Trường nằm trong khu vực giải tỏa nên dù nằm ở phố nhưng cả trường cũng chỉ có 80 học sinh.
Đó là thực trạng đáng buồn diễn ra tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Thoại (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Lớp học thưa thớt học sinh tại trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại. Ảnh: Tiền phong |
Mặc dù bộ máy của nhà trường rất đầy đủ cả về giáo viên và cơ sở vật chất nhưng số học sinh lại quá ít. Hiện tại, trường có 10 giáo viên, 7 cán bộ hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách đội. Bên cạnh đó, trường có tổng diện tích hơn 8.000m2, với 12 phòng học với các trang thiết bị khá đầy đủ.
Tuy nhiên, trong đợt tuyển sinh lớp 1 vừa qua, trường chỉ tuyển sinh được 16 học sinh, mặc dù theo kết quả điều tra có tới 35 học sinh đến tuổi đi học. Cả 5 khối lớp chỉ có 80 học sinh, trong đó khối lớp hai nhiều nhất với 20 em, khối lớp bốn ít nhất với 11 em.
Giải thích lí do vì sao trường nằm ở thành phố nhưng lại ít học sinh theo học, bà Trương Thị Hồng Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trên Tiền Phong: “Trường nằm trong khu vực giải tỏa, dân số không ổn định nên số lượng học sinh rất ít. Một số gia đình nằm trong diện tái định cư còn hộ khẩu ở phường nhưng vẫn không cho con nhập học ở đây, mà sang phường khác tạm trú rồi nhập học luôn. Hơn nữa, năm nào trường cũng lác đác 80 - 85 học sinh nên ít nhiều phụ huynh cũng mang tâm lý không muốn cho con em học ở đây vì… buồn quá!”.
Để tránh tình trạng lãng phí giáo viên và cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT quận Sơn Trà đã đề xuất lên quận chuyển đổi trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại thành trường THCS để giải quyết tình trạng quá tải học sinh THCS trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, việc chuyển đổi sớm nhất cũng phải đến năm 2017 mới thực hiện được.
Trường tiểu học Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội cũng thuộc trường hợp như trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại.
Tại khu trung tâm Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì thì lớp 2D chỉ duy nhất một học sinh có mặt. Để buổi học đỡ buồn tẻ, cô giáo Nguyễn Thị Tâm đã phải sang lớp 2C bên cạnh “mượn” thêm hai học sinh nữa “để dạy cho đỡ buồn tẻ”. Lớp 3D thì khá hơn, có tới... 5 học sinh.
Cô Nguyễn Thị Châm, Hiệu trưởng tâm sự: “Hai lớp này chuyển từ điểm trường Bằng Tạ sang. Nhà trường đã bố trí lớp 2D học ở khu nhà hai tầng mới xây năm 2008, còn lớp 3D hiện học tạm ở phòng hội đồng (là nhà cấp 4) do trường còn thiếu phòng học. Để ưu tiên con em Bằng Tạ, chúng tôi định tiếp tục chuyển lớp 3D lên khu hai tầng này còn lớp 2C xuống phòng hội đồng. Nhưng hiện chúng tôi cũng chẳng biết bao giờ dân mới chịu cho con đi học nên tạm thời vẫn để lớp 3D ở dưới đó”.
Theo báo cáo của Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh, ngoài khu trung tâm trường có ba khu lẻ là Đồi Bông, Tân Đức và Bằng Tạ. Ở Bằng Tạ có ba lớp, gồm 1D, 2D và 3D. Theo quy hoạch, xã Cẩm Lĩnh sẽ thành lập hai trường tiểu học ở khu trung tâm và Đồi Bông và sẽ xóa các khu lẻ ở Tân Đức và Bằng Tạ, nhưng nhà trường chưa định xóa các khu lẻ trong năm học 2013 – 2014 do khu trung tâm chưa đủ phòng học.
Tuy nhiên, sau khi đi kiểm tra cơ sở vật chất, nhà trường (30/9) đã phải đề nghị Đảng ủy - UBND xã Cẩm Lĩnh chuyển cả ba lớp học ở điểm trường Bằng Tạ sang khu trung tâm. Để có đủ chỗ cho học sinh từ điểm trường Bằng Tạ chuyển về, Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh phải mượn phòng học của trường mầm non, thậm chí còn phải lấy cả phòng họp hội đồng để làm phòng học.
“Cả ba lớp học ở Bằng Tạ bị mối ăn toàn bộ hệ thống rui, mè, đòn tay, mái nhà bị võng. Chúng tôi không thể để cô trò dạy học ở nơi thiếu an toàn như thế, trong khi xã chủ trương không đầu tư sửa chữa điểm trường này. Chúng tôi chỉ làm chuyên môn, còn địa phương chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất”, cô Châm nói.
Lê Vy (tổng hợp)