Theo tin tức từ VOV và Tuổi trẻ, sáng nay (8/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng(bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng Chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ đã xác định.
Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỉ đồng. Ngân sách trung ương 22.000 - 23.000 tỉ lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỉ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương 13.000 - 14.000 tỉ đồng.
Gói hỗ trợ này còn sử dụng khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỉ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỉ đồng).
Để thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch COVID-19, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên. Cho phép sử dụng khoảng 19.000 - 20.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân.