Liên quan đến số phận hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) “hậu” cổ phần hóa khi chủ sở hữu mới là một đơn vị không liên quan đến sản xuất hay phát hành phim ảnh, cuối tuần qua, bộ VH - TT&DL đã có cuộc gặp gỡ báo giới để chính thức lên tiếng giải tỏa những thắc mắc và nghi ngại xung quanh vấn đề này.
Cổ phần trong minh bạch
Theo đó, tại buổi làm việc, Thứ trưởng bộ VH - TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, cổ phần hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm huy động nguồn lực ngoài Nhà nước để phát triển doanh nghiệp, thông qua phương thức quản trị, huy động vốn và phương thức tiếp cận thị trường, nhìn chung là cuộc cải cách để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, trong đó cũng nảy sinh sự cạnh tranh và mở rộng.
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa VFS, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến đặt ra: Tại sao lại bán cho một công ty Vận tải thủy? Và đặc biệt là quá trình cổ phần hóa này có đúng với các quy định của pháp luật Nhà nước hay không? Bộ sẽ bố trí cán bộ, nhân viên của VFS như thế nào? Ai sẽ là người giữ bản quyền của các bộ phim trước đây do VFS sản xuất? Bộ VH - TT&DL có cơ chế gì để quản lý hoạt động của Hãng khi đơn vị mua không thực hiện đúng cam kết trong việc sử dụng đất đai?
Trả lời cho những câu hỏi này, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, việc tiến hành cổ phần hóa VFS được thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước. Đáng lẽ ra sau khi cổ phần hóa VFS, Nhà nước sẽ chỉ nắm 1-2% cổ phần hoặc không nắm giữ % nào vì theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước có cổ phần hóa thì Nhà nước không cần nắm cổ phần đối với loại hình doanh nghiệp về điện ảnh, chỉ nắm cổ phần một số doanh nghiệp đặc thù như Hãng phim Hoạt hình và Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương. Tuy nhiên, bộ VH - TT&DL xem xét thấy VFS có bề dày lịch sử 56 năm, là cây đại thụ trong làng điện ảnh Việt với rất nhiều tác phẩm kinh điển nên đã quyết định Nhà đầu tư chiến lược giữ 65% cổ phần, số cổ phần còn lại được chia theo phương án: 20% do Nhà nước nắm giữ; 4,5% do cán bộ, công nhân viên nắm giữ; đấu giá công khai 10,5%.
Cổng vào hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh báo giao thông |
Để giải thích thêm, Phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch, Tài chính - Trần Hoàng cho biết: “Trước khi quá trình cổ phần hóa diễn ra, cơ quan chức năng đã gặp gỡ và phổ biến tới tất cả cán bộ nhân viên của VFS về việc ai biết nhà đầu tư chiến lược nào thì giới thiệu. Thông tin về việc tìm kiếm nhà đầu tư đã được đăng báo rộng rãi, dán trên bảng thông báo tại VFS và cũng được đơn vị tư vấn cổ phần hóa do bộ Tài chính lựa chọn đăng tải trên trang web của mình. Trước công ty Vận tải thủy, đã có một số nhà đầu tư quan tâm đến việc cổ phần hóa VFS nhưng sau khi tìm hiểu thì đã bỏ đi không phản hồi. Trong khi theo luật Doanh nghiệp hiện hành, Nhà nước không thể tiếp tục tài trợ cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nên việc cổ phần VFS đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết”.
