Sau khi một cậu bé tự ý băng qua đường (không có vạch dành cho người đi bộ) và bị chiếc xe ô tô cán chết, gia đình cậu đã yêu cầu tài xế bồi thường 1 tỷ đồng.
Một vụ việc đau lòng đã được camera hành trình ghi lại dịp Tết vừa qua về tai nạn của một bé trai 10 tuổi bất ngờ băng qua đường. Nhưng để lại sau đó là sự khó xử của tài xế khi có thông tin cho rằng gia đình nạn nhân đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng.
Tin tức trên Xedoisong.vn cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, xe ôtô đang di chuyển ở làn sát dải phân cách cứng. Sau vụ việc, công an xã cũng như CSGT đã kiểm tra nồng độ cồn của lái xe nhưng không vi phạm. Nhưng xe và người vẫn bị tạm giữ.
Sau tai nạn, gia đình lái xe cũng đã thăm hỏi nạn nhân nhưng người nhà phía nạn nhân vẫn kiên quyết đòi bồi thường 1 tỷ đồng mới chịu.
Khi thông tin trên được đăng tải đã thu hút khá nhiều ý kiến bình luận của người đọc chủ yếu xoay quanh số tiền 1 tỷ đồng mà gia đình cậu bé được cho là đã yêu cầu tài xế bồi thường. Vậy, theo luật sự việc trên sẽ được xử lý như thế nào cho thỏa đáng? PV Đời sống và pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Theo luật sư, từ những hình ảnh ghi lại từ clip thì lái xe ô tô và cả cậu bé có vi phạm luật giao thông đường bộ hay không?
Theo Camera hành trình của xe ô tô ghi lại cho thấy cậu bé (nạn nhân) đã băng qua đường nơi không dành cho người đi bộ qua đường, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 32 Luật giao thông đường bộ, cụ thể điều luật này quy định như sau: “Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn”.
Theo hình ảnh được ghi lại trong clip camera hành trình thì đoạn đường đó không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường… nên hành vi băng qua đường đột ngột như vậy là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 32 Luật giao thông đường bộ.
Nếu nạn nhân còn sống thì hành vi đó sẽ bị xử sẽ bị phạt theo quy định tại Điều 9, Nghị định 171/2013/NĐ-CP, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, mức phạt từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng. Tuy nhiên, người vi phạm đã chết nên vấn đề xử lý vi phạm hành chính với lỗi vi phạm băng qua đường nơi không được phép qua đường đó sẽ không đặt ra nữa.
Luật sư Đặng Văn Cường
Việc cậu bé bị thiệt mạng do băng qua đường trái quy định thì tài xế có phải chịu trách nhiệm gì không?
Theo quy định pháp luật thì trong một vụ việc tai nạn giao thông có hai trách nhiệm pháp lý có thể phát sinh là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra).
Trách nhiệm hình sự chỉ phát sinh nếu người gây tai nạn có lỗi, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu hậu quả nghiêm trọng (chế người hoặc thương tích từ 31% trở lên…) nhưng người gây tai nạn không có lỗi thì họ cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Người gây tai nạn chỉ không phải bồi thường thiệt hại nếu lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân (như tự tử, cố ý gây tai nạn.
Mức yêu cầu bồi thường 1 tỷ đồng như vậy có hợp lý không? Theo quy định của pháp luật thì tài xế có phải bồi thường không? Cụ thể mức bồi thường là như thế nào?
Về nguyên tắc trong luật dân sự thì mức bồi thường thiệt hại dân sự do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì một bên có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết theo pháp luật.
Nếu vụ việc được đưa ra pháp luật để giải quyết thì tòa án sẽ căn cứ vào quy định tại Chương 21 Bộ luật dân sự (trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006.
Cụ thể, bồi thường trong trường hợp này được quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự, bao gồm các khoản sau đây: “Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.
Theo đó, nếu cha mẹ em bé đã quá tuổi lao động thì em bé mới phải có nghĩa vụ cấp dưỡng và vấn đề thanh toán tiền cấp dưỡng mới được đặt ra. Nếu không có khoản này thì chỉ còn lại khoản chi phí cứu chữa, tiền tổn thất tinh thần không quá 60 tháng lương tối thiểu và một khoản chi phí mai táng phí khoảng 15-20 triệu đồng, tổng khoảng trên dưới 100 triệu đồng.
Trong vụ việc này mức yêu cầu bồi thường của gia đình đưa ra 1 tỷ đồng là không phù hợp với quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự, cụ thể như sau: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình; khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.”.
Điều 617 Bộ luật dân sự hiện hành cũng quy định: “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”.
Như vậy, nếu tòa án xác định người lái xe không có lỗi, “thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường”.
Vâng, xin cảm ơn luật sư.
Theo báo Đời sống và Pháp luật