Những câu chuyện gia đình vất vả: "Cha bắt chim rừng làm lộ phí cho con đi thi" "Cha ở ống cống, mẹ ăn cám nuôi con vào đại học"...gần đây đã làm dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội về việc có nên cổ suý "con nhà nghèo" theo đuổi con đường đại học khi mới tốt nghiệp THPT.
Vấn đề càng trở nên gay gắt khi vào đầu tháng 7, lúc kỳ tuyển sinh ĐH đang diễn ra khốc liệt, thì Bộ LĐ-TB&XH công bố con số 162.000 lao động từ trình độ ĐH trở lên thất nghiệp.
Trên một diễn đàn dành cho nhà báo trẻ, một nhà báo lâu năm đặt câu hỏi: Bao giờ thì báo chí dừng lại việc viết các câu chuyện về sự hy sinh cùng cực của bố mẹ để kiếm tiền cho những người con đi học đại học? Khi gia cảnh khốn khó, bố mẹ vất vả, con cái có thể “nhẫn tâm” học đại không?
Những hình ảnh vạ vật buổi trưa,chờ thi chiều thế này thường thấy ở mùa thi (Ảnh Lê Huyền) |
Không ít ý kiến đồng tình trên mạng xã hội cho rằng là người con, trước hết phải biết quan tâm, chăm lo cho cha mẹ, không để cha mẹ phải chịu những cảnh như “ở ống cống”, ăn cám thay cơm, hay bán máu... vì sự nghiệp học hành của con. Có những con đường khác để nuôi thân, kiếm tiền, rồi học chứ không thể bám vào sức lao động hay sự hy sinh của cha mẹ.
Tuy nhiên, cũng mạnh mẽ không kém là các ý kiến cho rằng không thể ngăn cản những nỗ lực vươn lên học tập của thí sinh và của cả gia đình họ. Khi sự hy sinh là tự nguyện, thì tận dụng sự hy sinh đó để hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn – dù chưa thể chắc chắn về điều này – là điều nên làm và phải làm.
VietNamNet thử mang "câu chuyện mạng" này tới các nhà quản lý giáo dục đại học để lắng nghe ý kiến.
Không vì nghèo mà "ép" đi học nghề
“Học đại học không phải là con đường duy nhất. Nhưng không thể lấy cái nghèo ra để cản bước những ai có khả năng và muốn đi trên con đường này”. Đây là quan điểm của bà Trần Thị Minh Hoà, phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).
“Nghèo không phải là tội lỗi. Ý chí vươn lên là quyền của con người. Tôi không chia sẻ quan điểm “nhịn học đại học” để bố mẹ đỡ khổ. Quyền đi học là của mỗi con người. Tại sao các nước phát triển vẫn cho vay để đi học? Trên thế giới thiếu gì những người xuất thân nghèo khó nhưng nhờ học tập trở nên vô cùng thành đạt. Những em có ý chí, có năng lực phải được học.
Câu chuyện Việt Nam thừa thầy thiếu thợ là đúng. Việc bằng mọi giá để có cái bằng đại học là sai lầm. Nhưng việc vào học nghề hay học đại học là do khả năng của mỗi người, không phải vì lý do kinh tế. Đừng lấy lý do kinh tế ra để “ép” người có khả năng học đại học phải đi học nghề”.
Còn phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Đinh Thị Vân Chi cho rằng: Không nên làm bất cứ việc gì bằng mọi giá. Bất cứ việc nào nếu làm bằng mọi giá cũng sẽ nảy sinh bi kịch. Nhưng trong chừng mực nào đó, nếu có thể khắc phục thì nên cố gắng”.
Dẫn lại câu nói “Cái khó ló cái khôn” – bà Vân Chi nhấn mạnh tới ý thức của những sinh viên có trường hợp đặc biệt “Khi cho con đi học, gia đình đã mất đi một lao động. Vì vậy, sinh viên cần xác định không gây khó khăn thêm cho bố mẹ, không làm bố mẹ vất vả thêm, thì cố gắng đi học”.
Để có đủ kinh phí làm lộ phí đưa Hoàng Đức Hạnh về Hà Nội thi đại học, cha em mang kèm chim rừng xuống bán (Ảnh. V.Chung) |
“Cá biệt, có những sinh viên còn giúp đỡ trở lại được gia đình ngay từ năm đầu tiên. Điều này phụ thuộc vào quyết tâm, sự năng động, ý chí của mỗi em” – bà Vân Chi nhận xét.
