“Pháp luật không có quy định cụ thể trộm loài vật nào thì sẽ bị truy tố, trộm động vật nào thì không khởi tố. Pháp luật chỉ quy định hành vi trộm cắp tài sản mà khi định giá đạt từ 2 triệu đồng trở lên là có thể bị xử lý hình sự…” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Vụ việc 2 thanh niên trộm chim chào mào của Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Quảng Nam bị truy tố gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận.
Nhiều độc giả thắc mắc vậy trường hợp nào người trộm chim bị xử lý hình sự? Trường hợp nào chỉ cần xử phạt hành chính? bởi lẽ nhiều người cho rằng con chim không phải là tài sản có giá trị lớn.
Biệt thự ông Bảo, nơi các đối tượng hai lần đột nhập trộm chim cảnh - Ảnh: Công an TP. HCM |
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Luật sư Cường dẫn Điều 138 Tội trộm cắp tài sản quy định: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm."
Nếu cơ quan điều tra có thể chứng minh được các đối tượng trên đã có hành vi lén lút lấy cắp tài sản của nhà ông Bảo có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì có căn cứ khởi tố các đối tượng này về tội trộm cắp tài sản theo quy định Điều 138 BLHS nêu trên.
“Pháp luật không có quy định cụ thể trộm loài vật nào thì sẽ bị truy tố, trộm động vật nào thì không khởi tố. Pháp luật chỉ quy định hành vi trộm cắp tài sản mà khi định giá đạt từ 2 triệu đồng trở lên là có thể bị xử lý hình sự” – luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, về góc độ pháp lý thì Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ chịu trách nhiệm về kết quả định giá. khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án Hình sự cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần ra văn bản yêu cầu định giá tài sản và tiến hành định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, luật sư Đặng Văn Cường dẫn Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 02/03/2005 của Chính phủ về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, quy định về căn cứ định giá tài sản:
Điều 13. Căn cứ định giá tài sản
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp |
Việc định giá tài sản phải dựa trên các căn cứ sau đây:
1. Giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm;
2. Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
3. Giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, nếu có;
4. Giá trị thực tế của tài sản cần định giá;
5. Các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá.
Ngoài ra Thông tư 55/2006/TT-BTC ngày 22/06/2006 của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 02/03/2005 của Chính phủ về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, cũng quy định nguyên tắc và căn cứ định giá tài sản.
“Nếu giám đốc bị mất chim chào mào có hóa đơn mua hàng thì đó cũng là một căn cứ để định giá tài sản và Hội đồng định giá sẽ xem xét định giá tài sản bị mất để xác định giá của tài sản khi điều tra xác minh giải quyết vụ án” – luật sư Cường cho biết.
2 thanh niên bị truy tố về hành vi “Trộm cắp tài sản” là Bùi Quang Minh Tấn và Nguyễn Văn Tùng (cùng 23 tuổi, trú huyện Phú Ninh, Quảng Nam). 2 bị can này đã trộm chim của ông Lê Phước Hoài Bảo (31 tuổi, Giám đốc Sở KH - ĐT tỉnh Quảng Nam). Theo cáo trạng, ngày 14/7/2015, hai người chở nhau bằng xe máy đến nhà riêng ông Bảo rồi đột nhập vào trong lấy trộm 2 lồng chim chào mào, đem bán được 2 triệu đồng. Tiếp đó, đến ngày 17/7/2015, Tấn và Tùng tiếp tục đột nhập vào nhà ông Bảo. Khi 2 nghi can vừa lấy lồng chim ra ngoài thì bị công an phát hiện, bắt giữ. Trước đó, hai đối tượng trên đã thực hiện nhiều vụ trộm, lấy đi nhiều tài sản có giá trị của nhà dân. Tại cơ quan điều tra, Tùng và Tấn đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu mà cơ quan điều tra đã thu thập được. |
Tiểu Phương