(Tinmoi.vn) Vờ là trai tân, Tâm tán tỉnh một thiếu nữ và sống với như vợ chồng. Cùng thời gian, gã liên tục lừa tiền nhiều phụ nữ khác.
Đối tượng Nguyễn Văn Tâm còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Vương và Họa (SN 1977, HKTT tại thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương). Quá trình điều tra, đến ngày 1/5, Công an huyện Cẩm Giàng phối hợp với Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã làm rõ 13 trường hợp là bị hại của Tâm trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) thông báo Nguyễn Văn Vương (SN 1982, trú tại Bằng Doãn, Đoan Hùng, Phú Thọ) chỉ là cái tên giả. Vương có tên thật là Nguyễn Văn Tâm, người đã có vợ và hai con, đồng thời là một tên lừa đảo “siêu hạng” thì chị Nguyễn Phương Thảo (SN 1993, trú tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) mới biết sự thật về người đàn ông chị chung chăn gối suốt hai năm qua. Chị Thảo ôm đứa con nhỏ hơn một tuổi, nước mắt lưng tròng…
Ba năm trước, chị Thảo gặp Tâm tại một quán nước ở TP Lào Cai (Lào Cai) khi ra ga tàu đón chị gái. Tại buổi gặp gỡ đó, Tâm giới thiệu tên là Vương. Sự khéo léo của Tâm khiến chị Thảo đã có cảm tình ngay từ lần đầu gặp gỡ và sau đó giữa hai bên thường xuyên liên lạc, trao đổi thông tin qua điện thoại.
Khoảng năm 2012, chị Thảo về làm công nhân tại Công ty TNHH công nghiệp Brother (Công ty Brother) thì giữa hai bên đã nảy sinh những tình cảm trên mức bình thường. Tuy sống với Tâm như vợ chồng và có với nhau một mặt con nhưng chị Thảo không biết gì về quá khứ của người hàng ngày chung chăn, chung gối. Ngay cả cái tên của Tâm cũng là tên giả…
Chân dung kẻ lừa đảo
Chị Thảo chỉ là một trong nhiều nạn nhân của Tâm trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đối tượng này thực hiện. Trường hợp của chị Hoàng Thị Nhung ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là một điển hình. Trước đó, chị Nhung được mẹ đẻ là bà Vũ Thị Lan đưa cho tờ rơi tuyển dụng của Công ty Brother. Bà Lan có tờ rơi này trong một lần đi xe ôtô Hải Dương cùng với Tâm. Trong tờ rơi này, có tên, tuổi cùng với số điện thoại của Tâm.
Khoảng giữa năm 2013, do nhu cầu tìm việc làm chị Nhung liên lạc với Tâm và được đối tượng này hướng dẫn làm hồ sơ và hẹn địa điểm để cùng với một vài lao động khác đến Công ty Brother phỏng vấn.
Trong quá trình phỏng vấn, Vương giới thiệu với chị Nhung rằng Công ty Brother đang có chương trình đưa người lao động đi đào tạo tại Malaysia trong thời gian ba tháng. Sau khi trải qua khóa đào tạo này, chị Nhung sẽ được về làm việc nhà máy số 6 của Công ty Brother tại khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương) với mức lương 12 triệu đồng/tháng.
Theo lời của Tâm thì trong đợt này, Công ty có 26 suất đi, số tiền chi phí cho toàn bộ chuyến đi là 80 triệu đồng, trong đó có 20 triệu đồng để “bôi trơn”, số còn lại là kinh phí để chống trốn. Sau khi hoàn thành khóa học 3 tháng trở về nước, chị Nhung sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền trên.
Cũng với thông tin như trên, đối tượng Tâm đã giới thiệu với bà Lan, mẹ của chị Nhung khiến gia đình họ tin tưởng hoàn toàn vào những lời hứa hão của anh ta. Sau đó, theo yêu cầu của Tâm, lúc đó đang sử dụng tên giả là Vương, bà Lan đã nhiều lần chuyển 80 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng này…
Sau này, gia đình chị Nhung tìm hiểu được biết Công ty Brother không có chương trình đi đào tạo tại Malaysia, yêu cầu Tâm trả lại số tiền trên nhưng đối tượng này khất lần không trả. Điều đáng nói là bị hại của vụ án này còn có những người đang là công nhân của Công ty Brother. Trong đó, có trường hợp của anh Dương Ngọc Quỳnh ở Kim Thành (Hải Dương). Tâm lừa đảo chiếm đoạt khoảng gần 10 triệu đồng.
Trước đó, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hải Dương có thông tin về các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do một đối tượng tên Vương thực hiện. Bước đột phá để làm rõ vụ án này là việc cơ quan điều tra khám xét, thu giữ trong nhà đối tượng này một số giấy tờ có liên quan đến nhân thân của đối tượng này.
Từ đây, vụ án được làm sáng tỏ: Năm 2011, Tâm lên Lào Cai làm công nhân mỏ. Do đánh mất chứng minh nhân dân, Tâm nhờ một người phụ nữ không quen biết, làm giúp hộ một chứng minh nhân dân giả với giá 300 nghìn đồng, chứng minh này mang tên Nguyễn Văn Vương ở Đoan Hùng, Phú Thọ, sau đó dán ảnh của Tâm vào đó và sử dụng từ đó cho đến khi bị bắt.
Khoảng đầu năm 2012, Tâm dùng tên giả là Vương ký hợp đồng làm cộng tác viên tuyên truyền về tuyển dụng lao động với Công ty Brother Việt Nam. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày 27/3 đến hết ngày 31/12/2012. Sau khi hết hạn hợp đồng này giữa Công ty Brother và Tâm vẫn không ký lại hoặc gia hạn hợp đồng.
Vậy nhưng đối tượng này vẫn nhận làm cộng tác viên tuyển dụng lao động cho Công ty Brother cho đến ngày bị bắt và vẫn hưởng chế độ của một cộng tác viên. Nhiệm vụ của Tâm là tuyên truyền, quảng cáo, phát tờ rơi và tư vấn về nội dung tuyển dụng lao động của Công ty Brother, liên hệ sắp xếp lịch phỏng vấn cho người lao động và được nhận chi phí giới thiệu ứng viên là 250 nghìn đồng/ người hoặc nếu giới thiệu với số lượng lớn sẽ được hưởng mức 300 nghìn đồng/ người.
Đáng chú ý là nếu làm cộng tác viên một năm và có nguồn lao động thường xuyên và ổn định thì được hưởng mức 400 nghìn đồng/ người. Địa bàn hoạt động chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc... Cũng theo quy định này thì Tâm không được thu bất kỳ một khoản phí nào từ người lao động.
Trong quá trình thực hiện công tác của một cộng tác viên tuyển dụng lao động cho Công ty Brother, Tâm đã tìm cách gây dựng uy tín với công ty và người lao động. Nhiều người đã biết đến tên và điện thoại của Tâm thông qua tờ rơi tuyển dụng lao động và qua những người lao động đã được tuyển vào Công ty Brother giới thiệu cho người lao động khác muốn xin vào làm việc tại công ty này.
Mặc dù không phải là người của Công ty Brother, không có chức năng sắp xếp, bố trí công việc nhất định cho người lao động, nhưng vì hám lời và lợi dụng tại Công ty Brother cũng có một người tên là Vương, là phó phòng hành chính nhân sự,
Tâm đã thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài việc đi đào tạo tại Malaysia, đối tượng này còn đưa các thông tin giả về việc đi Trung Quốc và một số nơi khác để đánh lừa những người bị hại nhẹ dạ.
PV tổng hợp