hợp tác và bỏ lên xe ngồi.
Đinh Thị Hương Thùy tại cơ quan điều tra (ảnh nhỏ). Ảnh: báo Công an nhân dân |
Khi thấy chiến sĩ Nguyễn Quang Trung đang đứng trước đầu xe ô tô 88A - 036.33, nữ tài xế Đinh Thị Hương Thùy vẫn điều khiển xe ô tô bỏ đi và đâm vào anh Trung làm anh bị hất lên nắp capô, buộc phải nắm vào cần gạt nước của xe. Lái xe chỉ chịu dừng lại khi bị người dân và Công an chặn lại trước cổng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cách vị trí vi phạm 1000 m.
Thực tế cho thấy, nhiều khi người tham gia giao thông vi phạm quy định đã chống đối, lăng mạ, hành hung lực lượng chức năng, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông nói chung và gây bức xúc trong dư luận xã hội…
Trong những trường hợp đó, hành vi vi phạm của những người tham gia giao thông trước hết tùy từng lỗi mà sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26-5-2016 của Chính phủ.
Riêng đối với hành vi chống đối, lăng mạ, hành hung người đang làm nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ của người có hành vi vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra điều tra xử lý hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”. Nếu hành vi hành hung ấy dẫn đến thương tích cho người thi hành công vụ thì có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích.
Tình trạng chống lại lực lượng CSGT khi đang thi hành công vụ đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trước hết, do trình độ văn hóa, nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng nên thường xuyên vi phạm khi tham gia giao thông. Khi vi phạm lại có tâm lý trốn tránh, không hợp tác, cố tình gây sự, chống đối CSGT.
Mặt khác các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe và đặc biệt là nhiều vụ chống người thi hành công vụ chưa được xử lý nghiêm theo quy định của Bộ luật Hình sự, chủ yếu mới xử lý những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ xử lý vi phạm hành chính do đó tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa còn hạn chế…