Bắt đầu từ năm 2013, theo chủ trương của Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đã giao cho một số trường ĐH lớn nghiên cứu phương án tuyển sinh riêng.
Sang năm 2014, được Bộ tiếp tục “bật đèn xanh”, nhiều trường ĐH trong cả nước đã nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh riêng nhằm tăng chất lượng, giảm thí sinh “ảo”.
ĐH Kiến trúc TPHCM đã trình Bộ GD&ĐT phương án thay đổi môn thi với các khối thi mới là V1 và H1. Trong đó, khối V1 thi các môn: Toán - Vẽ mỹ thuật - Ngữ văn; khối H1 gồm: Toán - Vẽ trang trí màu - Ngữ văn. ĐH Quốc gia Hà Nội đã sớm có phương án thêm kỳ thi đánh giá năng lực chung để lựa chọn thí sinh bằng bài thi tích hợp các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên với trọng tâm là Ngữ văn và Toán học bậc học phổ thông (tương tự kỳ thi SAT ở bậc ĐH của Mỹ).
Một số trường ĐH cũng dự kiến phương thức xét tuyển riêng. Cụ thể, ĐH Duy Tân xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT dựa vào kết quả học tập bậc THPT. ĐH Phan Châu Trinh cũng xét tuyển theo tiêu chí riêng của nhà trường, thí sinh có thể thêm vòng thi: phỏng vấn, đơn dự tuyển, nêu ý kiến của mình… Tương tự, ĐH dân lập Hải Phòng, có thêm phương thức xét tuyển theo cặp môn thi. Điểm xét tuyển bằng trung bình cộng của điểm thi và điểm trung bình học tập của cặp môn thi.
Nguyễn Duy Hoàng, học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) lo lắng: “Em thấy nhiều trường đưa ra phương án thi và tuyển sinh riêng như vậy sẽ khiến thí sinh mất thời gian để nghiên cứu. Khi tham gia thi tuyển, xét tuyển cũng rất mất thời gian. Nên có một phương thức chung hoặc theo đặc thù của từng trường mà có phương án tuyển sinh riêng. Chẳng hạn, cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ mà trường nào cũng tuyển sinh theo cách riêng, để lựa chọn cũng phải mất hàng tháng trời rồi”.
Xem thêm về việc dừng tuyển sinh 207 ngành học ĐH-CĐ :