Bà Đinh Thị Mai, phó hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn khẳng định: “Đi học là nguyện vọng của các em và của cả gia đình. Các gia đình xác định cho con đi học đại học là phải vượt qua khó khăn, với hy vọng cuộc sống sẽ đỡ hơn hiện tại dù trước mắt là thời gian vất vả, và có thể họ còn chưa mường tượng được hết thực tế. Nhưng với họ, rõ ràng đã nhìn thấy những người từng đi khỏi làng quê, học đại học, và có được cuộc sống tốt hơn trước... Như thế là điều phải học tập rồi”.
Thậm chí, có thể nhìn nhận kết quả học tập của sinh viên nghèo mới là học thực chất. Học sinh nghèo không có điều kiện học thêm, không có máy tính, không được giúp đỡ gì... thì nếu đỗ đại học và học khá giỏi, đó chính là thực chất lực học của mỗi em” - bà Mai nhìn nhận.
Từ kinh nghiệm quan sát thực tế, bà Mai cho biết, với những kiến thức thu nhận được,từ hoạt động, sinh hoạt trong môi trường tập thể, những em này khi ra trường “vứt” vào đâu cũng thích nghi được, sớm hoà nhập với hoàn cảnh. Dù khi các em ra trường, xin được việc đúng ngành hay không, thậm chí có phải làm những công việc mà mọi người cho rằng không xứng đáng với tấm bằng đại học, nhưng lúc đó việc kiếm tiền cũng “dễ” hơn khi em chưa có bằng cấp, kiến thức.
Vùng cấm nào cho con nhà nghèo?
Những thí sinh có gia cảnh khó khăn mơ ước đổi đời từ việc học chọn thi vào những trường "nghe tên thấy có tương lai" như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương... Đặc biệt với những thí sinh nghèo và học giỏi.
Tuy nhiên, dường như không phải ngành học nào sinh viên nghèo cũng được “vui mừng chào đón”. Có những ngành mà những nhà quản lý, những người trong ngành có sự băn khoăn khó bày tỏ.
Một chuyên gia trong lĩnh vực y học chia sẻ quan điểm mà theo ông, nói ra có khi bị đánh giá, nhưng “vẫn muốn nói”.
Đó là việc ông “rất ngại” việc con nhà nghèo theo học y, rất “sợ” những sinh viên thi vào trường y nhằm sau này thay đổi cuộc sống của gia đình, báo đáp cho bố mẹ. “Học y rồi ra trường làm việc thì cũng hưởng lương bậc như công chức, cùng lắm là thêm phụ cấp làm thêm giờ, nếu muốn có nhiều tiền thì kiếm đâu ra ngoài việc từ... bệnh nhân? Mà kể cả không đụng trực tiếp đến bệnh nhân, nhưng bắt tay với mấy nhà thuốc, hãng dược thì rồi cũng là móc túi bệnh nhân.
Y khoa là một lĩnh vực học rất lâu, rất tốn kém. Đặc biệt nếu đi học y ở nước ngoài thì chi phí cực kỳ đắt đỏ. Vì vậy, hầu hết những người có nguyện vọng học y bây giờ chỉ có thể theo học đại học ở những trường trong nước.
Câu chuyện cha sống trong ống cống để có tiền cho con ăn học đã khiến nhiều người cảm động.... |
Có thể thấy những giáo sư đầu ngành y trước đây hầu hết xuất thân từ những gia đình trung lưu, quý tộc, gia đình có truyền thống khoa bảng, hầu hết đã đi du học ngành y ở nước ngoài. Và họ thực sự rất giỏi, đam mê. Khách quan mà nói, rõ ràng khi gia đình ổn định về kinh tế, họ yên tâm nghiên cứu, làm việc và có những cống hiến thực sự cho nước nhà.
Không thể nói rằng những sinh viên y nhà nghèo sau này ra trường sẽ thế nọ thế kia, nhưng những cảnh bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân, mở phòng mạch chém đẹp bệnh nhân, y tá, điều dưỡng tiêm đau khi bệnh nhân không có gì nhét vào túi áo... tôi cho rằng không xuất phát từ những bác sĩ có nguồn gốc gia đình ổn định về kinh tế” – vị chuyên gia này kết luận.
Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: Quang Đại lay động trái tim khán giả với "Mười năm tình cũ"