Trước những câu hỏi về việc có hay không sự khuất tất đằng sau sự định giá bán cổ phần VFS, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, quá trình thực hiện, bộ VH - TT&DL đã rất thận trọng, việc định giá này do một đơn vị tư vấn độc lập trong danh mục do bộ Tài chính quy định nên rất minh bạch. Mặc dù VFS có thương hiệu nhưng lại không có lợi thế kinh doanh, nói cách khác là thua lỗ. Trong đó, kho tài sản bản sao hơn 325 phim đã cũ cũng được đem ra định giá theo tiêu chí nguyên vật liệu vào khoảng 3 tỉ đồng.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết thêm: “Trong suốt một thời gian dài, VFS lỗ vì nhiều nguyên do, lại chủ yếu trông chờ vào phim do Nhà nước đặt hàng. Mỗi năm, cục Điện ảnh, bộ VH- TT&DL đều cố tình đưa 1-2 phim đặt hàng để Hãng có tiền nuôi sống bộ máy. Hiện trạng, xác định giá trị doanh nghiệp của VFS lỗ tổng số 77,3 tỉ đồng so với tổng vốn đầu tư ban đầu là 97 tỉ đồng, chỉ còn 19,7 tỉ đồng (chưa tính giá trị đất - PV). Tuy nhiên, sắp tới sẽ có quy chế mới về việc phim đặt hàng cũng phải đấu thầu, mà như thế thì rất khó cho VFS. Nếu cứ tiếp tục thua lỗ thì sẽ đến lúc Hãng phải tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, sau khi cổ phần hóa các lao động còn lại của hãng Phim truyện Việt Nam chuyển sang công ty cổ phần là 94 người sẽ sắp xếp phù hợp với khả năng trình độ chuyên môn của từng người”.
Các nghệ sỹ lên tiếng…
Đạo diễn Vương Đức – Giám đốc cuối cùng của hãng Phim truyện Việt Nam nói: “Cá nhân tôi không thích thú việc cổ phần, thậm chí là đau xót, tủi thân khi Nhà nước không cần chúng tôi nữa. Đây là tâm trạng của hầu hết anh em cán bộ Hãng phim. Chúng tôi là đơn vị được Chú tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập gần 60 năm nay, chúng tôi đã đóng góp nhiều thành tựu. Không phải đến bây giờ việc cổ phần hóa Hãng mới được đặt ra, mà thực chất việc này đã diễn ra từ cách đây 7-8 năm.
Thậm chí khi đó, Hãng từng tổ chức đại hội công nhân viên chức bất thường để xin ý kiến về việc này và 100% cánh tay đã giơ lên thể hiện sự đồng tình. Điều này cũng có nghĩa bản thân cán bộ và nghệ sỹ hoạt động trong Hãng cũng xác định được cổ phần hóa là con đường đi tất yếu khi mà suốt nhiều năm qua, Hãng gần như “sống” lay lắt và chủ yếu làm phim do Nhà nước đặt hàng. Thà cổ phần còn hơn ôm nhau chết...”.
Trong khi đó, NSND Minh Châu thì chia sẻ: “Tôi rất tiếc khi hãng Phim truyện Việt Nam cổ phần hoá. Ngay sau khi tốt nghiệp lớp diễn viên khoá 2 năm 1977 thì tôi đã về đây làm. Tôi thấy buồn vì không biết điện ảnh sẽ đi về đâu. Khi nghe tin cổ phần hóa hãng Phim truyện Việt Nam, không chỉ tôi mà rất nhiều nghệ sỹ khác đều cảm thấy buồn, thậm chí còn có sự bức xúc. Có thể người ta nghĩ, người ta thấu đáo hơn chúng tôi, nhưng tôi chỉ mong, hãy giữ lại Hãng phim vì đó là nơi đã sáng tạo ra biết bao tác phẩm kinh điển, đóng góp vô cùng lớn cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà...”.
Hoạ sỹ thiết kế Trần Quang tâm tư: “Chủ trương cổ phần hóa là chủ trương chung, không thể cưỡng lại. Chủ trương đó để doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng có thể cổ phần hóa, bộ VH-TT&DL phải nghiên cứu và quyết định chứ. Tôi cũng không biết có gì khuất tất ở đây không nhưng việc mua lại hãng phim làm chúng tôi buồn lắm...”.
Cần có câu trả lời rõ ràng cho các nghệ sỹ NSND Phạm Nhuệ Giang bộc bạch: “Tôi mong rằng, việc cổ phần hóa hãng phim để cho công việc tốt hơn chứ không phải tệ hơn. Chi tiết về việc cổ phần hóa của hãng Phim truyện Việt Nam thì tôi không rõ nhưng tôi chỉ thấy là công ty Vận tải thủy thì không liên quan đến nghệ thuật để được bán lại. Hãng phim đã có lịch sử gần 60 năm, làm nhiều bộ phim kinh điển, từng có địa vị lớn trong đời sống nghệ thuật sao có thể giao cho một đơn vị như vậy? Cần có một câu trả lời rõ ràng cho các nghệ sỹ, diễn viên…” |
Lạc Thành