Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nhiều đợt một năm là ý kiến của GS Trần Phương cùng rất nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo “Thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng” do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức.
Góp ý về kỳ thi THPT Quốc gia 2015
Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên với 4 ngày và 99 điểm thi, gồm 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi do các Sở GD-ĐT chủ trì. Hơn 1 trệu thí sinh đăng ký thi trong đó có 72% đăng ký thi ở các trường ĐH,28% đăng ký thi tại các điểm thi do Sở GD-ĐT.
Tại Hội thảo các chuyên gia đã có những sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về kỳ thi vừa qua cả những mặt tích cực và tiêu cực. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng vụ giáo dục Đại học nhìn nhận:Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua bên cạnh những mặt tích cực như đã giúp tiết kiệm về thời gian, tiền của, công sức cho xã hội, góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy và học ...
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Quyền Vụ trưởng vụ giáo dục Đại học nhận xét về những mặt được và chưa được của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Ảnh: Hạ Vân |
Bên cạnh đó, kỳ thi vẫn còn rất nhiều những hạn chế đặc biệt ở trong xét tuyển đợt 1 như: Thời gian xét tuyển quá dài, về kỹ thuật chưa hợp lý, công tác tuyên truyền chưa tốt gây nhiều nhầm lẫn cho thí sinh...
Phát biểu tại hội thảo, PGS Văn Như Cương cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia 2015 chưa thể hiện được ba mặt là giảm nhẹ căng thẳng, giảm tài chính và chọn lựa đúng người để tốt nghiệp và tuyển vào ĐH, CĐ”.
Đề xuất trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương tổ chức
Để hạn chế những mặt chưa được Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều những ý kiến đóng góp của các chuyên gia cho việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm học 2015 – 2016.
Góp ý cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm tiếp theo, GS Lâm Quang Thiếp chia sẻ: “ Bộ không nên “ôm” nhiều việc như năm nay. Bộ nên giao cho các Sở tổ chức. Tuyển sinh ĐH nên để cho các trường ĐH tự chủ, không nên quy định mức sàn vì mỗi trường đào tạo theo yêu cầu riêng còn điểm sàn thống nhất trên cả nước là tốt nghiệp THPT. Nếu như vậy Bộ sẽ đỡ khổ và có thể tập trung vào tăng chất lượng của một kỳ thi để tuyển ĐH”.
Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gì tại Hội thảo - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết (Hạ Vân) |
Còn theo GS Trần Phương lại cho rằng việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” của Bộ nên tiếp tục nhưng cần phải bổ sung. Đó là không nên tổ chức gần 100 cụm thi sẽ gây tốn kém mà nên giao cho các Sở GD-ĐT, nên tổ chức các điểm thi liên huyện để cho thí sinh ít phải di chuyển. Tuy nhiên, Bộ vẫn giữ vai trò thiết kế đề thi “2 trong 1”.
Đồng thời GS Trần Phương cũng kiến nghị: “Tôi đề nghị Bộ cho phép tuyển sinh 2 đợt một năm là vào tháng 2 và tháng 8. Theo tôi nghĩ ở nước ta nên tổ chức làm 2 kỳ như vậy đỡ cho một mùa tuyển sinh quá vất vả và quá kéo dài”.
Chia sẻ những kinh nghiệm của ĐH Quốc gia Hà Nội trong kỳ thi tuyển sinh vừa rồi ông Sái Công Hồng – Giám đốc trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Cần phải chuận bị ngân hàng câu hỏi, tận dụng tối đa công nghệ thông tin, trong các bài thi cần áp dụng nhiều những kiến thức vận dụng, tỉ lệ kiến thức trong bài thi trải đều trên tất cả các lớp học theo tỉ lệ 10% kiến thức lớp 10, 20% kiến thức lớp 11 và 70% kiến thức lớp 12...
Sau khi lắng nghe những ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Quan điểm của Bộ là lắng nghe với tinh thần cầu thị để tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung trong phương hướng kỳ thi 2016. Đồng thời, Thứ trưởng cũng rất mừng khi nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ các chuyên gia và những ý kiến đó cũng gần trùng với ý kiến của Bộ GD-ĐT cũng như của Chính phủ đánh giá.
Đặc biệt Thứ trưởng khẳng định: “ Để có được thành công này là kết quả công sức của toàn xã hội”.
Hạ Vân